Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Du lịch không thể quá kỳ vọng vào một thị trường đơn lẻ

Đến nay, cả thế giới có khoảng 70 nước được đón khách theo đoàn từ Trung Quốc, sau khi nước này vừa thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và Anh cùng 13 nước khác vào danh sách. Chiếm trên 30% tổng lượng khách nước ngoài của một số nước châu Á trước Covid-19, Trung Quốc từng là thị trường khách trọng tâm của nền du lịch các nước này. Tuy nhiên, sự thiếu vắng lâu ngày của khách đoàn và cả khách lẻ Trung Quốc đã buộc nhiều nước từ bỏ hy vọng vào thị trường lớn này, có đối sách thích hợp, tìm kiếm thị trường ngách mới nhằm bù đắp cho thiếu vắng khách đại lục.
Lễ hội té nước Songkran vào tháng 4-2023 được mô tả là “náo nhiệt”, nhưng với lượng khách Trung Quốc giảm, ngành du lịch Thái Lan nói “vẫn đang ế ấm”. Ảnh: Xinhua

Sự chuyển dịch của Thái Lan

Trung Quốc bắt đầu cho phép công dân theo tour đoàn đi nước ngoài, trong đó có Thái Lan, từ tháng 2-2023.

Ngành du lịch Thái Lan từng kỳ vọng khách Trung Quốc sẽ tăng nhanh sau khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách zero Covid và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, niềm hy vọng lớn nhanh chóng “tắt ngúm” khi nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn với quá nhiều vấn đề, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu… Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) nói rằng “thị trường khách Trung Quốc hiện đang ế ẩm”. Sáu tháng đầu năm nay, theo số liệu tổng hợp của nền tảng đặt phòng SiteMinder, ứng dụng mua sắm Meituan và TAT, khoảng 1,6 triệu khách Trung Quốc đã đến Thái Lan. Điều này khiến mục tiêu “7 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số 30 triệu lượt khách quốc tế” của Chính phủ Thái Lan trở thành “phi thực tế”.

Nhà kinh tế cấp cao Barnabas Gan của ngân hàng RHB Bank, Malaysia cho rằng đà tăng trưởng du lịch Thái Lan gần đây đã chậm lại. Nước này đang đối diện sự cạnh tranh từ nước láng giềng. Tình trạng chính phủ “treo” trong nhiều tháng cũng ảnh hưởng đến mức độ ổn định chính trị của vương quốc, ảnh hưởng triển vọng hồi phục của ngành du lịch.

Tình trạng quá trông chờ vào thị trường đại lục như từ trước đến nay hoặc “để trứng hết vào một giỏ Hàn Quốc” như hiện nay có thể là một rủi ro lớn của ngành du lịch, các hãng lữ hành Việt Nam.

Một số nhóm khách du lịch Trung Quốc đã thay đổi kế hoạch và chuyển hướng du lịch Malaysia, thay vì Thái Lan, do xin visa vào Malaysia chỉ mất 1-3 ngày và phí chỉ 200 nhân dân tệ. Ông Sisadiwat Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Thái Lan (ATTA) và đại diện Liên đoàn các hiệp hội du lịch Thái Lan (FETTA), nói với tờ Khao Sod rằng khu vực du lịch tư nhân Thái Lan đang chuẩn bị một đề xuất khẩn cấp trong đó có miễn lệ phí thị thực cho khách du lịch Trung Quốc trong thời gian ba tháng.

Theo vị này, khách đoàn Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi dần nếu Thái Lan điều chỉnh kịp thời, có thể là vào năm 2024. TAT đặt mục tiêu 7-8 triệu khách Trung Quốc, cùng khoảng hơn 25 triệu khách quốc tế. Phân nhỏ từng thị trường, TAT hy vọng sẽ có khoảng 3 triệu lượt khách từ Nhật Bản và Hàn Quốc, 1 triệu lượt từ Hồng Kông, 600.000-700.000 lượt từ Đài Loan, riêng thị trường ASEAN sẽ chiếm khoảng 10,5 triệu lượt.

Du khách tại Thái Lan. Ảnh: Anh Tuấn Rick

Khách Việt Nam cũng vào “tầm ngắm” của nước này. Lượt du khách Việt Nam đến Thái Lan tương đương con số du khách Hồng Kông đến vương quốc này, xếp hạng 10 hay hạng 11 trên bảng tổng sắp. Thế nhưng từ năm 2020, lượt khách Việt Nam đến Thái Lan đã lên hạng 4, xếp sau Malaysia, Ấn Độ và Singapore. Chính phủ Thái Lan và TAT có sự chăm chút rất rõ với khách các thị trường ASEAN nhằm bù đắp cho lượng khách khổng lồ từ đại lục.

Từ quan tâm khách lẻ, nay Thái Lan rất quan tâm đến khách đoàn từ Việt Nam và có hướng khuyến khích các hãng lữ hành Việt Nam khai thác mảng du lịch hội nghị, khuyến thưởng (MICE) ở Phuket và Chiangmai, thay vì chỉ tập trung vào Bangkok và Pattaya như trước đây. Trong quí 1-2023 (quí 2 của năm tài chính Thái Lan, từ tháng 9 năm nay đến tháng 8 năm sau), lượng khách MICE từ Việt Nam đã tăng vọt lên 6.553 lượt khách, xếp thứ tư sau Malaysia, Singapore và Trung Quốc.

Cơ hội từ thị trường ngách

Từ tháng 4-2023, Việt Nam mới được Trung Quốc đưa vào danh sách tổ chức tour đoàn. Kết quả là với hơn 557.000 du khách trong sáu tháng đầu năm 2023, Trung Quốc xếp thứ hai trong Top 10 thị trường khách quốc tế của Việt Nam, sau Hàn Quốc 1,6 triệu lượt và trên Mỹ với 375.000 lượt và Đài Loan với 332.000 lượt. Số này khá thấp so với con số 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2019 và 5,8 triệu lượt cả năm 2019 – năm trước dịch Covid-19.

Tình trạng quá trông chờ vào thị trường đại lục như từ trước đến nay hoặc “để trứng hết vào một giỏ Hàn Quốc” như hiện nay có thể là một rủi ro lớn của ngành du lịch, các hãng lữ hành Việt Nam. “Khách du lịch Hàn Quốc thường mau chán. Sau khi đã quá quen thuộc với Đà Nẵng và Hội An, họ rất háo hức khám phá Nha Trang, rồi Đà Lạt và Phú Quốc. Một khi các điểm đến này không còn mới mẻ, họ sẽ đi tìm những nơi khác”, theo lời ông Kim Jae Chon – một nhà ngoại giao Hàn Quốc từng làm cho Dong Bo Air Service.

Trong khi đó, các số liệu của Niên giám thống kê 2022 cho thấy thông tin thú vị về thị trường ngách của du lịch Việt Nam. Mười thị trường khách quốc tế chi tiêu nhiều nhất của du lịch Việt Nam gồm Philippines đứng đầu với chi tiêu 2.257,8 đô la Mỹ/người; tiếp đến là Bỉ 1.995,3 đô la, Mỹ 1.709,7 đô la. Tiếp theo trong danh sách này là Úc, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Canada, Anh và Đức…

Các thị trường khác có mức chi tiêu đầu người thấp hơn vẫn có thế mạnh riêng. Như du khách Malaysia và Indonesia thì thích đồ ăn và vật dụng tiêu chuẩn Halal, khách Campuchia thì theo các tour du lịch khám bệnh và điều trị y tế tại TPHCM. Hoặc “khách từ Bangkok thích Đà Lạt bởi khí hậu mát mẻ” – như lời Jack Ronnachat, người dẫn chương trình tin tức News 1 ở Bangkok. Ronnachat thường làm khách mời famtrip của các tuyến bay mới của hãng Thai Viet Jet đến Việt Nam.

Ricky Hồ

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối