Chuỗi cà phê Starbucks vừa có CEO mới, Brian Niccol, sẽ bắt đầu nhiệm vụ từ đầu tháng 9; nhưng các báo Mỹ, khi đưa tin, chỉ chú trọng đến khía cạnh ông này vẫn sẽ ở Newport Beach, California trong khi trụ sở chính của Starbucks nằm ở thành phố Seattle, cách cả 1.600km nên phải bay đi bay về bằng máy bay riêng của hãng. Thế nhưng đằng sau vụ thay người cầm trịch Starbucks có nhiều yếu tố đáng chú ý hơn nhiều.
Tên tuổi Starbucks nhiều năm liền gắn bó với Howard Schultz, người từng ba lần làm CEO Starbucks; lần đầu từ 1986-2000, lần thứ nhì từ 2008-2017 và lần thứ ba từ 2022-2023. Ông này được xem là có công biến Starbucks từ một chuỗi cà phê nhỏ ở Seattle thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới, với hơn 35.000 cửa hàng ở 80 quốc gia. Lúc Schultz về hưu, Laxman Narasimhan lên thay từ tháng 4-2023.
Narasimhan không có nhiều kinh nghiệm trong ngành cà phê, vì trước đó làm cho hãng tư vấn McKinsey rồi qua làm cho Pepsi, cuối cùng dẫn dắt Reckitt, một hãng sản xuất hàng tiêu dùng với những sản phẩm như kẹo ho Strepsils, chất tẩy rửa Lysol, thuốc sát trùng Dettol… Một năm sau ngày Narasimhan lên nắm Starbucks, hãng này bắt đầu gặp nhiều khó khăn; tình hình kinh doanh sa sút, doanh thu sụt giảm, lượng khách cũng giảm mạnh, giá cổ phiếu trên đà lao dốc.
Mặc dù đã về hưu nhưng Schultz vẫn có một sự hiện diện đáng kể trong nội bộ Starbucks. Về danh nghĩa ông này được trao chức vụ chủ tịch danh dự hội đồng quản trị Starbucks vĩnh viễn, đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều người trong hội đồng, nhất là Chủ tịch Mellody Hobson. Schultz bắt đầu lên mạng LinkedIn phân tích các sai lầm của Starbucks và mặc dù ông ta không trực tiếp nêu tên Narasimhan, ai nấy đều hiểu Schultz đang phê phán cách điều hành của ông này.
Đến tháng 7-2024, Wall Street Journal đưa tin hãng đầu tư Elliott Investment Management đã mua vào cổ phần Starbucks đạt mức 2 tỉ đô la và đang có kế hoạch gây sức ép để hội đồng quản trị Starbucks phải thay đổi. Hội đồng quản trị Starbucks hiểu với những nhà đầu tư như Elliott, thay đổi bao hàm nhiều biện pháp, sao cho nâng giá trị cổ phiếu lên, bất kể đó là thay CEO hay thậm chí bán luôn hãng cho một nơi khác. Elliott có thể làm được điều này bằng cách chen chân vào hội đồng quản trị, kêu gọi các cổ đông khác rồi từ đó khuynh đảo cả hội đồng.
Thế là chưa cần Elliott ra tay, hội đồng quản trị Starbucks đã bắt tay tìm người thay Narasimhan, người bị cho là quá chậm chạp trong việc triển khai kế hoạch phục hồi Starbucks. Người họ nhắm đến là Brian Niccol, lúc đó đang thành công trong vai trò CEO của chuỗi cửa hàng Chipotle. Dưới sự dẫn dắt của Niccol kể từ năm 2018, chuỗi cửa hàng này có nhiều cải tiến, từ cải tiến ứng dụng đến rút ngắn thời gian phục vụ, thậm chí vượt qua một xì căng đan liên quan đến an toàn thực phẩm.
Vì Niccol đang là ngôi sao trong làng CEO thực phẩm, để lôi kéo ông sang đầu quân cho mình, Starbucks phải đưa ra các điều kiện cực kỳ hấp dẫn. Mức lương được đàm phán trọn gói nhiều năm với tổng giá trị lên đến 110 triệu đô la, được chào mời vị trí không chỉ là CEO mà còn kiêm luôn chủ tịch hội đồng quản trị, Niccol còn được ưu ái khỏi phải dọn nhà từ California sang Seattle, mỗi tuần chỉ cần có mặt ở Seattle tối thiểu ba ngày và đi lại thì cứ lấy máy bay riêng của Starbucks để đi cho thuận tiện! Thậm chí Starbucks còn cho làm một văn phòng riêng cho Niccol ở California để làm việc từ xa với đầy đủ nhân viên phục vụ.
Đúng là thị trường đã đón nhận tin Niccol về điều hành Starbucks một cách tích cực; giá cổ phiếu Starbucks sau khi có tin đã tăng vọt 25%, làm thị giá hãng này tăng thêm 20 tỉ đô la. Điều đáng buồn là CEO cũ, Narasimhan, chỉ biết mình bị thay chân trước tuyên bố chính thức vỏn vẹn hai ngày.
Không biết Starbucks dưới tay Brian Niccol có thay đổi được gì không. Trước mắt dư luận phê phán cách thức dùng máy bay riêng để đi làm của ông này vì như thế là gây tổn hại nhiều cho môi trường. Nhiều người chỉ ra sự mỉa mai khi Starbucks cấm dùng ống hút nhựa để bảo vệ môi trường mà CEO lại dùng máy bay phát ra rất nhiều khí thải độc hại, bay thường xuyên từ California sang Seattle.
Thật ra việc dàn xếp để tuyển CEO ở một nơi, trụ sở nằm nơi khác đã có nhiều tiền lệ. Mới tuần trước hãng Victoria’s Secret tuyên bố tuyển CEO mới, Hillary Super, nhưng vẫn để bà này ở New York thay vì dọn sang trụ sở ở bang Ohio. Charles Scharf làm CEO Wells Fargo vào năm 2019 nhưng vẫn ở New York và phải bay thường xuyên sang trụ sở của ngân hàng này ở San Francisco… Tuy nhiên cũng có những trường hợp CEO bị phê phán vì ở xa trụ sở như vụ David Calhoun, đảm nhiệm chức vụ CEO của Boeing vào năm 2019 và chuyên đi làm bằng máy bay riêng. Ông này vừa từ chức vì các vụ bê bối liên quan đến dòng máy bay 737 Max của hãng này.