Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Đầu bếp Võ Quốc và niềm đam mê bất tận với món ăn Việt

(SGTTO) – Đầu bếp Võ Quốc - người sáng lập tạp chí ẩm thực Món Ngon Việt Nam - là nhân vật quen thuộc với khán giả truyền hình qua các chương trình nấu ăn và các cuộc thi ẩm thực. Nếu chỉ nhìn sự thành công ở hiện tại, ít ai ngờ rằng, anh từng thi trượt đại học đến ba lần và từng là một nhân viên ngân hàng. Nghề bếp đã nhiều lần tìm đến anh qua những cơ duyên bất ngờ...

Nếu có dịp gặp gỡ đầu bếp Võ Quốc, chắc hẳn không ít người sẽ thấy cảm mến anh ngay bởi tính cách vui vẻ, thân thiện và nhiều năng lượng tích cực của anh. Bật mí với Sài Gòn Tiếp Thị, đầu bếp Võ Quốc nói: “Trong công việc tôi là người rất khó tính! Tôi không cho phép nhân viên của mình làm sai những gì đã được học. Một khi tôi đã làm gì thì phải quyết tâm làm giỏi nhất”.

Được biết, đầu bếp Võ Quốc chưa từng là bếp trưởng của bất cứ nhà hàng, khách sạn nào. Nhưng anh lại có cơ hội rèn luyện tay nghề qua công việc nấu và trang trí món ăn để quảng bá trên báo chí, doanh nghiệp thực phẩm và tạp chí Món Ngon Việt Nam của riêng mình. Công việc này giúp anh có được nhiều cơ hội để tìm tòi, nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam – phong cách ẩm thực mà anh theo đuổi và thành công.

Từ học sinh giỏi Hóa….

Đầu bếp Võ Quốc sinh ra trong một gia đình trí thức có tám anh chị em. Anh là con út trong nhà, các anh chị trước đều có học vị cao, theo đuổi các ngành nghề như kỹ sư, kinh tế... vốn rất được coi trọng thời ấy. Anh kể, mẹ anh luôn nhắc nhở các con rằng chỉ có học mới thoát khỏi cái nghèo nên luôn nỗ lực cho cả tám người ăn học đến nơi, đến chốn. Tư tưởng coi trọng việc học cũng theo anh đi suốt những ngày tuổi thơ.

Khi vào phổ thông, anh được gia đình cho vào TPHCM để học tập. Môi trường mới mang lại cho anh nhiều bỡ ngỡ khi các bạn bè đều có phần hơn anh từ điều kiện vật chất đến sức học. “Lúc đó tôi giống như bị 'sốc văn hóa'”. Ở quê, tôi gần như hơn hẳn nhiều bạn bè khác, nhưng ở thành phố thì ngược lại. Nhưng rồi tôi quyết định tập trung ôn luyện các môn thi đại học. Tôi đã định thi kiến trúc vì tôi rất có năng khiếu mỹ thuật, dù gia đình muốn tôi học kinh tế”, anh Võ Quốc nhớ lại. Không may, anh lại gặp tai nạn ở tay phải và không thể tiếp tục luyện vẽ nữa. Anh phải từ bỏ giấc mơ mỹ thuật, chấp nhận theo định hướng học kinh tế.

Bên cạnh năng khiếu vẽ, anh còn học rất tốt môn Hóa nên cũng được nhà trường đề xuất đi thi học sinh giỏi quốc gia môn này. Thời gian ôn thi, thầy giáo phát cho anh bộ đề và yêu cầu tự luyện thi. Anh miệt mài giải hết bài tập ôn thi, thuộc lòng cả cách giải, có bài còn không cần dùng đến máy tính. Nhưng trong suy nghĩ thời niên thiếu, anh nhận thấy bản thân đã vượt qua được giới hạn, không còn cảm giác thử thách nên không còn ý định dự thi để đoạt giải nữa.

Anh Quốc tâm sự: “Hồi ấy tôi ngông cuồng lắm! Về nhà, tôi bị gia đình đánh một trận. Nếu tôi đi thi kỳ thi đó, có lẽ tôi đã được tuyển thẳng đại học rồi sang nước ngoài tu nghiệp, làm giảng viên như cô bạn cùng ôn thi năm ấy”. Nhưng cậu thanh niên Võ Quốc khi ấy không biết rằng, ba năm tiếp theo đó, anh sẽ thi trượt đại học cả ba lần.

Anh cố gắng thi vào Đại học Kinh tế, nhưng ngặt nỗi, anh chỉ giỏi đúng môn Hóa, hai môn còn lại điểm rất thấp. Ba năm liền không đậu, anh luôn phải sống dưới áp lực từ gia đình trí thức khi có con… rớt đại học. Cứ thi rớt thì anh lại phải về nhà học ôn thi. Thời gian này cũng chính là bước ngoặt đầu tiên đưa anh tới khái niệm làm bếp. Người bạn thân thời phổ thông của anh là con của nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, những ngày ôn luyện, anh thường đến nhà cô Cẩm Vân, người anh gọi bằng “mẹ nuôi”, vừa học vừa giúp cô nấu nướng. Nhận thấy anh có năng khiếu, cô Cẩm Vân đã gợi ý với mẹ và chị gái của anh để anh theo học nghề này.

Ngã rẽ sang nghề bếp...

Cuối cùng, mẹ và chị của anh cũng đồng ý cho anh thử theo học, nhưng phải giấu ba và các anh chị còn lại. Anh tâm sự: “Lúc đó, tôi học bếp cũng gian truân lắm vì phải giấu gia đình! Mẹ Vân giới thiệu cho tôi vào trường nghề Saigon Tourist có dạy nghề bếp để học. Tôi chỉ mặc áo bếp để tiện cởi ra và giấu vào cặp”. Tại đây, anh đã bắt đầu nhận ra năng khiếu và niềm say mê với việc bếp núc. Bất ngờ, sau thời gian ngắn theo học, anh được chọn vào đoàn đi tham gia cuộc thi nghề châu Á năm 2001. Đây cũng chính là bước ngoặt lớn nhất khiến anh gắn chặt với sự nghiệp chảo lửa.

Đó là lần đầu tiên anh Võ Quốc được xuất ngoại, đến Bắc Kinh để dự thi chỉ sau một tháng ôn luyện. Tay nghề đầu bếp nước bạn, những dụng cụ làm bếp chuyên dụng khiến chàng sinh viên mới học nghề như anh phải choáng ngợp.

Dù giảng viên có lời khuyên anh chỉ nên làm món nem công chả phượng – món đã được ôn thi để an toàn, nhưng anh Quốc muốn thử sức với món ăn mới mà anh vừa nghĩ ra. Năm ấy, anh đã dự thi món cơm chiên hoàng bào bằng kỹ thuật nấu xôi vò của Việt Nam. Cách này giúp hạt cơm tơi nhưng vẫn thấm gia vị, béo bùi nhờ được áo bằng đậu xanh, trứng muối. Đặc biệt, khi ăn cơm chiên này thì sẽ không thấy dầu mỡ bám dưới đáy dĩa.

“Hình như cái số tôi là phải làm nghề bếp! Món cơm chiên đó tôi vừa nghĩ ra tức thì, nhờ người bạn nước ngoài thi cùng mua giúp nguyên liệu. Không biết duyên số ra sao mà bạn đó mua đúng thứ tôi cần, dù chẳng giao tiếp được bằng lời. Kết quả, tôi đã đem về giải Nhất ở cuộc thi này, cũng là lần đầu tiên cho Việt Nam”, anh kể về thành tựu đầu tiên với nghề. Cũng đúng lúc, anh muốn đem giải thưởng này về để chính thức thông báo với gia đình: anh sẽ theo nghề bếp.

Những thành tựu bất ngờ với nghề bếp khiến anh Võ Quốc dần tin vào cái duyên với ẩm thực.

Trở về trong vinh quang, đầu bếp Võ Quốc được nhiều báo chí biết đến và mời phỏng vấn, viết bài đăng báo. Lúc này, gia đình anh cũng đã biết tin anh học nghề. Nhưng nghề bếp ở Việt Nam khi ấy chưa có chỗ đứng, nếu học bếp thì chỉ có người học tay ngang, làm quán nhậu hay những người thất học. Gia đình anh vẫn phản đối và muốn anh phải tiếp tục theo học ngành kinh tế, cụ thể là theo học khóa tại chức về Thẩm định giá trong thời gian chờ thi Đại học. Đồng thời, anh cũng được trường dạy nghề tặng cho khóa đào tạo bếp trưởng, bếp phó chuyên nghiệp ở mảng bếp Âu từ nguồn tài trợ nước ngoài. Cơ hội đến một lần nữa, anh nhận thưởng và học thêm về nghề bếp.

Năm 2003, học xong khóa học Thẩm định giá, anh lại được gia đình hướng để ôn thi liên thông lên đại học. Anh được nhận vào làm ở ngân hàng. Lúc này, anh đã bỏ hẳn suy nghĩ theo nghề bếp vì không có sự ủng hộ của gia đình hay nhìn thấy tương lai ở công việc này. Sau hai tháng đi làm, anh thấy công việc không phù hợp và xin phép gia đình cho anh nghỉ để suy nghĩ về sự nghiệp, tương lai. Nhưng một lần nữa, nghề bếp lại tìm đến anh dưới dạng thức khác.

Trở thành chủ biên tạp chí ẩm thực Việt

Có lẽ, đầu bếp Võ Quốc là một trong số ít đầu bếp không thuộc bất cứ nhà hàng, khách sạn nào. Tên tuổi của anh được giới ẩm thực biết đến từ công việc chủ biên, sáng lập các ấn phẩm: Món Ngon Việt Nam, Gia Đình Vào Bếp, Vietnamese Delicious - giới thiệu món ăn Việt. Đây chính là công việc giúp anh thăng tiến trong nghành ẩm thực nói chung và tay nghề nấu bếp Việt nói riêng.

Nhờ từng đoạt giải Nhất cuộc thi nghề châu Á, anh Võ Quốc được nhiều phóng viên, nhà báo gợi ý cộng tác cung cấp công thức nấu ăn, nấu và trang trí món ăn, chụp ảnh đăng các tạp chí có mục ẩm thực. Vừa biết nấu nướng lại có khiếu thẩm mỹ, anh nhanh chóng thích nghi với công việc này. Từ đó, anh được nhiều nhãn hàng về thực phẩm mời làm đầu bếp và trang trí món ăn để chụp ảnh quảng cáo.

Anh nhớ lại: “Khi đó, cứ mỗi bức ảnh, công thức nấu ăn được nhãn hàng sử dụng tôi được trả đến 100 đô la Mỹ - số tiền rất lớn so với lúc bấy giờ, ở nghề này. Nhờ vậy, tôi áp lực phải tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, xuất sắc hơn nữa để xứng đáng với thù lao được nhận”.  Đầu bếp Võ Quốc ra các nhà sách, tìm thêm sách, ấn phẩm về ẩm thực để học hỏi thêm cách chụp ảnh đẹp, công thức nấu ăn. Anh nhận ra, ở Việt Nam khi đó không có nhiều ấn phẩm về lĩnh vực này, chủ yếu chỉ có hình trắng đen. Anh nảy ra ý định xuất bản riêng ấn phẩm ẩm thực riêng của mình. Ấn phẩm Món Ngon (tiền thân của đặc san Món Ngon Việt Nam) ra đời từ đó. Anh quyết định cùng những người bạn thành lập công ty riêng để đưa việc sản xuất bài bản hơn.

Ban đầu, ấn phẩm của anh bán được đến 10.000 bản, đem lại thu nhập lên đến vài chục triệu đồng. Anh bắt đầu làm chuyên nghiệp về các ấn phẩm ẩm thực này. Nhiều nhãn hàng thực phẩm đã tìm đến anh để gợi ý hợp tác, quảng bá thương hiệu qua ấn phẩm chuyên ngành của anh. Ấn phẩm sách Món Ngon đã được đổi thành tạp chí Món Ngon Việt Nam để thuận tiện trong việc truyền thông, quảng cáo. Nhờ có kiến thức ẩm thực, anh tự tin giới thiệu và tư vấn cho khách hàng về các món ăn ngon có thể sáng tạo theo sản phẩm của họ. Thành công nối tiếp, đỉnh điểm năm 2007, công ty của anh đạt đến tốc độ sản xuất đến 5 số báo mỗi tháng: 2 số Món Ngon Việt Nam, 2 số Gia Đình Vào Bếp, 1 số Vietnamese Delicious (ấn phẩm tiếng Anh). Có những giai đoạn, anh miệt mài làm việc tới nỗi quên ăn quên ngủ, nhưng vẫn không thấy mệt vì được làm công việc mình say mê.

Đầu bếp Võ Quốc quyết tâm tạo ra những ấn phẩm chuyên ngành, chỉ cần viết đúng chứ không cần viết hay. Vừa làm việc, anh vừa học hỏi từ các chuyên gia ẩm thực khắp nơi về món Việt, vừa thăm thú mọi miền đất nước để biết thêm ẩm thực ba miền. Anh còn đưa các phóng viên, biên tập viên của mình đi học bếp, tổ chức những buổi nấu ăn tại công ty để họ hiểu biết món ăn, nguyên liệu.

Từ những ngày chập chững vào nghề, đầu bếp Võ Quốc xác định chỉ chuyên về món Việt. Bởi theo anh, người nước nào sẽ nấu món nước đó ngon nhất. Đầu bếp Việt được ăn món Việt hàng ngày, sẽ dễ dàng sáng tạo hơn. Nếu tiến xa hơn ra nước ngoài, người ta sẽ không mời một đầu bếp Việt để nấu món Âu đãi khách. “Tôi thấy món Việt cho tôi rất nhiều cơ hội, tôi nhìn thấy tương lai ở con đường này", anh nói.

Năm 2006, đầu bếp Võ Quốc có cơ hội nấu ăn cho bữa tiệc của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. “Tôi thấy như được “tổ đãi”! Vì nhiều đầu bếp, cả đời cũng chưa có vinh dự này”, đầu bếp Võ Quốc tự hào. Sau sự kiện đó, anh vinh dự được mời nấu ăn cho các bữa tiệc đãi chính khách của Chính phủ Việt Nam. Từ đây, anh nhận nấu các bữa tiệc cao cấp với yêu cầu cao cả về chất lượng món ăn lẫn cách bày trí. Những bữa tiệc cao cấp đem đến cho anh mức thu nhập cao, tay nghề lên rất nhanh, nhưng đi kèm là những áp lực - như bù lại khoảng thời gian mà anh không tôi luyện ở các vị trí bếp khác.

Từ năm 2016, anh có nhiều cơ hội tham gia các chương trình truyền hình, rồi mở nhà hàng, kinh doanh các món ăn cao cấp, cung cấp những bữa tiệc hạng sang, trở thành đại sứ thương hiệu cho nhiều nhãn hàng. Hiện, anh còn mở những lớp học nấu ăn chuyên các món Việt. Anh có riêng một đội ngũ nhân viên bếp ở cả ba miền. Bởi anh muốn các món ăn của mình phải có “hồn” từ các đầu bếp địa phương.

Ngoài niềm đam mê và nỗ lực của bản thân, anh nhận thấy sự thành công hôm nay còn nhờ gia đình. Đó là sự kỷ luật và áp lực từ gia đình đã giúp anh có nền tảng tri thức và tinh thần quyết tâm khẳng định giá trị trên con đường riêng. Định hướng của anh là giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua ẩm thực. Thời gian tới, đầu bếp Võ Quốc hứa hẹn sẽ đem đến người hâm mộ, khán giả khắp nơi nhiều ấn phẩm ẩm thực Việt đặc sắc, kênh YouTube dạy nấu ăn riêng và nhiều sự kiện liên quan đến ẩm thực thú vị khác.

Đầu bếp Võ Quốc
  • Giải Nhất cuộc thi nghề châu Á năm 2001 tại Bắc Kinh
  • Sáng lập và chủ biên những tờ tạp chí ẩm thực nổi tiếng Món Ngon Việt Nam, Gia Đình Vào Bếp, Vietnammese Delicious.
  • Từng có cơ hội nấu ăn cho các buổi tiệc của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và tiệc chiêu đãi Chính khách của Chính phủ Việt Nam.
  • Hiện anh đang kinh doanh nhà hàng Bát Trân với những món ăn, bữa tiệc cao cấp, sang trọng cũng như mở lớp dạy nấu ăn các món Việt.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối