(SGTT) - Một chuyến đi trekking, ngoài những vật dụng cần thiết mang trên người như giày, quần áo, gậy, nón, ba lô... trong đó, giày và ba lô là vật dụng sẽ trợ giúp nhiều trong lúc di chuyển, giảm ảnh hưởng tới đôi chân, đôi vai của bạn.
- Chuyện nghề du lịch: Kinh nghiệm cắm trại dành cho người mới bắt đầu
- Chuyện nghề du lịch: Những lưu ý khi du lịch Triều Tiên
- Chuyện nghề du lịch: Chuyên gia gợi ý các cung đường khám phá Sài Gòn bằng xe đạp
Bài viết này về lựa chọn ba lô thích hợp cho các chuyến đi trekking. Ba lô thiết kế giúp bạn có thể mang theo nhiều đồ mà vẫn gọn, tải trọng lượng nặng được chuyển xuống đai hông đỡ mỏi vai và giảm hầm lưng.
Tiêu chí lựa chọn ba lô
+ Sức chứa của ba lô: Thường là thể tích chứa theo đơn vị lít (L), cần phụ thuộc vào thời gian của chuyến đi, trọng lượng đồ và số lượng vật dụng bạn mang theo.
+ Tính năng của ba lô: Những tính năng riêng của từng loại ba lô.
+ Sự phù hợp với bạn: Thường dựa vào chiều dài lưng của người mang.
Các loại ba lô
- Ngắn ngày (1-3 ngày) cho người đi tour: 10-20L
Đa phần những bạn mới tham gia trekking đều qua công ty hay dịch vụ du lịch nên vật dụng mang theo ít. Ba lô nhỏ đủ chứa quần áo, nước uống, bánh kẹo và ít vật dụng cá nhân.
- Ngắn ngày (1-3 ngày): 30-50L
Hiện tại ở Việt Nam ưa chuộng dùng 30-40L cho nữ và 50L cho nam, dành cho các chuyến đi tự túc hoặc khi đi tour mang đồ cá nhân nhiều. Loại ba lô này có thể chứa đủ các vật dụng cơ bản khi cắm trại 1-2 đêm như lều, túi ngủ, quần áo, nước uống, thức ăn...
- Nhiều ngày (3-5 ngày): 50-80L
Chủ yếu chuyến đi dài ngày sẽ mang thêm nhiều thức ăn, đèn pin, vật dụng sinh tồn nên cần sức chứa nhiều. Tuy nhiên, loại ba lô này vẫn thích hợp cho chuyến đi ngắn ngày mà bạn đem nhiều đồ.
Các tính năng của ba lô
Loại khung
+ Khung trong: Phần khung được giấu trong ba lô, giúp ba lô ôm sát cơ thể, giữ cho ba lô ổn định khi đi những địa hình không bằng phẳng, kết hợp nhiều công nghệ hỗ trợ tải trọng và truyền sức nặng của ba lô xuống hông. Loại này được bán nhiều nhất, thường ba lô loại 30L trở lên đều có.
+ Khung ngoài: Phần khung bên ngoài ba lô, bạn có thể thấy nó, thường bằng nhôm. Có cấu trúc khung dài hơn ba lô, giúp mang những đồ lớn và nặng vì có thể cột vào khung và giúp thoáng lưng. Loại này ở Việt Nam ít người biết tới.
+ Không có khung: Thường gọn nhẹ, không cồng kềnh và nặng như 2 loại ba lô trên. Thích hợp mang đồ nhẹ, không cồng kềnh, thường ba lô loại 10-30L.
Các dây đeo, đai
Ba lô có rất nhiều dây từ đeo vai, đai hông, đai ngực, đỡ hành lý... có thể điều chỉnh tăng giảm để phù hợp lưng người sử dụng, cân bằng ba lô và phân bố trọng lượng.
Thông gió
Phần ba lô áp vào lưng có hệ thống lưới căng giúp ba lô không áp vào lưng hoặc có các kênh thông gió, giúp lưng bạn thoáng mát giảm đổ mồ hôi.
Nhiều cách mở ba lô
Đa phần ba lô sẽ mở ở trên nóc, đối với ba lô trekking sẽ thêm mở ở dưới đáy, bên hông, trên bụng (ba lô). Việc này giúp lấy đồ được sắp xếp trong ba lô dễ dàng, không cần lấy từ trên xuống theo cách bình thường.
Túi
Việc gắn nhiều túi trên ba lô tiện lợi để những đồ dễ lấy như túi co giãn nằm bên hông ba lô (chai nước, gậy, rìu, dao...), túi trên đai hông (son, điện thoại...).
Túi trên nóc ba lô để đồ thường dùng như áo khoác, vật dụng nhẹ, thức ăn bổ sung dọc đường, mắt kính, đèn...
Ngăn túi ngủ
Thường ba lô trên 40L sẽ có ngăn nhỏ dưới đáy, dây kéo riêng, dành cho đựng túi ngủ, vật dụng nhẹ như quần áo. Ngăn này giúp lấy đồ ra dễ dàng.
Điểm móc đồ
Có nhiều vòng dây nhỏ được may bên ngoài ba lô để giúp móc thêm đồ như trên nóc cột lều hay nón bảo hiểm, trên thân cột như thứ to nhẹ không nhét vào trong như cách nhiệt, dưới đáy cột lều.
Áo mưa ba lô
Vải ba lô có khả năng chống nước nhưng vẫn ngấm qua đường may, nên áo mưa đặc biệt phủ ngoài ba lô. Có ngăn riêng cho áo mưa ba lô nằm dưới đáy. Tốt nhất đồ dễ ướt hãy cho vào túi nilon nếu đi vào mùa mưa.
Đôi lúc di chuyển vào những khu rừng cần phải chui, rừng khá rậm rạp hoặc gió mạnh có thể làm rớt áo mưa.
Ngăn chứa túi nước
Bên trong có ngăn để nhét túi nước vào (mua bên ngoài, không bán kèm ba lô) và chuyền ống nước (dẫn ống nước ra ngoài) theo thiết kế từng loại ba lô. Giúp thuận tiện uống nước không cần bình.
Lựa chọn ba lô phù hợp
Dựa vào những tính năng để chọn ba lô thích hợp và sau đó thử xem có phù hợp cơ thể bạn không? Kiểm tra chiều dài lưng và vòng hông.
Chiều dài lưng
Thường mỗi loại kích cỡ của ba lô nhà sản xuất đều đưa ra thông số chiều dài lưng phù hợp. Một số loại ba lô có thể thay đổi vị trí quai đeo ba lô cho phù hợp.
Chiều dài lưng được đo từ đốt sống C7 tới vòng eo. Đốt sống C7 trên cổ, khi bạn cúi đầu rờ tay lên phần đốt sống cổ thấy phần đốt lòi ra nhiều nhất là C7. Vòng eo thì đặt tay khu vực đó, ấn vào thấy đầu 2 xương chậu, chiếu ngang qua lấy đốt sống đó.
Vòng hông (eo)
Khá quan trọng vì 80% tải trọng của ba lô phải được tải xuống hông, giảm sức nặng cho vai và trọng tâm cơ thể hạ xuống dễ giữ cân bằng hơn.
Ở Việt Nam, khá nhiều bạn gặp rắc rối vì không biết siết đai eo lại hoặc vùng eo nhỏ so với ba lô. Nên cần lựa chọn loại ba lô có eo phù hợp, có thể điều chỉnh hoặc thêm miếng độn vào đai hông.
Tôi cũng xin đưa ra vài lời khuyên khi mua ba lô:- Hãy xin lời khuyên từ những người đi trước xem thể tích ba lô nào phù hợp với bạn.- Hãy đi thử để cảm nhận độ thoải mái ba lô, tốt nhất hãy thử nhét đồ nặng vào.- Ba lô hiện giờ sản xuất đa phần cho người nước ngoài, phần chiều rộng của quai đeo hơi rộng và đai hông cũng vậy so với người Việt Nam. Hãy thử xem phù hợp, tránh bị đau vai và trọng lượng ba lô không dồn xuống hông không giữ trọng tâm tốt.- Điều chỉnh các dây đai.
Phùng Quang Huy