Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Các nhà thuốc, bệnh viện tại TPHCM gặp khó khi triển khai đơn thuốc điện tử

(SGTT) - Các nhà thuốc và bệnh viện trên địa bàn TPHCM vẫn gặp khó khăn khi kết nối liên thông dữ liệu thuốc với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã ban hành công văn gửi đến tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc triển khai quy định kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, các nhà thuốc trên địa bàn TPHCM thực hiện việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Việc tiếp nhận đơn thuốc và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia giúp kiểm soát, chuẩn hóa được chất lượng toa thuốc; hạn chế lạm dụng kê đơn trong điều trị ngoại trú; giảm tình trạng một đơn thuốc kê lại cho nhiều người cùng dùng... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà thuốc và bệnh viện trên địa bàn TPHCM vẫn còn khó khăn trong quá trình thực hiện kết nối dữ liệu thuốc với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Nhiều nhà thuốc tại TPHCM vẫn chưa áp dụng đơn thuốc điện tử vì gặp khó khi liên thông dữ liệu bán thuốc với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Ảnh: M.T.

Ghi nhận tại nhà thuốc D. S. (đường Lê Văn Qưới, quận Bình Tân), một dược sĩ đứng quầy cho biết, anh vẫn chưa nắm được thông tin sẽ thực hiện bán thuốc bằng đơn điện tử, thay cho đơn thuốc giấy thông thường tại đây. Hiện tại, khi bệnh nhân mua thuốc chỉ cần đưa toa thuốc có chữ ký của bác sĩ, nhà thuốc sẽ bán theo nhu cầu. Sau đó, thông tin của khách hàng sẽ được dược sĩ đánh máy để lưu lại trên hệ thống nhà thuốc.

Theo dược sĩ N.C., chủ một nhà thuốc tại quận 10, TPHCM, cho biết, dù từng nghe về hệ thống đơn thuốc quốc gia nhưng cho đến nay, quầy thuốc này vẫn chưa triển khai tiếp nhận đơn thuốc điện tử.

Ngoài việc gặp khó khi liên thông dữ liệu bán thuốc với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, dược sĩ K. cho biết không phải thời điểm nào, cửa hàng cũng có đủ các loại thuốc như trong đơn người mua yêu cầu. Trường hợp đơn điện tử thiếu 1-2 loại thuốc theo toa bác sĩ, tâm lý khách hàng có thể từ chối mua. Bởi họ sợ mất thời gian khi phải đến từng quầy thuốc để đọc thông tin (họ tên, mã số đơn thuốc), chờ nhập dữ liệu và mua đúng các loại thuốc theo đơn. Còn với đơn thuốc giấy, người mua chỉ cần cầm toa thuốc đến và hỏi mua nhanh chóng.

Không chỉ tại các nhà thuốc, nhiều bệnh viện tại TPHCM vẫn sử dụng đơn thuốc giấy được đánh máy, có mã vạch kèm theo thông tin các loại thuốc. Chị Tâm Hiền (27 tuổi), bệnh nhân đang điều trị ngoại trú của Bệnh viện Tâm Thần TPHCM, cho biết sau khi bác sĩ khám và kê đơn, chị vẫn cầm đơn thuốc giấy đến nhà thuốc của bệnh viện mua.

Dù đi khám hai ngày liên tục nhưng “chưa từng nghe bác sĩ thông báo có thể đọc họ tên hay mã số đơn thuốc khi đến mua tại quầy thuốc”, chị Hiền cho biết. Cách đây năm ngày, chị đã hết thuốc điều trị nhưng chưa sắp xếp được thời gian tái khám. Chị đành sử dụng toa cũ, mua ở tiệm bên ngoài để không bị lỡ thuốc. Thời điểm mua, các dược sĩ ở quầy cũng không đề cập đến liệu khách hàng có đơn thuốc điện tử hay không, chỉ cần đưa toa thuốc đã có thể mua được ngay lập tức.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, sau khi bác sĩ khám và kê đơn, bệnh nhân vẫn cầm đơn thuốc giấy đến nhà thuốc của bệnh viện nhận thuốc. Ảnh: M.T.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), bệnh nhân đến khám và vẫn cầm đơn thuốc giấy được đánh máy đến quầy thuốc. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của bệnh viện này cho biết, hiện đơn vị này vẫn chỉ dừng lại ở việc lưu thông tin đơn thuốc của bệnh nhân trên hệ thống nội bộ và chưa thể đồng bộ, liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Dù gặp khó khăn trong quá trình kết nối dữ liệu, nhưng vị lãnh đạo của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đánh giá việc kê đơn thuốc điện tử được triển khai rộng rãi tại các cơ sở khám chữa bệnh, đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh, nhân viên y tế. Cụ thể, đơn thuốc điện tử thể hiện chi tiết các hoạt chất chính của thuốc, thay vì chỉ có mỗi tên biệt dược như trước đây. Từ đó, bệnh nhân dễ dàng theo dõi được quá trình sử dụng, đáp ứng của cơ thể với các loại thuốc, cũng như giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, các bác sĩ điều trị dễ dàng theo dõi được hiệu quả điều trị sau khi kê đơn, tra cứu những loại thuốc trong hồ sơ bệnh án mà bệnh nhân từng sử dụng để điều chỉnh, hạn chế tác dụng phụ của thuốc. Điều này rất cần thiết đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch…

Cho đến hiện tại, trong quá trình đợi bộ phận kỹ thuật hoàn thiện hệ thống kết nối, đồng bộ dữ liệu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định vẫn sử dụng đơn thuốc giấy khi bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, các đơn thuốc được kê sẽ lưu lại trong hệ thống dữ liệu của bệnh viện để dễ dàng kiểm soát sau này, vị lãnh đạo của bệnh viện này cho biết.

Trước những bất cập khi triển khai kê đơn thuốc điện tử trên diện rộng, Bộ Y tế đã có điều chỉnh lộ trình kê đơn thuốc điện tử. Theo Thông tư 04/2022/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12-7, các bệnh viện từ hạng ba trở lên sẽ hoàn thành việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 31-12-2022; còn các cơ sở khám, chữa bệnh khác hoàn thành trước ngày 30-6-2023.

Như vậy, thời điểm áp dụng hoàn toàn đơn thuốc điện tử đã được lùi lại 6 tháng so với trước (hạn cũ lần lượt là 30-6-2022 và 1-12-2022). Đơn thuốc điện tử sẽ thay thế và có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy truyền thống.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ mở trung tâm thẩm...

0
(SGTT) – Sáng 31-5, nhân kỷ niệm 2 năm thành lập, bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ đã khai trương Trung tâm thẩm...

TPHCM: Bệnh viện chấn thương chỉnh hình xuống cấp nghiêm trọng,...

0
(SGTT) - Theo báo cáo của đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM vào đầu tháng 11, hiện bệnh viện này bị...

Nhiều bệnh viện lớn ở TPHCM bị mạo danh

0
Gần đây, một số bệnh viện lớn ở TPHCM liên tục đưa ra cảnh báo trước tìnhtrạng bị các cơ sở, phòng khám mạo danh...

10 bệnh viện có chất lượng điều trị và dịch vụ...

0
Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022. Trong đó, có 10 bệnh viện được...

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng...

0
Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm, theo cổng thông tin Bộ...

Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy...

0
(SGTT) - Sáng 27-6, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ đã làm lễ khai trương và chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim...

Kết nối