Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Cảnh giác để tránh bị đánh thuốc mê cướp tài sản

(SGTTO) – Công an thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa có văn bản cảnh báo đến hành khách tại các bến xe, trạm xe, trên các tuyến xe khách về tình hình kẻ gian chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng thuốc mê như mời hút thuốc, uống nước trên những chặng đường dài.

Đây là cảnh báo cho tất cả mọi người, khi thời điểm cuối năm đi về quê hoặc đi du lịch trên những chặng đường dài.

Hít vào cũng “mê”

Theo Công an thành phố Đà Lạt, kẻ gian thường ở các bến xe và tìm cách làm quen, nói chuyện với hành khách đang ngồi chờ xe tại đây. Sau khi đã thân quen hơn, đối tượng mời hành khách hút thuốc và ăn uống có chứa thuốc mê trong thức ăn.

Sau khi sử dụng, nạn nhân trúng thuốc mê rơi vào trạng thái mệt mỏi, chóng mặt, không thể chống cự được và kẻ gian nhanh chóng chiếm đoạt tài sản có giá trị như tiền mặt, nữ trang…

Khách đi xe đường dài nên mua vé ở các nhà xe uy tín, có bến bãi được Nhà nước cấp phép, quản lý. Ảnh minh họa: TBKTSG

Phân tích về chất gây mê và cảnh báo đề phòng về vấn đề này, PGS. TS.DS Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Khoa dược, Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, khi dùng loại thuốc mê này thì dù nam nhi cơ bắp cuồn cuộn, khỏe mạnh cũng rơi vào tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, lơ mơ không tỉnh, không kháng cự được.

Chất lạ xúc tác đó có thể là một thứ thuốc có tên Scopolamine để gây ảo giác, làm mất đi thần trí và đưa con người vào trạng thái như bị thôi miên, bị đánh thuốc mê để bị hại.

Thực tế có nhiều kẻ gian đã đưa vào cơ thể nạn nhân thứ thuốc dạng uống hoặc hít như hít khói thuốc lá để cướp.

Scopolamine còn có tên hyoscine là thuốc dùng lâu đời. Đầu tiên, nó là một dược chất được chiết xuất từ cây thuốc có tên Atropa belladonna (ở ta có cây cà độc dược thuộc loại này), và được phân vào nhóm thuốc kháng tiết cholin (anticholinergic). Được dùng đường uống hay tiêm, scopolamine phải dùng khi có đơn thuốc của bác sĩ để trị đau do co thắt cơ trơn (như đau dạ dày – ruột, đau thận, đường mật…).

Do gây nhiều tác dụng phụ có hại nên hiện nay scopolamine chủ yếu dùng trị nôn, chống say tàu xe và dùng đưới dạng băng dán, mà không dùng dạng toàn thân là uống hay tiêm nữa.

Ngay từ khi ra đời, scopolamine với tác dụng kháng tiết cholin gây nhiều tác hại ở hệ thần kinh mà nó được mệnh danh là “hơi thở của quỷ’ và gần đây được dùng gây tội ác.

Trúng thuốc như bị… “bỏ bùa”

PGS.DS Nguyễn Hữu Đức nhận định, Scopolamine dùng quá liều sẽ gây ngưng thở và tử vong, còn dùng liều cao chưa đến liều gây chết, nó có tác dụng gây hoang tưởng ảo giác rất mạnh, thậm chí gây mê đồng thời có khả năng làm mất đi thần trí của con người và đưa con người vào trạng thái như bị thôi han.

Cà độc dược là loại cây có chứa chất độc. Ảnh minh họa: caythuoc.vn

Nhiều báo cáo cho thấy scopolamine được tội phạm dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân sau khi gây tội ác. Đã có hơn 50.000 trường hợp dùng scopolamine gây tội ác được báo cáo tại Colombia. Trong đó, nhiều phụ nữ ở Colombia trình báo với cơ quan cảnh sát địa phương rằng họ như bị bỏ bùa, bị kẻ gian điều khiển làm những việc như đưa hết tiền bạc hoặc thậm chí bị hãm hiếp.

Ở nước ta, đã xảy ra những vụ việc mà nhiều nạn nhân trình báo họ đã bị thôi miên, đến mức ngoan ngoãn tự mở tủ đưa hết tài sản trong tình trạng vô thức, và bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa làm những việc mà bạn han không ý thức được.

Những vụ gây tội ác như thế được cho là do tác dụng gây ảo giác, làm mất trí nhớ tạm thời của scopolamine. Và scopolamine có khả năng gây tác dụng như thế khi kẻ gian bí mật bỏ nó vào sữa, bia, nước giải khát… và cho nạn nhân uống.

Cần phải kể, scopolamine chứa nhiều trong lá cây cà độc dược nên kẻ gian cũng có thể dùng lá cây này phơi khô, xắt nhỏ quấn thành thuốc lá hút và phà khói vào mặt nạn nhân. Khói đó chứa đủ scopolamine gây ảo giác cho nạn nhân.

Biết các điều kể trên, chúng ta đề cao cảnh giác không tiếp cận quá gần với kẻ lạ có vẻ nhiệt tình, vồn vả với mình.

Tuyệt đối không hút thuốc mời, thức ăn cho

DS. Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo, thuốc scopolamine nếu đã uống vô bụng mà không tìm cách ói mửa thì khó lòng hóa giải được tác dụng của thuốc nhất là liều thuốc dùng cao.

Còn khói thuốc cũng vậy, niêm mạc đường hô hấp hấp thu thuốc rất nhanh và nhiều, đã hít đủ liều rồi thì cũng khó hóa giải được tác dụng của thuốc.

Cách hóa giải tốt nhất là đừng uống hoặc hít khói thuốc. Kẻ gian phà khói thuốc gây ảo giác cho kẻ khác đương nhiên biết cách không cho khói thuốc hại mình bằng cách nín thở, không hít khói thuốc vào đường hô hấp. Ngoài ra, người đi xe cần cảnh giác với việc bắt chuyện ở các bến xe để làm quen.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Nha Trang sẽ bắn pháo hoa ba đêm cuối tuần đến...

0
Bắt đầu từ ngày 3-5, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà sẽ bắn pháo hoa tầm thấp vào 3 đêm cuối tuần tại...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò...

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự...

Dừng nghỉ, đổ xăng ở đâu trên suốt tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Trên dữ liệu ghi nhận thực tế, Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược các vị trí trạm dừng tạm, cây xăng và...

Singapore thu hồi ba loại thực phẩm có xuất xứ từ...

0
Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn...

Kết nối