(SGTTO) - Ngày 4-9, Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, một đơn vị của Saigon Times Club, đã tổ chức buổi tọa đàm “Sức khoẻ doanh nhân, nền tảng doanh nghiệp” nhằm cung cấp về chế độ dinh dưỡng hợp lý và phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra cho các doanh nhân và những người tham gia thi đấu tại Đại hội thể thao doanh nhân Olympic 2030 lần 5-2019 diễn ra từ ngày 7-9 đến 13-10.
Tại buổi tọa đàm, Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Nhân Hậu đã chỉ ra những nguy cơ có thể xảy ra khi doanh nhân tham gia thi đấu thể thao với vận động thể lực ở mức độ cực đại hoặc cận cực đại, như bóng đá, chạy marathon, chạy việt dã, chạy lên toà nhà… nếu không khởi động đúng và vận động đúng cách khi về đích sẽ gặp phải nguy cơ đột quỵ, chuột rút, đau bụng, hội chứng hạ đường huyết, say nắng, đuối nước…
Gần đây, nhiều người trẻ đang khỏe mạnh, nhất là ở độ tuổi trung niên đột ngột nhập viện cấp cứu khi gắng sức thi đấu hoặc chơi một môn thể thao.
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Việt Nam, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 230.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ 10% trong số những người sống sót bình phục hoàn toàn. Đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình của bệnh là từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, với mức tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm. Nhiều bệnh viện, đơn vị thậm chí còn tiếp nhận những trường hợp bị đột quỵ khi mới 18, 20 tuổi.
Với doanh nhân, việc luyện tập giúp họ có sức khỏe, tạo hứng khởi làm việc, và quan trọng hơn là gắn kết cùng nhân viên, đồng nghiệp. Tuy nhiên, để tham gia một môn thể thao vừa đảm bảo vui, thỏa đam mê nhưng an toàn thì doanh nhân nên lưu ý tầm soát những nguy cơ, tránh xảy ra những điều không tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Hải Nam khuyến cáo, các vận động viên tham gia thi đấu thể thao nên đi kiểm tra sức khoẻ trước mùa giải để phòng bệnh tốt nhất. Ngoài xét nghiệm thông thường ra cần làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức. Khi có kết quả tầm soát chuyên sâu, bác sĩ sẽ tư vấn giúp người bệnh lựa chọn môn thể thao phù hợp, tránh hậu quả đáng tiếc.
Để cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt nhất trước, trong và sau thi đấu, Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Kim Huệ, nguyên Trưởng khoa Truyền thông – Giáo dục sức khoẻ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, đưa ra chế độ ăn uống để cung cấp đủ năng lượng cho các vận động viên. Các vận động viên có thể ăn trước 2 đến 3 giờ thi đấu với bữa ăn nhỏ 500 - 1.000 Kcal.
Các cầu thủ bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền tiêu hao năng lượng cao khoảng 4.000 - 6.000 Kcal. Ăn tinh bột để tăng dự trữ đường trong gan, cơ; chất đạm ăn ở mức vừa phải.
Thi đấu xong, vận động viên phải uống nước trước, nghỉ ngơi khoảng 45 đến 60 phút mới ăn bữa nhỏ. Bởi, lúc này cơ thể hấp thu tốt chất dinh dưỡng. Nên ăn những thực phẩm giàu chất béo để cải thiện chức năng sinh lý của cơ thể, bù đắp năng lượng mất đi khi thi đấu. Nên ăn nhiều rau, củ quả, trái cây.
Vận động viên có thể uống nước trước thi đấu 1-2 giờ với 0,5 lít nước. Trước thi đấu 10-20 phút uống 200-300ml nước; trong lúc tập luyện thi đấu uống 150 – 300ml nước, giờ giải lao uống 500ml nước. Sau buổi tập luyện và thi đấu, vận động viên nên bù đủ lượng nước mất gấp 1,5 lần.
Vận động viên nên uống nước tinh khiết, uống nước có chất điện giải, nước Pi (tạo chất kiềm, giàu vi khoáng, chống oxy hoá, trung hoà axit dư trong cơ thể…). Trong thi đấu thể thao, các vận động viên không nên uống trà, cà phê, rượu bia sẽ lợi tiểu, gây mất nước, ảnh hưởng đến thần kinh. Không nên uống nước ngọt, nước tăng lực gây đầy bụng, cản trở hấp thu nước.
Đại hội Thể thao doanh nhân - Olympic 2030 được tài trợ bởi Adam Khoo Education – đại diện chính thức của Tập đoàn Công nghệ Giáo dục Adam Khoo Education Singapore tại Việt Nam; BionTECH; và Phòng khám Đa khoa Quốc tế Nhân Hậu (522-524 Nguyễn Chí Thanh, phường 7, quận 10, TPHCM). Báo Sài Gòn Tiếp Thị là đơn vị bảo trợ truyền thông chính thức
Hoàng Nhung
[…] Để thi đấu thể thao an toàn […]