Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp F&B Việt sau vinh danh từ Michelin

(SGTT) - Bên cạnh những cơ hội quảng bá truyền thông mạnh mẽ, một số doanh nghiệp F&B Việt được cẩm nang ẩm thực Michelin đề xuất cũng tỏ ra băn khoăn cho chặng đường sau vinh danh. Không nằm ngoài cuộc chơi "hái sao" ẩm thực, Liên chi hội Nhà hàng Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng đang xây dựng bộ tiêu chí thuần Việt cho doanh nghiệp nhận sao từ năm 2017.

Hai nội dung vừa nêu trên là những ý chính trong buổi trò chuyện với chủ đề “Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp sau câu chuyện Michelin”, do Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức.

Mở đầu buổi giao lưu, Ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Liên chi hội Nhà hàng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, cho rằng danh sách nhà hàng, quán ăn vừa qua do Michelin đề xuất là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa - du lịch - ẩm thực Việt, bởi đây là một tổ chức đánh giá uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Hồng Minh, do đây là tổ chức có hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nên khi đến một quốc gia có thể chưa đồng nhất với tiêu chí, mục tiêu phát triển ẩm thực của quốc gia đó. Và theo ông, Michelin cần nhiều thời gian hơn nữa để cảm nhận văn hóa ẩm thực Việt Nam, từ đó, danh sách quán ăn, nhà hàng được đề xuất và nhận sao chắc chắn nhiều hơn hiện nay.

Tham gia buổi trò chuyện với vai trò đầu bếp chuyên nghiệp, Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp Bình Dương, cho hay, danh sách hơn 100 nhà hàng, quán ăn tại Việt Nam do cẩm nang ẩm thực Michelin gợi ý có rất nhiều quán phở nhưng không có một tiệm bánh mì nào thì thật là thiếu sót.

Ông tin rằng, do thời gian trải nghiệm của Michelin tại Việt Nam chưa nhiều và trong tương lai không chỉ bánh mì mà còn có thêm nhiều món ăn truyền thống Việt Nam (bán bởi các nghệ nhân, chủ cửa hàng gia truyền qua nhiều thế hệ) chắc chắn được đề xuất. "Cứ tưởng tượng ẩm thực Việt Nam như một tấm gương chiếu hậu gắn trên xe, mình nhìn vào đó sẽ thấy sự phản chiếu của nền văn hóa ẩm thực Việt nhưng trong sự giao thoa ẩm thực quốc tế như hiện nay thì cần cân đối thêm yếu tố ẩm thực hiện đại", ông nhấn mạnh.

Ở khía cạnh doanh nghiệp F&B được nhận giải Michelin Bib Gourmand (nhà hàng có món ngon và giá cả phải chăng), bà Phạm Thanh Hòa, Nhà sáng lập Bếp Mẹ Ỉn (TPHCM), cho rằng nhà hàng bà trước nay chủ yếu người nước ngoài đến thưởng thức, nhưng từ sau khi được đề xuất bởi Michelin, nhà hàng được nhiều thực khách trong nước đến nhiều hơn trước.

Tuy vậy, bà Thanh Hòa vẫn có chung một số trăn trở với các doanh nghiệp trong ngành, đó là câu chuyện nhân sự, trường đào tạo và định hướng chung trong ngành. Ghi nhận những thông tin này, ông Hồng Minh cho rằng, Liên chi hội Nhà hàng Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng đã có những kế hoạch để hỗ trợ hội viên và doanh nghiệp trong ngành F&B.

Cụ thể, như đề án phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia; bộ tiêu chí đánh giá nhà hàng, quán ăn thuần Việt phát triển từ năm 2017 và vẫn tiếp tục hoàn thiện. Đặc biệt, năm 2024, khi Việt Nam là chủ tịch luân phiên của Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN thì cơ hội thúc đẩy và phát triển du lịch - ẩm thực Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn.

Đức Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối