(SGTT) – Vào những ngày cuối tuần, bạn cảm thấy chán nản, muốn tránh xa sự ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống đô thị nhưng ngại đi xa thì có thể lựa chọn bộ môn chèo SUP – một trải nghiệm mới vô cùng thú vị, mang lại cảm giác thư thái sau những giờ làm việc căng thẳng. Đáng nói hơn, kể cả những người sợ nước cũng có thể thoải mái trải nghiệm chèo SUP trên sông nước.
- Chèo SUP xuôi dòng Mê Kông, khám phá vẻ đẹp bình dị của vùng đất phương Nam
- Công bố kết quả quà tặng “Chèo SUP sau giãn cách” tháng 10
- Trải nghiệm chèo SUP xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ
- Cuối tuần chèo SUP ngao du trên sông Sài Gòn
Vượt qua nỗi sợ nước
Khi nhắc đến chèo SUP, chắc hẳn rằng nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một bộ môn thể thao dưới nước, được chơi tại các ghềnh thác hùng vĩ hay bãi biển rộng lớn. Tuy nhiên, với sự phổ biến như hiện nay, chèo SUP – một bộ môn lướt sóng hiện đại, dần trở thành hoạt động thể thao được chơi trên nhiều địa hình mặt nước khác nhau như sông, hồ, vịnh thác, kênh rạch… Ngay tại TPHCM, chèo SUP đang trở thành môn thể thao giải trí được đông đảo giới trẻ tham gia sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài.
Không đòi hỏi phải biết bơi, không yêu cầu kỹ thuật chuyên nghiệp và dễ dàng tập luyện… đó là những đặc tính thú vị khiến chèo SUP được nhiều người lựa chọn làm bộ môn thể thao rèn luyện sức khỏe cho những ngày cuối tuần lành mạnh.
Tình cờ biết đến bộ môn chèo SUP qua người bạn thân giới thiệu, chị Nguyễn Hoàng Bảo Trân, 23 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng tại TPHCM, cho biết vào những ngày cuối tuần, thay vì lãng phí thời gian để tán gẫu với bạn bè qua điện thoại hoặc “vùi đầu” vào các trang mạng xã hội, chị muốn tìm đến các hình thức giải trí mới lạ hơn để thư giãn cơ thể.
Vốn đam mê vận động, chị Trân quyết định thử trải nghiệm chèo SUP theo gợi ý của bạn bè. Tuy nhiên, “với những người không biết chèo và không biết bơi như mình sẽ cảm thấy rất lo lắng vì thoạt nhìn, ván chèo không có điểm tựa. Giữa mênh mông sóng nước, trường hợp không may bị ngã xuống thì nguy cơ rủi ro rất cao”, chị Trân nhớ lại nỗi sợ hãi khi mới tham gia chèo SUP.
Vào ngày đầu tiên, để nắm chắc các kỹ thuật cơ bản, chị Trân đã tham gia lớp huấn luyện kỹ năng như sử dụng mái chèo, tư thế ngồi/ đứng chèo… ở một trạm chèo tại TPHCM.
Sau thời gian huấn luyện, chị Trân và những người bạn bắt đầu “ra khơi”. Khác với cảm giác lo lắng, sợ hãi như trước đó, cô gái 23 tuổi này dần giữ được thăng bằng và điều khiển chiếc SUP đi đúng hướng một cách dễ dàng. Chỉ mất khoảng 1 tiếng làm quen với mái chèo, chị Trân đã có thể một mình ngồi trên chiếc SUP và tự chèo ra sông.
Đam mê chèo SUP “quên lối về”
Theo anh Lê Việt, một huấn luận viên chèo SUP, đồng thời là giáo viên dạy bơi lội tại TPHCM, khi đến với chèo SUP, nhiều người thường lo ngại về khả năng bơi lội, cũng như vấn đề an toàn sông nước. Tuy nhiên, với những người sợ nước hoặc chưa từng tham gia bộ môn này, đều có lớp hướng dẫn trước khi xuống nước thực hành chèo.
“Vấn đề không biết bơi cũng không sao, vì ngoài áo phao, dây giữ chân, khi người chèo gặp bất cứ vấn đề gì đều có huấn luận viên đến hỗ trợ (nếu đăng ký tham gia tại các trung tâm/ trạm chèo)”, anh Việt cho biết.
Khi tham gia chèo SUP, người chơi bắt buộc mặc áo phao; trường hợp xảy ra té ngã, dù không biết bơi, cũng khó có thể bị chìm. Ngoài ra, ván SUP luôn nổi, được xem là chiếc phao cứu sinh hỗ trợ nếu áo phao gặp trục trặc. Điểm quan trọng, người chơi phải luôn gắn dây an toàn của SUP vào chân để tránh trường hợp lật ván chèo, vẫn có thể liên kết với ván SUP, vị huấn luận viên này chia sẻ.
Ở giai đoạn đầu tiên, người mới chơi phải ngồi vững chắc và tự chèo. Khi thành thạo kỹ năng cơ bản, có thể đổi các tư thế quỳ, đứng trên ván chèo… Vì SUP được làm từ vật liệu cứng, bền và chiều ngang đủ rộng nên khá an toàn để thay đổi linh hoạt các động tác chèo.
Về chuẩn bị đồ dùng cá nhân, anh Việt cho biết, người chơi nên trang bị một túi chống thấm nước để đựng điện thoại và đồ dùng cá nhân để tránh trường hợp bị ngã xuống nước. Đặc biệt, người chơi nên chú ý lựa chọn trang phục thoải mái, mang theo nón, kem chống nắng… để tận hưởng chuyến chèo SUP trọn vẹn nhất.
Chị Hoài Phương, 24 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh, cho biết “Trước đây, khi nghĩ đến chèo SUP, mình vô cùng sợ hãi vì bản thân không biết chèo thuyền, cũng như không biết bơi. Thế nhưng, thực tế sau khi trải nghiệm, mình đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Chèo SUP không mạo hiểm như nhiều người tưởng tượng”.
“Có một sự thật là sau nhiều giờ lênh đênh trên mặt nước với chiếc SUP, mình đã quên mất cảm giác lo sợ ban đầu. Trải nghiệm thú vị đến nỗi mình và những người bạn chỉ muốn thời gian trôi thật chậm để tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời này”, chị Phương bày tỏ.
Chèo SUP là hoạt động thể thao lành mạnh, giúp thư giãn cơ thể và giảm stress khi thưởng ngoạn cảnh đẹp giữa thiên nhiên sông nước. Khi tham gia, người chèo cần phải giữ cân bằng nên đòi hỏi chân, hông và eo làm việc hết năng suất. Từ đó, bộ môn này còn giúp vận động “giãn gân cốt”, rèn luyện sức dẻo dai của cơ thể.
Giờ đây, vào những ngày cuối tuần, không khó để bắt gặp những ván chèo đầy sắc màu đang vi vu lướt đi trên sông tại khu sầm uất bậc nhất Nam Sài Gòn – Saigon South Marina Club (quận 7), chèo SUP gần Landmark 81 (quận Bình Thạnh) hoặc những cung chèo dọc cầu Ánh Sao (quận 7), cầu Phú Mỹ (quận 7), cầu Sài Gòn (quận 2)…
Trải nghiệm len lỏi khắp các kênh rạch như chèo SUP khám phá Rạch Dừa nước ngay tại Sài Gòn, khiến nhiều người không khỏi mê mẩn, còn gợi nhớ đến những chuyến du ngoạn miền Tây sông nước hữu tình.
Mỗi cung chèo đem đến một cảm giác trải nghiệm độc đáo hoàn toàn mới, hiện đại hơn. Không phải đi đâu xa, ngay giữa chốn phố thị cũng có thể hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận rõ hơn cảnh sắc xung quanh, khám phá hệ sinh thái ven sông không kém phần thú vị.
Minh Thảo
Sài Gòn Tiếp Thị phát động chương trình “Chèo SUP sau giãn cách”. Chương trình sẽ là nơi đăng tải những câu chuyện, kinh nghiệm của bản thân, người thân hoặc bạn bè về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm quen, tham gia môn chèo SUP, giới thiệu các cung chèo SUP ở TPHCM và các tỉnh, thành phố khác trên mọi miền đất nước.Để tham gia chương trình, bạn đọc gửi thông tin trực tiếp đến tòa soạn tổ chức qua email admin@sgtiepthi.vn, ghi rõ chủ đề: “Chèo SUP sau giãn cách”_ tên tác phẩm hoặc truy cập vào facebook Sài Gòn Fit và Sáng kiến Điểm đến an toàn để đăng tải thông tin, hình ảnh, video clip do bản thân hoặc đồng nghiệp thực hiện.