Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Các điểm du lịch hấp dẫn không nên bỏ lỡ khi đến An Giang

(SGTT) - Mùa nước nổi khoảng tháng 9, 10 là thời điểm du lịch đẹp nhất ở An Giang, khi con nước tràn về, mang theo sự trù phú và màu mỡ cho vùng đất này. Các trải nghiệm về văn hóa, tôn giáo hay ghé thăm khu rừng tràm xanh thẳm, những bông điên điển nở vàng rực sẽ tạo nên một bức tranh đặc sắc khiến du khách đắm say.

Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam

Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc có thể xem là địa danh nổi tiếng nhất của An Giang. Đây là ngôi miếu linh thiêng nổi tiếng thu hút hàng triệu người dân tứ xứ đến phúng viếng hằng năm.

Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn gắn với những câu chuyện mang tính lịch sử về người khai hoang vùng đất cũng như chống giặc ngoại xâm.

Tương truyền, Bà chúa Xứ Núi Sam là một nhân vật khá linh thiêng, cầu gì được nấy nên hàng năm, lượng người tứ xứ đổ về đây để nguyện cầu mong công việc thuận buồm xuôi gió, gia đạo bình an ngày càng nhiều (có năm lên đến hơn hàng triệu lượt người đến viếng Bà).

Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam ngày trước vốn chỉ là một ngôi nhà gỗ vách lá đơn sơ để thờ phụng, đến nay đã trở thành một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hóa Đông phương.

Miếu Bà chúa Xứ được xây dựng theo nét kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Đông. Ảnh: Thế Anh

Có truyền thuyết kể lại rằng, cách đây khoảng chừng 200 năm, người dân tại Châu Đốc đã phát hiện một bức tượng Bà ở khu vực đỉnh Núi Sam và có nguyện vọng thỉnh đem xuống để thờ. Tuy nhiên, đã có một hiện tượng kỳ lạ xảy ra. Nhiều thanh niên cường tráng cố khiêng tượng Bà xuống núi nhưng không dịch chuyển được.

Theo lời một bà đồng, người dân cử 9 thiếu nữ đồng trinh đên khiêng tượng Bà xuống. Kỳ lạ thay, lúc 9 thiếu nữ cùng khiêng tượng Bà xuống, pho tượng được di chuyển vô cùng dễ dàng và nhẹ nhàng. Đến khu vực chân Núi, tượng Bà bỗng hạ xuống và nặng trịch, không thể di chuyển được nữa. Vì thế, người ta chọn đây là nơi an vị Bà, sau đó xây dựng một ngôi miếu để thờ phụng.

Du khách đến viếng Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam có thể chọn Victoria Núi Sam Lodge là nơi lưu trú. Khu nghỉ dưỡng này rất gần với Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam khi cách trung tâm thành phố Châu Đốc chỉ khoảng 20 phút chạy xe.

Victoria Núi Sam Lodge nằm ngay trên sườn núi Sam và các phòng đều được thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại, tinh tế, mang màu sắc chủ đạo gần gũi với thiên nhiên hoang dã nơi đây.

Du khách ngắm hoàng hôn ở Victoria Núi Sam Lodge. Ảnh: Đăng Khoa

Khu nghỉ dưỡng tọa lạc tại khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tựa lưng vào sườn núi Sam hùng vĩ, với tầm nhìn hướng ra những cánh đồng lúa trù phú, trải dài bao la.

Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư là rừng cây tràm bát ngát tọa lạc ở phía Tây sông Hậu. Về ý nghĩa của tên, người ta truyền tai nhau rằng “Trà” là biến âm của “tà” – trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Cuối cùng đưa đến kết luận rằng: Trà Sư nhằm ám chỉ ông thầy tu hoặc là một ông sư tên Trà.

Ban đầu, rừng tràm Trà Sư chỉ là vùng trũng hoang hóa, nhiễm phèn nặng và bị xem là vùng đất chết. Sau đó vào năm 1983, nơi đây được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn.

Rừng tràm Trà Sư rộng khoảng 845 ha có vị trí nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên huyện An Giang. Trà Sư như một viên ngọc xanh được con người mài giũa bừng sáng lên giữa cánh đồng bát ngát của vùng Tứ Giác Long Xuyên rộng lớn, nơi sinh sống của vô vàn loài động vật, thực vật quý hiếm.

Chiếc cầu khỉ bắc qua dòng kênh ở rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Thế Anh

Đây là nơi cư trú của vô số loài bò sát, loài thú và thủy sản, trong đó có các loại cò nằm trong “Sách đỏ Việt Nam” bao gồm cò lạo Ấn Độ (Giang Sen) và loài cò cổ rắn (Điêng Điểng) theo kết quả nghiên cứu của đại học An Giang. Bên cạnh đó, rừng Tràm Trà Sư còn là nơi sinh sống của hơn 80 loại dược liệu quý hiếm.

Thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 (mùa nước nổi) là thời điểm đẹp nhất để các du khách ghé thăm rừng tràm Trà Sư. Đứng trước khung cảnh nơi đây, du khách như chìm vào sắc xanh của cây cỏ, thiên nhiên và vô vàn sắc màu khác của động vật nơi đây.

Thời gian hoàn hảo để du khách “sống ảo” tại đây chính là từ 7 đến 9 giờ sáng, khi ánh mặt trời bao phủ rừng tràm, vạn vật nơi đây thức giấc làm cho “viên ngọc” Trà Sư lung linh hơn bao giờ hết. Sau đó, từ 17 đến 18 giờ chiều khi hoàng hôn buông xuống, bạn có thể đi lên đài quan sát ngắm nhìn từng đàn chim bay trở về tổ, khép lại một ngày bình dị chốn rừng cây.

Du khách “sống ảo” ở rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Đăng Khoa

Hiện tại Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư chưa có dịch vụ lưu trú. Tại đây có bố trí khu vực nhà nghỉ ở ngoài cổng vì du khách thường về trong ngày. Với du khách ở dài ngày thì bạn có thể thuê khách sạn ở Long Xuyên (khách sạn Hòa Bình, khách sạn Đông Xuyên, khách sạn Châu Khương...) hoặc ở Châu Đốc (Victoria Châu Đốc, Victoria Núi Sam Lodge...) để tiếp tục chuyến du lịch.

Thánh đường Masjid Al Nia’ Mah

Thánh đường Masid Al Nia Mah nằm bên kia cây cầu treo Masjid Al Nia’ Mah trên kênh Vĩnh An – đây là một dòng chảy nhỏ nối ra sông Hậu. Cầu được khánh thành vào tháng 9-2010, do Đại sứ quán các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất tài trợ.

Thánh đường Masjid Al Nia’ Mah thuộc làng người Chăm Châu Giang, huyện An Phú. Đây cũng là văn phòng của Ban đại diện cộng đồng Islam ở An Giang. So với các thánh đường trên, công trình này có phần đơn giản hơn. Cổng ngoài chỉ là tường rào thông thường, nhưng các kiến trúc bên trong vẫn giữ nét đặc trưng cửa mái vòm, các tháp hình bầu dục của các thánh đường nơi đây.

Tòa nhà hành chính của người Chăm ở Thánh đường Masjid Al Nia’ Mah. Ảnh: Thế Anh

Làng người Chăm Châu Giang thuộc huyện An Phú, là nơi sông Mekong đổ vào đất Việt và chia tách thành hai nhánh sông Tiền, sông Hậu. Đây cũng là nơi tập trung cộng đồng người Chăm lớn nhất ở An Giang. Những nét văn hóa truyền thống của người Chăm tại đây vẫn còn được lưu giữ như: duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống cùng tục sinh sống nhà sàn. Người dân nơi đây theo tín ngưỡng Hồi giáo với những phong tục, nét văn hóa rất riêng.

Người làng Chăm rất coi trọng khu vực Thánh Đường vì nơi đẫy diễn ra những nghi lễ quan trọng. Mỗi năm người Chăm đều cần thực hiện tháng Ramadan nhịn ăn, thực hiện cầu nguyện mỗi ngày 5 lần.

Từ thành phố Châu Đốc, chỉ mất hơn 5 phút đi phà là du khách đã có mặt tại xã Châu Giang. Để thuận tiện cho quá trình tham quan Thánh đường Masid Al Nia Mah và trải nghiệm văn hóa Chăm, du khách có thể lựa chọn resort Victoria Châu Đốc là nơi lưu trú. Đây là một resort 4 sao nằm trong thành phố Châu Đốc, được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp cổ điển, hướng view nhìn thẳng ra ngã ba sông Hậu.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối