Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Dừng thí điểm xe công nghệ: Một cuộc chơi sòng phẳng sắp bắt đầu?

(SGTTO) – Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-4-2020 tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách. Việc này tuân theo quyết định số 24 năm 2016 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đề án thí điểm 24 được xem là quyết định “mở đường” cho các hãng xe công nghệ vào hoạt động tại Việt Nam. Đề án này được triển khai tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà với sự tham gia của 10 doanh nghiệp.

Việc dừng thí điểm cũng chấm dứt thời kỳ tranh cãi kéo dài giữa taxi truyền thống và xe công nghệ. Ảnh: Thành Hoa

Sau khi dừng thí điểm, các đơn vị cung cấp phần mềm chỉ đóng vai trò trung gian xác nhận thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải với khách hàng, trong đó đảm bảo thực hiện đúng giá cước vận tải niêm yết hoặc giá trị hợp đồng đã ký kết.

Phần mềm này có thể hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi hoặc vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch nhưng sẽ phải tuân thủ các yêu cầu theo quy định tại Nghị định 10.

Kể từ ngày 1-4-2020, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ, kể cả người lái xe, đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4-2020 và đang tham gia kế hoạch thí điểm, nếu tiếp tục kinh doanh vận tải theo hợp đồng thì phải được cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe. Thời gian thực hiện hoàn tất trước ngày 1-7-2021. Còn nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe taxi thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi.

Khi lựa chọn hình thức taxi, các xe cũng không còn phải bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe như trước đây mà có thể thay thế bằng việc dán phù hiệu “Xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và phía sau xe, kích thước tối thiểu 6x20cm.

Chấm dứt tranh cãi kéo dài

Ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đánh giá chủ trương của Chính phủ khi dừng thí điểm này là “rất cẩn trọng” khi mà kinh tế phát triển theo một xu thế mới, đó là áp dụng công nghệ vào kết nối vận tải.

Ảnh Thành Hoa

Hoạt động thí điểm, theo ông Liên, chỉ trong một phạm vi hẹp (5 tỉnh thành), mục đích chính là để “rút kinh nghiệm”. Việc dừng thí điểm sau 4 năm đồng nghĩa với việc “cởi trói” cho nhu cầu phát triển của xe công nghệ. Từ 1-4, không chỉ có 5 tỉnh, thành nữa mà cả 63 tỉnh, thành trên cả nước, nếu ở đâu có nhu cầu, điều kiện đều có thể áp dụng loại hình vận tải này.

Thị trường xe công nghệ theo đó sẽ được mở rộng. “Sự tham gia của cá nhân, tổ chức vào xe công nghệ, cũng như đối tượng phục vụ của xe công nghệ được mở ra cho quần chúng nhân dân trong cả nước chứ không chỉ riêng 5 thành phố”, ông Liên nhận xét.

Bên cạnh đó, việc dừng thí điểm cũng chấm dứt thời kỳ tranh cãi kéo dài giữa taxi truyền thống và xe công nghệ. Xe công nghệ hoạt động trong thời gian thí điểm chưa có văn bản chính thống nào của Chính phủ quy định, song hiện tại, với Nghị định 10, loại hình vận tải này đã được tôn trọng và có một hành lang pháp lý để phát triển.

Từ việc dừng thí điểm, một thị trường công bằng cũng được thiết lập. “Trước đây, taxi truyền thống thường nói rằng họ không được cạnh tranh công bằng với xe công nghệ thì bây giờ loại hình nào cũng được khuyến khích và các doanh nghiệp vận tải có quyền lựa chọn”, ông Liên nói.

Vị chuyên gia đánh giá, trong khi con đường đầu tư xe công nghệ rộng mở thì taxi truyền thống cũng phải nỗ lực, nếu không sẽ bị lép vế trước làn sóng phát triển của công nghệ. “Tôi cho đây là điều hết sức có lợi cho thị trường. Bản thân người dân cũng được thừa hưởng thành quả của sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, có điều kiện tiếp cận với dịch vụ giá rẻ, chất lượng. Nhà nước thì thu được thuế một cách minh bạch”, ông Liên cho biết.

Theo Nghị định 10,việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình với Bộ Công an, Bộ Tài chính là để phối hợp quản lý. Đây là dữ liệu công khai sử dụng chung cho các cơ quan liên quan nhằm tăng cường quản lý hoạt động vận tải, quản lý trật tự, xử lý vi phạm cũng như quản lý về thuế.

Băn khoăn về sự “bùng nổ” của đầu xe và giá cước

Về việc số lượng đầu xe có thể sẽ tăng cao sau khi kết thúc thí điểm, ông Bùi Danh Liên nói: “Để thị trường điều tiết”. Hiện nay việc quy hoạch đầu xe do từng địa phương căn cứ vào sự phát triển kinh tế xã hội, năng lực điều hành và hạ tầng trên địa bàn mà quy định, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 10 không có quy định về quy hoạch đầu xe.

Ngay cả Đà Nẵng và Hà Nội, những địa phương đang có quy hoạch số đầu xe nhưng cũng chỉ tạm thời, trong giai đoạn từng năm chứ không thể cố định.

“Khi nhu cầu đi lên, sản lượng tăng lên thì người ta mới tham gia đầu tư vào số đầu phương tiện, nhưng nếu không có khách thì họ sẽ bỏ dần” – ông Liên cho biết. Tới đây, khi phương tiện giao thông công cộng phát triển như tàu cao tốc, tàu điện ngầm, xe buýt phát triển thì nhu cầu với vận chuyển taxi sẽ giảm và số lượng đầu xe cũng sẽ giảm theo.

Được biết, một số “ông lớn” xe công nghệ hiện cũng đã có kế hoạch mở rộng thị trường, trong khi hoạt động gọi xe được cho là sẽ không bị ảnh hưởng. Theo đại diện Grab, việc dừng thí điểm sẽ không ảnh hưởng đến việc khách hàng đặt xe, gọi đồ ăn hay giao hàng, mọi việc vẫn sẽ được thực hiện một cách bình thường.

Dừng thí điểm, thực chất là chấm dứt hình thức thí điểm để công nhận chính thức hoạt động của xe công nghệ. Cho nên, thay đổi lớn nhất đó chính là việc các doanh nghiệp tham gia hoạt động cung cấp ứng dụng công nghệ sẽ không còn phải xin giấy phép thí điểm như trước mà cơ hội sẽ được mở ra rộng rãi.

Hiện, Grab đã tuyên bố đầu tư thêm 500 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics. Trong khi đó, FastGo cũng đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ thêm 10 tỉnh, thành phố có sân bay và du lịch.

Về vấn đề giá cước, vốn là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm, Nghị định 10 có quy định đối với taxi sử dụng đồng hồ tính tiền và taxi sử dụng phần mềm tính tiền nhưng với xe hợp đồng thì lại không.Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, để kiểm soát xe hợp đồng phải kiểm soát được hợp đồng vận chuyển và số lượng khách trên mỗi chuyến xe. Giá thỏa thuận theo hợp đồng phải đưa vào khung giá dịch vụ. Xe hợp đồng cũng phải kê khai giá cưới vận tải để có khung giá cụ thể.

Diệp Chi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vận tải hàng không hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở...

0
(SGTT) - Những biến động ở khu vực Biển Đỏ thời gian qua buộc nhiều chủ hàng quyết định kết hợp vận tải đường...

Căng thẳng cạnh tranh trên Food App, doanh nghiệp chuyển mình...

0
(SGTT) - Dịch vụ cung cấp đồ ăn thức uống trên các ứng dụng đặt hàng trực tuyến (Food App) đang trở nên phổ...

Đề xuất thay đổi nhiều quy định liên quan đến quản...

0
(SGTT) - Theo dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đơn...

Thêm 1 bãi xe container hoạt động giúp giải quyết chỗ...

0
(SGTT) - Là đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải container nội địa, quốc tế và cho thuê kho bãi, Công ty TNHH...

Địa chỉ 10 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động tại...

0
Hiện TPHCM còn 10 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, các đơn vị này làm việc đến 20:00 mỗi ngày và làm cả...

TPHCM tính cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ...

0
Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) vừa trình UBND TPHCM kế hoạch cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ ngày 10-1-2023....

Kết nối