Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Cơ hội quảng bá du lịch từ Quảng trường tháp Nghinh Phong

(SGTT) – Ngày 17-11, tại thành phố Busan, Hàn Quốc, Quảng trường tháp Nghinh Phong tại bờ biển thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã được trao giải Cảnh quan đô thị châu Á năm 2023 (2023 Asian Townscape Awards). Đây là đại diện duy nhất của Đông Nam Á được vinh danh tại giải thưởng năm nay.

Đây là cơ hội rất tốt cho thành phố Tuy Hòa và ngành du lịch Phú Yên nói riêng, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung, quảng bá điểm đến trong “bản đồ du lịch” mang tính liên kết vùng.

Tháp Nghinh Phong “tranh tài” cùng 166 dự án

ATA là giải thưởng quốc tế được thành lập năm 2010 với sự phối hợp của 4 tổ chức liên quan về kiến trúc, quy hoạch đô thị, định cư khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ATA được đánh giá theo 5 tiêu chí là thân thiện với môi trường, an toàn bền vững, tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương, chất lượng nghệ thuật cao, đóng góp vào sự phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác.

Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa, nhận giải thưởng tại Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Linkall Media

Quảng trường Nghinh Phong đã “tranh tài” cùng 166 dự án ở 122 đô thị của 16 quốc gia tham gia đề cử năm 2023. Trước Quảng trường tháp Nghinh Phong, Việt Nam đã tham gia và đạt giải với các công trình chợ nổi Cần Thơ, phố cổ Hội An, Đô thị Đà Nẵng, phố bích họa Hà Nội, Quảng trường Nguyễn Tất Thành ở Tuyên Quang.

Quảng trường Nghinh Phong có chiều dài 4,3km dọc bãi biển, với trung tâm là tháp Nghinh Phong được thiết kế với tính biểu tượng cao, mang đường nét mạnh mẽ của kiến trúc đương đại nhưng vẫn đậm bản sắc Việt. Tiêu chí hàng đầu của công trình là tôn trọng di sản văn hóa địa phương, thế mạnh về vùng đất và con người Phú Yên, từ thắng cảnh thiên nhiên đến lịch sử khai hoang mở cõi, gắn liền với lịch sử dân tộc.

Ý tưởng thiết kế, xây dựng quảng trường tháp Nghinh Phong được triển khai từ tháng 4 năm 2019. Ban đầu, Công ty Huni architectes Vietnam có hai đề xuất là Trống đồng Việt Nam; hoặc gành Đá Dĩa kết hợp với truyền thuyết “Trăm trứng trăm con”. Cuối cùng, ý tưởng thứ 2 được lựa chọn, vì nó tổng hoà được các yêu cầu, đồng thời phản ánh thế mạnh của địa phương ven biển, tinh thần vươn ra biển, làm giàu từ biển…

 

Theo đó, nhóm tác giả đã lấy cảm hứng từ gành Đá Dĩa, danh thắng cấp quốc gia đặc biệt của Phú Yên, và truyền thuyết “Trăm trứng trăm con” của Lạc Long Quân và Âu Cơ để làm nên tháp Nghinh Phong nằm ở trung tâm quảng trường. Công trình khởi công ngày 6-3-2020, hoàn công vào 30-11-2021.

Quảng trường Tháp Nghinh Phong về đêm. Ảnh: Hồ Văn Trung

Quảng trường tháp Nghinh Phong gồm các phần chính là sân Quảng trường có tổng diện tích 7.190 m², hình bán nguyệt, lát đá granite. Việc lựa chọn vị trí và quy mô công trình được cân nhắc trên các nguyên lý về tầm nhìn, tỷ lệ và tính nhịp điệu thống nhất để sắp đặt hình khối. Tiếp theo là sân tháp, như một sân khấu ngoài trời, chính tâm là toà tháp Nghinh Phong. Các bậc cấp được xếp so le từ 7 đến 9 bậc.

Tháp gồm 2 phần tách biệt, một phần tháp là cột đá cao 35m tượng trưng cho Lạc Long Quân, phần còn lại cao 30m tượng trưng cho Âu Cơ. Dưới mỗi chân tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau có hình dáng như đá ngoài gành Đá Dĩa. Trên tường giữa hai phần của tháp được trang trí bởi các bức phù điêu về vùng đất Phú trời Yên.  Về đêm, tháp được chiếu sáng với công nghệ Bobine Tesia, 3D mapping và laze cường độ cao.

Khe đón gió “Nghinh Phong” có bề rộng 2m, vừa đủ hai người đi qua, bề dài 15m tạo lối xuyên từ sân khấu mặt trước ra sân sau của tháp. Hai bức vách cao từ đáy lên đỉnh ngọn tháp được trang trí những bức phù điêu về di sản văn hóa dân tộc và địa phương.

Bên dưới quảng trường là không gian để tổ chức không gian vui chơi giải trí, ẩm thực, cùng các tiện ích ngầm thuận lợi cho hoạt động của người dân và khách du lịch. Bờ biển tiếp giáp với công trình là không gian xanh, nơi dành cho cây xanh và có tác dụng chống gió cát, bảo vệ bờ biển.

Mấy năm gần đây, Quảng trường tháp Nghinh Phong là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của Phú Yên và quốc gia, là điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến Phú Yên.

Cơ hội truyền thông, quảng bá du lịch Nam Trung Bộ

Thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên vừa có núi Chóp Chài, núi Nhạn trong lòng thành phố, vừa có sông Đà Rằng chảy qua trước khi ra biển, lại có đồng, có biển còn khá hoang sơ…Những năm gần đây, tỉnh Phú Yên và thành phố Tuy Hòa đã tập trung đầu tư hạ tầng để biến “một thị xã bị bỏ quên” thời còn Phú Khánh (hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa từng là tỉnh Phú Khánh) thành một đô thị trẻ, từng bước đồng bộ, hiện đại.

Riêng khu vực Quảng trường Nghinh Phong đã hình thành trục ven biển dài 4km, định hướng là trung tâm du lịch của thành phố Tuy Hòa. Cùng với sự phát triển du lịch biển của các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Quảng trường Nghinh Phong tạo thành trục du lịch Quy Nhơn – Tuy Hòa – Nha Trang.

Mấy năm gần đây, Quảng trường Tháp Nghinh Phong là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của Phú Yên và quốc gia, là điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến Phú Yên. Ảnh: Hồ Văn Trung

Trừ các tháng mùa mưa, khoảng từ tháng 10 đến tháng 2, ảnh hưởng của gió Bắc, Đông Bắc, bão thường xuất hiện… các tháng còn lại trong năm đều khá lý tưởng cho du lịch biển.
Mục đích của dự án Quảng trường Tháp Nghinh Phong mà Phú Yên nhắm đến là kiến tạo một trục cảnh quan liên hoàn, kết nối chặt chẽ công năng, tiện ích, đồng thời phải là một thiết kế độc đáo, giúp nâng tầm bộ mặt của tỉnh Phú Yên.

Chính vì thế, các bức phù điêu trên tháp Nghinh Phong đều tôn vinh các thắng cảnh thiên nhiên như gành Đá Dĩa, Mũi Điện, Hòn Yến…, các di sản văn hoá của địa phương, nhất là của cư dân sống ven biển như Lễ hội đua thuyền, Lễ hội cầu ngư, Nghệ thuật bài chòi, Hò bá trạo, làng nghề đan thúng, dệt chiếu cói, làm nước mắm, ẩm thực biển… Đây cũng là bước đi quan trọng giúp thành phố Tuy Hoà phấn đấu trở thành thành phố loại I vào năm 2025.

Phú Yên từng có cơ hội rất tốt nhờ hiệu ứng truyền thông từ bộ phim truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ. Tiếc là ngành du lịch Phú Yên chưa tận dụng hết cơ hội này.

Chắc chắn thời gian sắp tới đây, thành phố Tuy Hòa, ngành du lịch Phú Yên còn nhiều việc phải làm, kể cả những việc nhỏ nhưng hiệu quả truyền thông cao như tạo avatar (hình đại diện) cho cộng đồng mạng là dân Phú Yên hoặc những người yêu thích tháp Nghinh Phong, gắn biển biểu trưng giải thưởng ATA tại quảng trường cho khách ghé thăm check-in, tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện trong nước và quốc tế tại Quảng trường tháp Nghinh Phong – niềm tự hào mới của người dân Phú Yên.

Trần Thanh Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm cầu gỗ dài nhất Việt Nam từ trên cao

0
(SGTT) – Với độ dài khoảng 800m, cầu gỗ ông Cọp là điểm check-in được nhiều du khách tìm đến khi ghé thăm xứ...

Tắm biển, chèo sup tại ‘đảo khủng long’ Hòn Nưa

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi qua đèo Cả, du khách có thể nhìn thấy Hòn Nưa – một đảo nhỏ cách bờ chưa...

Thăm làng chài gần Gành Đá Đĩa, ít người biết ở...

0
(SGTT) - Làng chài An Hải khá gần danh thắng Gành Đá Đĩa, nhưng ít người biết đến khi du lịch Phú Yên. Với...

Hành trình ‘săn’ bình minh ở Phú Yên

0
(SGTT) – Trong ánh bình minh, cảnh sắc Phú Yên hiện lên thanh bình, không gian yên tĩnh, phù hợp để du khách thư...

Cảnh đẹp Phú Yên khi nhìn từ trên cao

0
(SGTT) – Với góc nhìn từ trên cao, những cảnh đẹp tại Phú Yên như mũi Điện, ruộng bậc thang ở Tuy An, hòn...

Về thăm khu chợ quê ở Phú Yên với những món...

0
(SGTT) - Khu chợ dân sinh Giai Sơn nằm ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên gây bất ngờ cho nhiều du khách vì...

Kết nối