Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Cẩn trọng trước những thực phẩm lạ để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm

(SGTTO) - Nhiều người có sở thích ăn các loại thực phẩm lạ mà không hề biết rằng chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể. Thực tế, những thực phẩm quen thuộc mà chúng ta ăn hằng ngày đã chứa đủ chất dinh dưỡng và là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon miệng.

Bác sĩ Trần Trọng Nhân - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM).

Vừa qua, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra một vụ ngộ độc do ăn ốc độc khiến cả ba mẹ con cùng nhập viện, người mẹ tử vong.

Để tìm hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thực phẩm lạ, Sài Gòn Tiếp Thị Online đã có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Trần Trọng Nhân - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) - về chủ đề này.

SGTTO: Những nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm, thưa bác sĩ?

- BS Trần Trọng Nhân: Có ba nguyên nhân có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gồm: thứ nhất là do có những loài động vật hoặc thực vật chức độc tố tự nhiên nhằm bảo vệ bản thân trước kẻ thù; thứ hai là do cơ địa của người ăn không phù hợp với loại thực phẩm đó; thứ ba là do môi trường biển ngày càng ô nhiễm do các chất thải sinh hoạt. Hoặc những sinh vật ở đáy biển, đáy sông hấp thụ kim loại nặng nên chứa nhiều chất độc tố hơn các sinh vật ở tầng nước phía trên.

Cụ thể, cơ địa không phù hợp với thực phẩm nghĩa là thế nào, thưa bác sĩ?

- Có nhiều người có hệ thống tiêu hóa không đủ khỏe mạnh hoặc cơ thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm nhất định như hải sản có gạch hay các loại đậu. Tuy nhiên, trong những trường hợp cả gia đình hoặc nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm thì tỷ lệ nguyên nhân do cơ địa không cao.

Bác sĩ có thể kể tên một vài loại thực phẩm chứa độc tố tự nhiên không ạ?

- Đối với động vật, một vài loại thực phẩm chứa độc tố tự nhiên gồm những loài như cá nóc, cóc, những động vật có mật... Đối với thực vật, chúng là những loại như nấm màu sặc sỡ, củ khoai mì, khoai tây. Cụ thể, các loại khoai này chứa chất gây độc trên vỏ, đặc biệt là trong giai đoạn nảy mầm - hay còn gọi là giai đoạn sinh trưởng. Những loại thực vật này sẽ tiết ra các chất để ngăn động vật, côn trùng ăn, để tiếp tục sinh trưởng.

Nấm có màu sặc sỡ thường chứa độc. Ảnh: pixabay
Vậy chúng ta nên lưu ý khi chế biến thực phẩm ra sao để loại bỏ những chất độc này, thưa bác sĩ?

- Tốt nhất, chúng ta hãy tránh và không sử dụng những loại động vật lạ, có độc, không rõ nguồn gốc mà chỉ ăn những loại thực phẩm quen thuộc bởi chúng cũng đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Còn đối với khoai tây và khoai mì, chúng ta cần gọt vỏ thật sạch trước khi chế biến và không sử dụng những loại củ đã bị nảy mầm.

Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ rất hữu ích!

Trang web của Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TPHCM có đăng tải bài viết “Xử trí khi có biểu hiện ngộ độc thực phẩm”, trong đó chỉ ra các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm gồm nôn ói liên tục, nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, tiêu chảy liên tục, đau bụng dữ dội, thân nhiệt cao hơn 38,5 độ C, khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, cơ yếu, phát ban toàn thân, ngứa, khó thở.Khi bị ngộ độc thực phẩm, phần lớn có thể tự khỏi sau khi thực hiện các biện pháp như để cho dạ dày được nghỉ, không ăn uống trong vài giờ. Thử ngậm viên đá nhỏ hoặc uống từng ngụm nước nhỏ. Có thể húp nước canh hoặc uống nước thể thao không chứa caffein. Chọn những thức ăn nhạt, ít béo, dễ tiêu hóa như bánh mì nướng, rau câu, chuối và cơm khi bắt đầu ăn uống lại. Nghỉ ngơi nhiều hơn do bệnh và mất nước khiến cơ thể yếu đi và mệt mỏi.Tuy nhiên, khi bệnh nhân không thể tự phục hồi, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng mà bác sĩ sẽ chọn cách điều trị phù hợp. Tuy nhiên, người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính… khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần đến khám bác sĩ sớm hơn.

Hạnh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối