Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Các món đặc sản từ sứa

Khi cái nắng mùa hè chói chang trải dọc dải đất miền Trung thì miệt biển xứ Quảng quê tôi bắt đầu vào mùa sứa. Dạo quanh chợ biển những ngày này, chúng ta dễ dàng gặp từng rổ sứa tươi trong suốt. Với những người không phải dân biển thì chắc chắn sẽ ngạc nhiên trước loại thủy sinh có hình dạng khá đặc biệt, thân hình tán, nhiều tua, thịt dạng keo, chứa nhiều chất lỏng bên trong người.

Nguyên liệu tạo nên món gỏi sứa say lòng người.

Ở Quảng Nam, sứa không được bán rộng rãi bởi xuất hiện trong khoảng thời gian rất ngắn, mỗi năm thường chỉ có một vài lần. Từ sứa có thể chế biến thành nhiều món gắn liền với đời sống người dân xứ biển. Tuy nhiên sứa rất kén chọn người chế biến, chỉ có ai thân thuộc với sứa mới biết cách tạo ra những món đặc sản, mà đặc biệt là bún và gỏi sứa.

Để có món bún sứa ngon thì khi mua cần tinh mắt lựa bằng được những con sứa già, chắc và dày thịt. Sứa mang về, rửa sạch nhớt, chỉ dùng dao tre cắt lát vừa ăn thì mới không tanh. Tiếp tục ngâm sứa chừng hai ba tiếng đồng nữa với lá ổi, vài lát chuối chát cắt mỏng cho sứa nhả hết nước. Sau đó chần sứa qua nước sôi rồi trút ra rổ. Sứa sau khi sơ chế sẽ được sắp lên bề mặt tô bún cùng đậu phộng rang, vài miếng chả cá, dưa leo. Nước lèo chan với bún được chế biến từ những con cá còn tươi nguyên như cá ngừ, cá thu… Ăn bún sứa đúng điệu còn phải có rau muống chẻ, bắp chuối bào cùng với các loại rau như húng, quế, giá sống…

Với món gỏi sứa thì ưu điểm là dễ phối với các loại rau quả đồng thời là món phù hợp nhất để thưởng thức cùng bạn bè hoặc người thân trong tiết trời đầu hè nắng nóng bức. Đĩa gỏi điểm màu vàng của xoài, màu trắng muốt của sứa, chuối chát và màu xanh mát mắt của rau thơm. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thèm rồi!

Để làm gỏi sứa sẽ cần vắt ráo sứa sau khi đã sơ chế. Tiếp theo là trộn sứa với các loại gia vị bột nêm, tiêu, muối, chút xíu đường và để khoảng mươi phút cho thấm, rồi vắt nhẹ lại lần nữa nếu sứa và gia vị tiết ra nước. Tiếp tục cho chuối chát xắt mỏng, xoài ươm bào sợi vào. Không quên nêm nếm thêm cho món gỏi bằng chén mắm chua, cay, ngọt, đậm đà đúng chuẩn xứ Quảng. Cuối cùng rải đậu phộng rang đã đập dập vào cùng rau thơm cắt nhỏ, tất cả được trộn đều lên. Lúc này, chỉ cần đợi chiếc bánh tráng nướng giòn tan lên mâm nữa thôi là có thể thưởng thức.

Thanh Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối