Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Cạnh tranh khốc liệt bán hàng bằng lượt nhấp chuột

(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử không chỉ chứng kiến các cuộc cạnh tranh về giá cả hàng hóa mà còn “dậy sóng” bởi cuộc đua quyết liệt về giảm cước phí vận chuyển giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics.
Kinh doanh qua sàn thương mại điện tử và bán hàng online cạnh tranh khốc liệt về chi phí và giá bán. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Sức nóng cạnh tranh về giá bán

Đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử ngày càng được các nhà sản xuất và kinh doanh chọn lựa và xem đây là một kênh bán hàng hiệu quả và nhanh chóng có thể phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá bán hàng hóa trên kênh này đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết.

Gần 2 năm nay, thị trường trong nước đã giúp Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean) phần nào “gỡ gạc” sự sụt giảm mạnh đơn hàng sản xuất của thị trường quốc tế ở châu Âu, Hàn Quốc… Đáng chú ý là kênh bán hàng online có mức tăng trưởng khá cao với doanh may mặc này. Do vậy mà lãnh đạo VitaJean ngày càng tăng cường đẩy mạnh kênh bán hàng qua những cú nhấp chuột này.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean, kinh doanh qua kênh bán hàng này đang bị cạnh tranh gay gắt về giá bán thấp vì nếu bán theo “giá chuẩn” làm ra thì rất khó cạnh tranh. Nhất là ở kênh bán hàng tiktok, giá sản phẩm phải thật sự thấp, có khi sản phẩm kinh doanh của các đối thủ chỉ bằng 1/3 giá của VitaJean đưa ra.

Ông Việt lấy ví dụ như chiếc quần jean, trên kênh thương mại điện tử, một số cửa hàng chỉ bán khoảng 200.000 đồng/cái, tương đương với chi phí đầu vào nguyên liệu vải để sản xuất quần jean tại VitaJean. Trong khi đó, để làm ra cái quần còn nhiều chi phí khác nữa.

Có mức giá bán rất thấp này, theo ông Việt là do các cửa hàng chủ yếu đặt các cơ sở gia công sử dụng vài tồn không còn phù hợp để sản xuất, hoặc họ lấy hàng hóa trôi nổi, hàng từ Trung Quốc chuyển sang không đảm bảo chất lượng, sớm phai màu, mau bị hỏng rách khi sử dụng… Trong khi đó, hầu hết khách hàng đều thích mua được hàng hóa giá thấp. Với tình trạng cạnh tranh giá bán thấp này, ông Việt cho rằng doanh nghiệp sản xuất hàng đạt tiêu chuẩn với giá cao hơn rất khó kinh doanh.

Đáng chú ý là hàng hóa nhập khẩu từ “công xưởng” sản xuất hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc khiến hàng hóa trong nước ngày càng đuối sức, khó cạnh tranh.

Ông Lê Minh Thảo, một doanh nhân chuyên nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản về bán trên sàn TMĐT băn khoăn về việc trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện có một số nhà bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc cũng bán những sản phẩm mỹ phẩm cùng loại như công ty ông nhưng giá lại rẻ hơn nhiều khiến sản phẩm của ông không thể cạnh tranh nổi.

VitaJean với thương hiệu quần áo V-Sixtyfour đang đẩy mạnh kênh bán hàng online nhưng đang gặp thách thức với sự cạnh tranh cao với hàng hóa giá rẻ. Ảnh: Hùng Lê

Không riêng mặt hàng mỹ phẩm, theo ông Thảo, một số sản phẩm khác, như ốp lưng điện thoại di động giá bán trên sàn TMĐT cũng chỉ có 25.000 đồng. “Với giá này chắc chắn các doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh được”, ông Thảo nhận định và nêu vấn đề thuế nhập khẩu hàng hóa bán qua sàn TMĐT như thế nào, họ có bị rào cản nào không để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước?

Trên thực tế, thời gian qua một số doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tăng cường đầu tư vào các sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam. Trong khi đó, không ít nhà kinh doanh trong nước cũng kinh doanh hàng hóa được nhập khẩu từ đất nước láng giềng vốn có giá cạnh tranh cao. Cũng chính vì thế, mà người tiêu dùng cũng dễ dàng tìm được những sản phẩm có sự chênh lệch mức giá của các sàn, thậm chí là các shop khác nhau cho cùng một sản phẩm.

Mặc khác, hầu hết trên các sàn TMĐT hiện nay đều bổ sung danh mục hàng nhập khẩu để cung cấp những sản phẩm từ người bán hàng của Trung Quốc là chính.

Các nhà sản xuất và bán hàng Việt Nam vừa cạnh tranh với nhau, vừa cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc làm gia tăng áp lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Đây là một trong những khó khăn khi bán hàng online mà các nhà kinh doanh phải tính toán để có phương án đối phó phù hợp.

Và cuộc đua phí vận chuyển về mức zero

Cũng vì cạnh tranh về giá bán mà kinh doanh TMĐT cũng đang chứng kiến cuộc chạy đua về cạnh tranh giá của các nhà cung cấp dịch vụ logistics cho ngành ngày càng cao.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, phí vận chuyển hàng hóa liên tỉnh ở trong nước vẫn còn khá cao khiến hàng hóa khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hạ tầng logistics còn hạn chế, chi phí vận chuyển lớn cùng với sự thiếu liên kết, chia sẻ nguồn lực giữa các doanh nghiệp… làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành logistics lẫn TMĐT Việt Nam.

Khách mua sản phẩm trên các sàn TMĐT đang phải trả nhiều phí vận chuyển hơn cho các đơn hàng trong nước so với đặt hàng trực tiếp từ Trung Quốc. Điều tưởng chừng là nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay trong khi các đơn vị vận tải, chuyển phát Việt Nam vẫn chưa có giải pháp để lật ngược tình thế.

Các nhà cung cấp dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng ngày càng đầu tư công nghệ tự động để tối đa năng suất và giảm chi phí… Trong ảnh là một dây chuyền của trung tâm phân loại hàng hóa tự động của BEST Inc. tại Bắc Ninh. Ảnh: TL

Theo bà Lê Thị Phượng Diễm của Công ty Trái Dừa, phí giao hàng liên tỉnh trong nước hiện đang cao hơn phí giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Đơn cử như sản phẩm của doanh nghiệp bà là mặt hàng quạt máy, trước đây bán ở tỉnh có doanh số rất cao, nhưng hiện nay riêng chi phí vận chuyển chiếm đến 130.000 đồng/sản phẩm, chưa kể trong quá trình vận chuyển sản phẩm bị những lỗi hư hỏng, khách không nhận hàng. Điều đó khiến việc bán hàng của doanh nghiệp hiện nay khó khăn, kém cạnh tranh.

Trong khi đó, chị Thu Trang, quận Phú Nhuận (TPHCM) thường xuyên mua hàng gia dụng online của các shop ở Trung Quốc, chia sẻ chị mua hàng từ Trung Quốc trên Lazada thường giao tận nhà rất nhanh, miễn phí vận chuyển hoặc phí chỉ 14.000 – 20.000 đồng. Cũng những mặt hàng này, nếu mua trong nước thì phí vận chuyển lên đến 24.000 – 45.000 đồng hoặc cao hơn.

Hiện nay, mua hàng online từ nước ngoài, đáng chú ý là từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua các kênh Shopee, TikTok, Lazada… rất dễ dàng. Hàng hóa đa dạng, giao hàng nhanh kèm theo phí ship rẻ đang là những điểm cộng khiến khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, ưu tiên lựa chọn chốt đơn mua hàng từ Trung Quốc.

Trên thực tế, các sàn TMĐT và nhà kinh doanh online quy mô lớn trong nước trong thời gian qua cũng rất nỗ lực tìm kiếm các nhà vận chuyển và dịch vụ logistics hiệu quả với chi phí thấp để giảm chi phí cho khách hàng.

Bởi lẽ theo đại diện một sàn TMDT quy mô lớn rằng rất nhiều doanh nghiệp bán hàng online có đơn hàng nhiều nhưng vận hành không nổi, không tối ưu được chi phí,… dẫn đến thất bại, nhất là chi phí logistics, vận tải với TMĐT khá lớn.

Ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) với vài trăm đơn hàng hoặc 1.000-2.000 đơn hàng/tháng, gần như không tính toán về sự chênh lệch về cước phí vận chuyển cũng như không bị chi phí lưu kho bãi (vì họ tận dụng văn phòng làm kho luôn).

Tuy nhiên, theo người này, ở những nhà kinh doanh với số lượng từ 5.000 đơn hàng/tháng trở lên, thì câu chuyện giảm được 500 đồng/đơn hàng giao nhận là cực kỳ quan trọng. Do đó, thông thường các nhà kinh doanh này không chỉ tìm nhà giao hàng hóa uy tín mà còn phải cạnh tranh về giá. Do đó, thông thường trong vòng 6 tháng/lần, các chủ sàn TMĐT thương thảo với nhà cung cấp dịch vụ logistics để có giá tốt nhất.

Những nỗ lực đó cũng khiến giá vận chuyển giảm xuống. Cụ thể tại Việt Nam, theo ông Mai Hoàng, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần GHN Logistics, ước tính chi phí vận chuyển giao hàng chặng cuối trong 10 năm qua đã giảm khoảng 50%, từ mức 40.000 đồng/đơn. Năng suất nhân viên cũng tăng từ việc giao 20-30 đơn/ngày lên khoảng 80 đơn mỗi ngày.

Dù vậy, mức giá trung bình khoảng 25.000 đồng/đơn hàng này vẫn còn cao hơn mức phí vận chuyển của Trung Quốc khá nhiều. Cụ thể chi phí vận chuyển một đơn hàng tại Trung Quốc có những thời điểm đã kéo về 3 NDT/đơn (tương đương là 10.000 đồng). “Đây không chỉ là sự cạnh tranh về giá của các nhà vận chuyển mà đây còn là yêu cầu của thị trường TMĐT”, ông Mai Hoàng nhận định.

Với TMĐT, trung bình tại Việt Nam, giá trị đơn hàng nằm ở mức 350.000 đồng và chi phí vận chuyển quanh mức 10%. Trong khi trong cơ cấu chi phí, dịch vụ thì mức chi phí vận chuyển phải dưới 5% mới có thể tối ưu.

Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường thường muốn chiếm thêm thị phần nên chấp nhận phá giá. Với quy mô thị trường hiện tại, nếu các công ty chọn phá giá để có thể giành thêm khoảng 3-5% thị phần. “GHN không lao theo cuộc đua này vì cuối cùng thì công ty nào cũng phải tính đến lợi nhuận, không thể phá giá lâu dài,” ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, thách thức của các nhà kinh doanh logistics tại các thành phố lớn như TPHCM là cạn quỹ đất gần khu vực trung tâm để phát triển hệ thống nhà kho. Trong khi với doanh nghiệp logistics, đơn vị vận chuyển tăng lên 1 km thì chi phí đã bắt đầu tăng lên rất nhiều.

Ngoài ra, với địa hình là một đất nước dài, hạ tầng quốc lộ vẫn chưa hoàn thiện nên trong tất cả chi phí logistics thì chi phí cho đường trục là cao nhất. Đơn cử một container đường bộ để vận chuyển hai đầu đất nước thì doanh nghiệp phải mất hơn 20 triệu đồng, đây là một chi phí rất cao.

Với dịch vụ hoàn tất đơn hàng, các công ty đang nỗ lực ứng dụng công nghệ phần mềm cùng với thúc đẩy năng suất để tối ưu chi phí và công năng trong kho. Đặc thù địa lý cũng đặt ra cho doanh nghiệp bài toán chọn địa điểm đặt kho để đạt chi phí hiệu quả nhất.

TMĐT là một ngành đặc thù, tỷ lệ thay đổi giữa nhu cầu mua sắm trực tiếp và trực tuyến đang có sự thay đổi từng ngày. Ngoài ra, TMĐT đang ghi nhận mức tăng trưởng từ 20-30%, vì vậy các nhà kinh doanh qua kênh này cùng nhà cung cấp dịch vụ logistics luôn trong trạng thái tập trung đầu tư, tối ưu hóa chi phí để cạnh tranh.

Ở cuộc đua giành thị phần này, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn nhờ tiềm lực về tài chính mạnh và công nghệ để nắm quyền chủ động trong “cuộc chiến” giảm giá phí.

Hùng Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối