(SGTT) - Ngoài những băn khoăn về cách sử dụng thuốc an toàn cho bệnh nhân Covid-19, nhiều người thắc mắc rằng khi điều trị tại nhà, F0 phải cần chuẩn bị những trang thiết bị y tế gì và cách sử dụng các loại thiết bị để theo dõi đúng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Làm thế nào tự phát hiện triệu chứng Covid-19 trở nặng tại nhà?
- Người mắc Covid-19 có nên tự mua thuốc theo đơn điều trị tại nhà không?
- Vì sao người mắc Covid-19 không triệu chứng nhưng bất ngờ chuyển nặng?
Đối với những người cách ly tại nhà, đặc biệt là các F0, F1 cần phải trang bị các loại thuốc cần thiết, đồng thời chuẩn bị thêm một số loại thiết bị y tế theo dõi tại nhà như nhiệt kế, máy đo SpO2 cầm tay, máy đo huyết áp và phải biết đọc đúng các chỉ số.
Để theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Covid-19, các chỉ số như nhiệt độ cơ thể, huyết áp và độ bão hòa oxy cần được đo chính xác. Vậy làm thế nào để bệnh nhân Covid-19 biết cách sử dụng đúng các thiết bị y tế theo dõi sức khỏe tại nhà?
Dưới đây là video mới nhất về cách hướng dẫn sử dụng các thiết bị y tế với các hình ảnh mô phỏng thực tế do BS Đỗ Doãn Bách thuộc Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành kết hợp với Bộ Y tế thực hiện. Bên cạnh cách sử dụng, các bác sỹ cũng sẽ chỉ ra các khoảng an toàn của 3 chỉ số nhiệt độ cơ thể, huyết áp và độ bão hòa oxy.
BS Đỗ Doãn Bách cho biết trong thời gian cách ly và điều trị bệnh tại nhà, các F0 sẽ cần học cách sử dụng một số các thiết bị y tế để theo dõi những thay đổi của cơ thể và kịp thời liên hệ y tế khi diễn tiến nặng.
1. Nhiệt kế
Bệnh nhân nên chuẩn bị 2 chiếc nhiệt kế. Một chiếc dùng cho người bị nhiễm và chiếc còn lại dành cho người khác. Trong quá trình cách ly tại nhà phải luôn đo thân nhiệt của người bị nhiễm ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều khi có các dấu hiệu bất thường, đồng thời ghi vào sổ theo dõi sức khỏe hằng ngày.
Về cách sử dụng nhiệt kế, người thực hiện đo phải rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dùng nước rửa tay trong ít nhất 20 giây và lau khô; sau đó sát trùng nhiệt kế bằng gạc tẩm cồn 70 độ trước và sau mỗi lần dùng.
Đối với nhiệt kế thủy ngân, người đo phải vẩy xuôi nhiệt kế vài lần để mực thủy ngân xuống dưới 36,5 độ trước đo và làm theo hướng dẫn đi kèm nhiệt kế điện tử để đọc giá trị nhiệt độ. Cuối cùng cần rửa tay sạch, sát khuẩn nhiệt kế cặp và cất lại ở nơi an toàn.
BS Doãn Bách nhấn mạnh, nếu bị sốt trên 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 36 độ C, cần liên hệ ngay với y tế.
2. Máy đo SpO2 cầm tay
Người đo cần kiểm tra xem máy còn pin hay không. Nếu hết pin, cần thay pin mới hoặc sạc pin tùy loại máy; sau đó mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Bệnh nhân lưu ý không được sơn móng tay, không sử dụng móng tay giả, đảm bảo móng tay không quá dài để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khi khe kẹp.
Để khởi động máy, bệnh nhân nhấn nút nguồn, không cử động tay hay ngón tay sau. Kết quả sẽ hiển thị ngay trên màn hình sau vài giây; sau đó rút tay ra, máy sẽ tự tắt. Người bệnh lưu ý vệ sinh tay và máy sau khi đo.
3. Thiết bị đo huyết áp
Bệnh nhân nên dùng thiết bị đo bắp tay để có chỉ số gần chính xác nhất. Khi thực hiện đo, chúng ta sẽ kiểm tra pin phải lắp đúng vị trí; sau đó quấn vòng bít vào bắp tay. Khi quấn, mép dưới của vòng bít cách khuỷu tay từ 2-3 cm. Vạch đầu của vòng bít phải để cùng hướng với mạch máu, vòng sắt không được để phía trên mạch máu rồi kéo nhẹ cho đầu vòng bít đi qua vòng sắt quanh bắp tay, siết chặt vòng bít bằng khóa dán với lực vừa phải.
Trong quá trình thực hiện, người đo không nên kéo vòng bít quá chặt, khoảng hở giữa cánh tay và vòng bít nên vừa hai ngón tay; sau đó, nhấn nút start (bắt đầu), vòng bít sẽ tự động được bơm hơi vào đúng áp suất đo, xả hơi khi đo xong và đọc kết quả trên màn hình.
BS Đỗ Doãn Bách cho biết, đo huyết áp là cách kiểm soát chỉ số huyết áp của bản thân. Vì vậy, người già, người bệnh cao huyết áp có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cần biết cách đo chuẩn trong ngày.
Minh Thảo
Theo Bộ Y tế