Thứ Tư, Tháng Mười 9, 2024

Đầu bếp Ngọc Nhi: bén duyên nghề từ “sự cố” năm 13 tuổi

(SGTTO) - Từ một sự cố ở gia đình năm 13 tuổi, chị Ngọc Nhi đã bén duyên với nghề bếp và qua nhiều ngả rẽ, thử thách đã tôi luyện nên một nữ đầu bếp được nhiều người trong nghề trân quý.

Từng bỏ lỡ đam mê

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bán quán ăn hơn 15 năm nên từ sớm chị Nguyễn Thị Ngọc Nhi (28 tuổi, quê ở Vũng Tàu) đã hình thành trong mình sự nhạy cảm với ẩm thực. Năm lên 13 tuổi, bố của chị không may bị tai nạn, để duy trì quán, chị phải thay bố đứng bếp.

Chị chia sẻ: “Thời gian đầu rất khó khăn, do mình chỉ hay phụ bố nên không nắm được hết kiến thức nấu nướng. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để mình được tiếp xúc với công việc bếp nhiều hơn. Và có lẽ giải nhì ở một cuộc thi nấu ăn cấp trường hồi học lớp 9 đã thực sự đánh thức giấc mơ nấu nướng của mình”.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì chị lại chọn học ngành tài chính ngân hàng tại trường Đại học Công nghiệp TPHCM thay vì đi học nghề đầu bếp. Chia sẻ lý do về quyết định đó, chị tâm sự “nhà mình cảm thấy nghề bếp rất khó khăn, cam go đặc biệt đối với nữ, nên ba mẹ cũng muốn định hướng ngành nào đó khả quan và không cực nhọc cho mình”.

Tìm lại tình yêu ẩm thực

Đầu bếp Ngọc Nhi (trái) tại Festival Văn hóa Ẩm thực Du lịch Quốc tế Nghệ An 2019.

Trong quá trình học đại học, chị có đi làm thêm công việc phụ bếp tại các nhà hàng, quán ăn lớn, nhỏ để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Sau 3 năm, chị dần nhận ra những con số không phải là đam mê của mình, cho dù đã cố gắng nhưng thành tích học tập vẫn không như mong muốn. Và điều quan trọng hơn cả, là khi làm phụ bếp, tình yêu ẩm thực ngủ quên trong chị đã trỗi dậy, chị tìm thấy niềm vui, sự hăng say quên cả mệt mỏi khi được làm bếp.

Với số tiền ít ỏi để dành từ việc làm thêm chị quyết định đăng ký học chứng chỉ bếp sáu tháng ở trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (STHC). Cầm chứng chỉ trong tay, chị đã thuyết phục bố mẹ chấp nhận đam mê của mình và bắt đầu theo đuổi lại nghề bếp. “Đối với mình, nghề bếp không phải là lựa chọn đầu tiên nhưng sẽ là lựa chọn cuối cùng”.

Thầy Đỗ Quang Long, giảng viên của STHC nhận thấy chị có khả năng lại năng động trong nghề nên thầy đã giới thiệu chị làm thêm công việc phụ bếp tại Nhà hàng Đệ Nhất.

“Thời gian đầu chắc chắn ai cũng sẽ gặp khó khăn, vì chưa bắt kịp tiến độ làm việc, giờ giấc, nên có một vài bất cập, nhưng khi được sống đúng với đam mê, có cực bao nhiêu mình cũng cảm thấy xứng đáng. Và mọi khổ cực lúc này sẽ trở thành bài học, động lực để cố gắng chứ không còn là trở ngại ngăn cản mình nữa”.

Từ ý chí đó chị đã dần khẳng định chỗ đứng của mình bằng các giải thưởng như giải nhì tại Hội thi quy tụ nhiều món chay nhất Việt Nam; giải khuyến khích Đầu bếp tài hoa tại Hội thi nấu ăn quốc tế Sài Gòn, chứng nhận đã tham gia chế biến hai món lươn tại Festival Văn hóa Ẩm thực Du lịch Quốc tế Nghệ An 2019…

Bên cạnh tham gia những cuộc thi, sự kiện, chị còn có những hoạt động xã hội khác như tham gia nấu ăn cho các sư cô tại Pháp viện Minh Đăng, tham gia cùng Câu lạc bộ Ẩm thực Việt làm 600kg chà bông ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt mưa lũ vừa rồi…

Không chỉ là nấu ăn...

Chị Ngọc Nhi nấu ăn tại một tiệc cưới với quy mô 300 khách.

Trong 6 năm tiếp xúc với các không gian bếp khác nhau, có những nơi thiết kế chưa phù hợp đã làm cho các đầu bếp gặp phải sự bất tiện, không an toàn trong quá trình làm việc. Tích lũy kinh nghiệm bản thân và học hỏi từ những anh chị trong nghề, chị Ngọc Nhi còn làm thêm công việc set up bếp, khởi đầu là các quán ăn có mô hình nhỏ. Ngoài ra chị còn nhận nấu tại các sự kiện tiệc cưới, sinh nhật, thôi nôi, buffet ngoài trời… Và nhận giảng dạy nấu ăn tại TPHCM hoặc các tỉnh như Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu....

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng chị được nhiều khách hàng tin tưởng bởi tinh thần trách nhiệm và hiệu quả trong công việc. “Để set up bếp thành công phải đảm bảo các yêu cầu như bếp phải vận hành lưu loát từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu thành phẩm món ăn; hệ thống cống thoát nước, bảo quản thực phẩm, tất cả đều được kiểm soát; không xảy ra tai nạn trong lúc làm việc cũng như định hình được phân khúc khách hàng để giúp chủ đầu tư thu có doanh số bán cao, lợi nhuận tốt”.

Ngoài ra, nếu ai đó muốn trở thành đầu bếp hay đơn giản là nâng cao tay nghề, kỹ năng nấu ăn, chị Ngọc Nhi luôn tận tình chỉ dạy, không phân biệt người có hoặc không có kiến thức về ẩm thực mà chị sẽ đánh giá qua thái độ và sự chịu khó học hỏi, tìm tòi.

Các kiến thức chị chia sẻ trong nấu ăn thường là kinh nghiệm đúc kết được từ công thức nấu ăn của gia đình trong hơn 15 năm qua. “Là con gái nhưng Nhi rất mạnh mẽ lại nhiệt tình giúp đỡ anh em. Chuyên môn chuẩn nhưng không bao giờ muốn dừng lại, luôn tìm tòi học hỏi mọi người”, đầu bếp Ngô Quang Quyết Tiến, một người bạn trong nghề chia sẻ.

“Chứng kiến những thực khách vui vẻ thưởng thức những món ăn do mình làm ra; những nhà hàng, quán ăn ngày càng phát triển và từng thế hệ người yêu ẩm thực vững chảy trên con đường sự nghiệp nấu nướng, đó chính là niềm vui mà bất kỳ đầu bếp nào cũng muốn nhận được”, chị Ngọc Nhi tâm sự.

Các bước trong việc set up bếp:

  • Bước 1: Bố trí không gian và thiết kế nội thất quán ăn
  • Bước 2: Lên thực đơn
  • Bước 3: Tuyển nhân viên và đào tạo
  • Bước 4: Điều hành và giám sát
  • Bước 5: Bàn giao

Những món ăn do đầu bếp Ngọc Nhi thực hiện

Mai My

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề