Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Gallery hát bội di động trên phố Sài Gòn

Người qua lại giữa phố xá tấp nập Sài Gòn dễ dàng nhận ra một chiếc xe đạp cũ kỹ với những chiếc mặt nạ đủ màu sắc chậm rãi chạy qua bao tuyến đường. Không có tiếng rao, không có những cái vẫy tay chào mời khách, những chiếc mặt nạ độc đáo được sáng tạo theo hình ảnh các nhân vật trong hát bội như Quan Công, Tào Tháo, Triệu Khuông Dẫn, Khương Linh Tá, Dương Phàm… cứ nhìn trừng trừng vào dòng người, như muốn hỏi họ có mua không!

Giữa dòng người đông đúc đó, người đi xe hơi, kẻ chạy xe máy, ông Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1964 cứ thong thả đạp xe trên 10 năm tuổi của mình với hy vọng có người hỏi mua. Khi những tiếng còi xe xa dần, người ta có thể nghe những tiếng lách cách của những chiếc mặt nạ va vào nhau, những tiếng lạch cạch của con ngựa sắt già nua.

Ghiền hát bội, đi làm mặt nạ

Người đàn ông ấy không nổi bật nhưng cũng dễ dàng nhận ra bởi dáng người dong dỏng trong bộ đồ trắng đã úa màu khói bụi, nước da sạm đen bởi cái nắng Sài Gòn, bộ râu đen nhẻm phong trần. Thật khó hình dung đằng sau dáng người khắc khổ đó lại là một tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn và hiền hòa.

“Bữa nay trời mưa nên ế nhưng mà quen rồi, cái nghề, cái nghiệp, cái đam mê cả đời mình mà, 24 năm rồi, nắng mưa gì tôi cũng chạy, chưa bao giờ nản lòng”, ông Bảy rít hơi thuốc lá bắt đầu kể chuyện đời mình. Sinh ra ở An Hòa, An Lão, Bình Định, từ nhỏ cậu thiếu niên đất võ đã bị mê hoặc bởi những vở tuồng hát bội. “Hồi đó cứ trốn đi xem tuồng bội hoài, mê lắm, chỉ mong sao lớn lên không có duyên làm nghệ sĩ hát bội thì cũng được làm cái gì liên quan đến nó”, ông kể.

Năm 1990, từ miền quê Bình Định, ông xách ba lô vào Sài Gòn, tìm cơ hội làm ăn nơi đô hội xứ người. Sau sáu tháng làm ở một xưởng thủ công mỹ nghệ với mức lương 400.000 đồng/tháng, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ hát bội da diết và quyết định nghỉ việc để tự làm mặt nạ hát bội.

“Những mặt nạ đầu tiên làm rất công phu và mất thời gian, nhưng lúc đó người ta không quan tâm nhiều đến mỹ thuật, đặc biệt là loại hình này. Vì thế, có khi cả tháng không bán được cái nào”, ông Bảy tâm sự. Nhưng rồi sự kiên trì, tìm tòi và nhiệt huyết cho đam mê, những khuôn mặt trung, liêm, hỷ, nộ, ái, ố của những nhân vật mà ông hâm mộ trong các tuồng hát bội dần được người Sài Gòn đón nhận.

Ông Bảy với chiếc mặt nạ thô vừa khô.
Ông Bảy với chiếc mặt nạ thô vừa khô.
Nghệ nhân đang thổi hồn vào khuôn mặt Dương Phàm.
Nghệ nhân đang thổi hồn vào khuôn mặt
Dương Phàm.

[box type=”bio”] Giá bán mặt nạ 110.000-380.000 đồng/chiếc

ĐT liên hệ: 0902 703 015[/box]

Mặt nạ hát bội chu du Âu-Á

Rồi không chỉ bán lẻ cho người đi đường, khách du lịch nước ngoài, mặt nạ của ông Bảy còn được bày bán ở nhiều khu du lịch ở Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né hay ngoài miền Bắc và còn được xuất ngoại sang các nước châu Âu, châu Á. “Mỗi ngày cứ siêng năng đạp và chờ đợi có cái mà lo cho vợ và hai đứa con nhỏ ăn học đàng hoàng”, ông Bảy nói bằng cái giọng đặc sệt của người đất võ.

Ông Bảy khoe, có một lần người ta đặt ông một lúc 7.000 chiếc để xuất khẩu sang Đức, lần khác một du khách nước ngoài nói với ông rằng, ông ấy là người sưu tập mặt nạ các dân tộc và rất may đã gặp ông Bảy. “Cái nghề âm thầm, vất vả nhưng mà vui vì mặt nạ của mình được đi khắp nơi. Người ta biết nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, về hát bội của quê hương mình”, ông nói.

“Gallery hát bội” trên đường phố.
“Gallery hát bội” trên đường phố.

20 năm rồi, người nghệ sĩ ấy vẫn ở cái phòng trọ nhỏ xíu tại cư xá Lam Sơn, Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp và miệt mài sáng tạo trên căn gác bé xíu, nóng bức nhưng chứa đầy những chiếc mặt nạ đủ màu, khuôn thạch cao, bột đá và sơn. Để một chiếc mặt nạ hoàn thành, ông Bảy cần sáu giờ, nhưng ông làm nhiều chiếc cùng một công đoạn để tiết kiệm thời gian trong khi chờ mặt nạ thô khô.

“Nhưng khi làm nghệ thuật, mình không phải làm để có sản phẩm, mà phải gửi cái hồn, cái tình vào đó. Giống như mình muốn làm một tác phẩm đẹp để người khác ngắm nhìn”, ông Bảy nói. Vì vậy khi vẽ ông Bảy tỉ mẩn từng nét cọ. “Đối với những nhân vật trung quân, nụ cười phải nhân hậu, ánh mắt phải có thần. Còn với kẻ gian thần, phản bội thì ánh mắt lúc nào cũng lấm lét, miệng cong cớn. Mình phải làm sao để người xem cảm nhận được những đặc điểm, tính cách của các nhân vật”, ông Bảy giải thích thêm.

Rồi cứ như thế, ngày nào ông Bảy cũng bắt đầu sáng tác từ 3 giờ chiều đến tận 2-3 giờ sáng hôm sau. Khi trời vừa hửng sáng, ông lại chất tất cả mặt nạ lên xe đạp cũ rời khỏi căn nhà trọ, rong ruổi xuống trung tâm thành phố bắt đầu cuộc mưu sinh.

Cứ vậy, chiếc xe đạp ấy như cái gallery di động cứ thong thả, thách thức cuộc sống hiện đại vội vã, thách thức cái thời tiết Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng. Ông Bảy nói: “Tôi sẽ chạy cho đến khi hai đứa con nó lớn khôn, tự lo được, sau đó tôi sẽ về quê, chứ tôi nhớ quê nhà, nhớ hát bội lắm”.

Mỹ Loan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

17 hoạt động nổi bật tại Lễ hội Sông nước TPHCM...

0
(SGTT) - Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 31-5 đến ngày 9-6-2024 với khoảng 17 hoạt động...

Mùa mưa sắp đến, những lưu ý khi bảo dưỡng ô...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, nhiều trung tâm bảo dưỡng ô tô bắt đầu tiếp nhận nhiều xe đến để bảo dưỡng các...

Cách chăm sóc bàn tay khô và nứt nẻ tại nhà

0
(SGTT) - Tình trạng sức khỏe, thời tiết, thói quen sinh hoạt... là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng da tay...

Những thông tin thú vị về cơm tự chín

0
Gần đây, một doanh nghiệp Việt cho ra mắt thị trường sản phẩm cơm tự chín với mức giá dự kiến từ 100.000 -...

Hiểu hơn về tác dụng của rau húng quế

0
Là loại rau gia vị thường xuyên có trong các món Việt, húng quế vừa giúp hương vị món ăn thêm đặc sắc, vừa...

Trưa nay ăn gì: Thanh ngọt salad rau diếp cá thịt...

0
(SGTT) – Trong ẩm thực Việt, diếp cá là loại rau khá quen thuộc và phổ biến với người nội trợ. Theo đó, loại...

Kết nối