Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Để làm “phường chợ búa” bán cá tôm đâu có dễ!

(SGTT) – Chẳng biết tự bao giờ, người Việt rất thành kiến với dân chợ, nhất là người bán thủy sản. Các thành ngữ về hành xử, nói năng như “Hàng tôm, hàng cá”, “Phường chợ búa”… luôn hàm ý xấu, ám chỉ những người ít được học hành, kém văn hóa.

Văn hóa là khái niệm rất rộng, bao trùm toàn bộ hành vi cuộc sống, rất khó định lượng cụ thể. Các cụm từ “trình độ văn hóatrong lý lịch, trường Bổ túc văn hóa … có thể khiến nhiều người hiểu sai, phải ghi là trình độ học vấn, không phải cứ học cao là văn hóa cao và ngược lại. Văn hóa tùy thuộc vào phẩm chất và tính cách chứ không phải bằng cấp, càng không thể lạm phát đại trà danh xưng “gia đình, khu phố, làng, xã… văn hóa”.

Tác giả đang đi giao hàng.

Dẫu biết rằng “chỉ có người hèn chứ không có nghề hèn” và ngành nghề nào cũng có người này người khác nhưng dân hàng chợ luôn bị xem thường. Thời bao cấp, không ít cô giáo bỏ nghề ra chợ kiếm sống giúp cả nhà, nuôi dạy nên nhiều người thành đạt hiện nay. Thời bao cấp, lương và phụ cấp viên chức èo uột, hầu như ai cũng có nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, bám nghề.

Thời sinh viên, trước 1975, từ miền Trung vào Sài Gòn trọ học, tôi đã làm đủ nghề để nuôi ước mơ đại học. Sau 1975, là cán bộ Thành Đoàn, tôi cũng chẳng nề hà làm thêm như giữ xe, bán vé vào cửa, bảo vệ, quấn mô tơ… Thời 4.0, tôi đang tính thử làm grabbike (người giao hàng công nghệ) để trải nghiệm thành phố thì Covid-19 ập tới. Sau mấy tháng đắn đo, tôi quyết định làm “shipper” gạo ST25 để ủng hộ nông sản Việt.

Làm gì cũng phải học và cần cả kỹ năng lẫn kinh nghiệm. Từ việc sử dụng công nghệ, định hướng đi đến việc chất hàng, thời điểm xuất hành, thời gian di chuyển, google map (app bản đồ chỉ đường) quá siêu, chỉ đường vanh vách, liên tục cập nhật khoảng cách và chuyển hướng định vị nếu đi đường khác. Đường phố Sài Gòn từ tên đường đến số nhà, hơn cả “thập diện mai phục”, lắm khi “thầy google” cũng bất lực. Lúc đó, tôi phải vận dụng, kết hợp giữa google map và “google mồm” (hỏi đường) mới chính xác.

Là dân “Hai Lúa” nhưng nhờ shipper gạo ST15 tôi mới hiểu thêm những long đong của gạo Việt. Trong 12 lần cuộc thi “Hoa hậu gạo” (World’s Best Rice), Thái Lan đạt 6 lần, Campuchia 4 lần, Mỹ, Myanmar, Việt Nam mỗi nước 1 lần ( có năm 2 giải đồng hạng). Gạo mùa nắng ráo và trồng vuông tôm ngon hơn. Gạo ngon còn tùy đất, nước, lẫn người trồng. Ngoài ST25, tôi còn ship gạo lứt dẻo Điện Biên trồng ở thung lũng Mường Thanh lịch sử.

Tác giả đang đi giao hàng.

Khách hàng toàn bạn bè và người quen. Theo yêu cầu, tôi ship thêm nước mắm tĩn công thức 300 năm gia truyền Phan Thiết. Ngoài nước mắm cá, có nước mắm tôm, nước mắm cho trẻ em (ít muối, nhiều đạm); nước mắm chay (rong biển hoặc nấm)… Mới hay các sản phẩm OCOP muốn trở thành thương hiệu phải có câu chuyện dẫn dắt. Nước mắm Tĩn Phan Thiết gắn liền với show diễn hoàng tráng “Huyền thoại làng chài” và Bảo tàng nước mắm” độc đáo.

Mấy tháng nay tôi ship thêm mật ong, cá ngừ, các loại cá, mực… lại phải tìm hiểu, dùng thử, biết cách nhận diện, thử mật ong và chất lượng, tra cứu công dụng. Chưa ai chứng minh được mật ong rừng tốt hơn mật ong vườn. Mỗi con ong là một nhà máy mi ni hiện đại, có thể tinh luyện mật từ các loại hoa, thậm chí từ lá.

Ai muốn bán gì cũng phải tìm hiểu, từ chất lượng nguồn hàng, chọn hàng, vận chuyển và giá cả hợp lý nhất. Bán sản phẩm cá ngừ đại dương tôi mới hay có món gân cá ngừ ngon “bẻ rổ” (bổ rẻ), vừa dễ chế biến, vừa lạ miệng. Bán cá cơm mới hay nhà cá cơm có 150 loài; phân biệt theo màu và hình dáng như trắng, thường, sọc tiêu, đỏ, than, sọc phấn, phấn chì, lép, mờm (có nơi gọi là mồm, cơm bột, cơm sữa)… Cá cơm nước mặn đánh bằng lưới mắt cực nhỏ, dài mấy trăm mét. Cá cơm nước ngọt, dùng ghe te lưới sát mặt nước để bắt cá.

Các loại cá như trao tráo, bả trầu, đổng, nhồng… tên gọi dân dã mà chất lượng khỏi chê. Có cá lưới (loại nhỏ) và cá câu (loại lớn). Mực cũng vậy, có mực lưới, mực trứng, mực ống… Cá nục có nục lưới, nục suông, nục gai… không chỉ ăn thử để kiểm tra chất lượng mà còn phải biết công dụng và cách chế biến sản phẩm để tư vấn cho người dùng, có khi kèm luôn rau thơm hay gia vị cần thiết vì mùa dịch, khách rất khó mua.

Công việc “shipper” gạo thì sạch sẽ nhưng chở nặng và sợ trời mưa, giao cá, mực nhẹ nhàng hơn. Trời mưa chỉ sợ ướt điện thoại, nhờ hàng cấp đông và chất lượng, vệ sinh kỹ, đựng thùng xốp nên gần như không nghe mùi. Có những buổi nắng bỏng tai, người giao hàng phải có mũ trùm đầu, có lúc mưa, to, gió giật cũng phải giao vì khách đang cần. Hàng về là phải chuyển sớm nhất.

Thấy tôi làm “shipper” vất vả, không ít người ái ngại. Tôi nói đùa “Toàn khách VIP nên shipper cũng VIP” và rất vui vì thấy mình làm việc có ích cho cộng đồng, mang niềm vui đến cho người khác trong mùa dịch. Khi mọi người phải quanh quẩn trong nhà, thì “shipper” được ra đường, có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về bạn bè, khách quen và về Sài Gòn, một dạng du lịch đặc biệt.

Nhờ Covid 19, tôi được làm “shipper”, gia nhập “phường chợ búa” và hàng tôm, hàng cá mới hay, có nhiều bạn hàng đáng yêu, lịch lãm và chẳng có nghề nào nhàn, nhẹ. Thời Covid 19, ngoài “nhất nghệ tinh”, ta phải có thêm mấy nghề phụ để xoay sở, không thụ động kêu ca, than vãn. Nghề nào cũng phải học, phải làm hết mình, cực nhọc hay không tùy động cơ và mục đích hành nghề. Khi nghề đã chọn mình, dù là nghề phụ, ta cũng phải làm tới nơi, tới chốn. Mình không phụ nghề thì nghể chẳng bao giờ phụ mình.

Các “shipper” giao hàng mùa dịch. Ảnh: Thanh Niên

Nỗi vất vả của “shipper” mùa dịch chẳng là gì so với gian nan thời bộ đội ở chiến trường K, mà tôi từng ghi lại bằng thơ trong sổ tay “…Có những ngày muốn lả đi vì đói. Vai tím bầm, chân rướm máu; rã rời. Có những trưa vắt kiệt hết mồ hôi. Hành quân suốt mấy đêm chưa chợp mắt. Vào chiến dịch cả tuần chưa tắm giặt. Những cơn sốt rừng làm đổi màu da…”.

Nghề gì cũng không quá khó, làm đại, làm liều thì không chết cũng bị thương. Cái khó là hành nghề giỏi, dù là “phường chợ búa” hay hàng tôm, hàng cá. Nhờ nghề mới, tôi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, làm giàu thêm kiến thức để đi dạy đại học, làm quản lý công ty, làm hướng dẫn viên du lịch; có thêm những trang viết trải lòng muôn mặt đáng yêu của Sài Gòn mà bình thường không thể nào cảm nhận được.

Bằng tuổi tôi, bạn bè về hưu đã lâu. Nhiều người than chán vì không có việc gì làm. Tôi thì ngược lại, tất bật như bị trời hành, lúc nào cũng làm không hết việc. Quá tuổi hưu, tôi vẫn được làm việc mình thích và làm việc hiệu quả, với tôi, đó là hạnh phúc lớn.

Nguyễn Văn Mỹ

Chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt

Tiếp nối thành công bởi giá trị nhân văn đem lại từ những đợt tổ chức năm 2020, chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” được Kinh tế Sài Gòn tiếp tục thực hiện vào năm nay với chủ đề “Đồng hành chống dịch”, chính thức được phát động vào ngày 2-6-2021.

 Thông tin tiếp nhận hỗ trợ: TẠP CHÍ KINH TẾ SÀI GÒN. STK: 1007 1485 1003318. Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – Chi nhánh Hoà Bình – TPHCM. Nội dung chuyển khoản: Họ tên_UnghoSaigon Times – NVTL-Donghanhchongdich. Quý doanh nghiệp, bạn đọc có nhu cầu ủng hộ hiện vật vui lòng liên hệ chị Huỳnh Hương (0913118711) hoặc anh Huy Hân (0902696617).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy...

0
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM,...

TPHCM ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

0
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết thành phố đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện ca bệnh...

Người nhập cảnh nghi ngờ hoặc mắc đậu mùa khỉ sẽ...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), khi nhập cảnh từ vùng có dịch hoặc không có...

Kích hoạt đo thân nhiệt tại cửa khẩu để giám sát...

0
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm các ca bệnh, Bộ Y tế...

Bàn chuyện có nên cách ly tập trung khi mắc đậu...

0
(SGTT) - Để tránh tình trạng lây lan rộng bệnh đậu mùa khỉ, việc cách ly tối thiểu 14 ngày là điều cần thiết....

Nhiều địa phương vẫn cách ly người đến từ TPHCM

0
(SGTT) - Lai Châu, Bình Định là những địa phương vẫn áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi y tế đối với người...

Kết nối