(SGTTO) – Blogger du lịch Hoàng Lê Giang được biết đến là người Việt đầu tiên chinh phục Bắc Cực và nhiều lần thám hiểm dãy Himalaya.

Anh Hoàng Lê Giang (32 tuổi, sống tại TPHCM) từng có thời gian du học Thụy Điển. Những tưởng cuộc sống của một du học sinh sẽ ổn định, sau đó là công việc văn phòng, song câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống đã thôi thúc anh bắt đầu những chuyến đi. Anh chia sẻ về những chuyến hành trình của mình với Sài Gòn Tiếp Thị ngay trong những ngày mắc kẹt tại Na Uy vì dịch Covid-19.

“Sau khi du học, tôi tự hỏi mình, ý nghĩa cuộc sống là gì và đâu là cách sống phù hợp với mình?” – anh Lê Giang mở đầu câu chuyện – “Việc trải nghiệm một vùng đất lạ, hòa nhập vào cuộc sống mới khiến tôi thấy thú vị. Tôi không muốn những ngày nhiều năng lượng nhất của mình chỉ dành cho công việc!”

Anh Hoàng Lê Giang đã làm việc công sở 10 năm, dành dụm tiền cho những chuyến đi lớn. Vừa đi làm, anh vừa tranh thủ dịp nghỉ lễ đi du lịch. Cách đây hơn một năm, anh nghỉ việc hoàn toàn để đi những chuyến dài ngày. Để trang trải, anh làm một lúc hai công việc, làm thêm ngoài giờ và cuối tuần. Anh còn nhận đăng những bài quảng cáo trên mạng xã hội.

Anh kể: “Khi đi Thụy Điển học theo diện học bổng, chuyến du lịch một mình đầu tiên là lúc học năm thứ ba”. Khi đó anh 19 tuổi, tự mình tìm cách hòa nhập cuộc sống mới, không có người thân hay ai chỉ bảo bên cạnh. Anh nói, bản thân phải học từ cách di chuyển bằng xe buýt, tự nấu ăn, tự lên kế hoạch hàng ngày.

Hoàng Lê Giang say mê những nơi có thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Lê Giang say mê những nơi có cảnh vật hoang sơ, đặc biệt là những ngọn núi. “Tôi thích leo núi. Đầu tiên là vì tôi thích chụp hình cảnh núi non, thích nhìn bình minh, hoàng hôn trên núi. Mỗi khi đi núi tôi như được thanh lọc, không có mạng, không có sóng điện thoại nên tôi có nhiều thời gian tĩnh lặng hơn”, anh chia sẻ.

Khi đặt mục tiêu thám hiểm các ngọn núi, anh có động lực tập thể dục. Việc tập luyện thường xuyên còn giúp anh đủ sức khỏe vượt qua căn bệnh suyễn di truyền.

Dù đã đi nhiều nơi nhưng anh Lê Giang đặc biệt yêu thích khung cảnh Bắc Âu. Với anh, mỗi điểm đến đều có nét đẹp riêng. Nhưng chỉ có Na Uy, Nepal và Ladakh (Ấn Độ) khiến anh quay trở lại liên tục. Các địa danh này chinh phục anh bởi cảnh thiên nhiên, những dãy núi tuyết và con người hiền lành và chân tình.

Anh Hoàng Lê Giang cho rằng những chuyến đi của anh chưa thể gọi là khám phá hết một đất nước. Với anh, việc chỉ đi đến một vùng hay một tỉnh nào đó chưa thể thấy hết nhiều khía cạnh, cảnh đẹp bốn mùa. Anh chỉ nhận rằng bản thân đến thăm những địa danh, ngọn núi này, chứ không dùng từ “chinh phục”. Như vậy, số lượng điểm đến cũng không còn quan trọng.

Chọn khám phá những nơi hoang sơ, blogger du lịch Hoàng Lê Giang không ít lần gặp nguy hiểm. Có lẽ lần động đất ở Nepal là tình thế hiểm nghèo nhất mà anh đối mặt.

Tuy nhiên, anh cũng không làm gì tốt hơn việc giữ bình tĩnh và ở yên một, hai ngày chờ các cơn dư chấn qua đi rồi tiếp tục hành trình. Anh kể: “Tôi và các bạn còn kêu gọi quyên góp hỗ trợ mua gạo và lương thực cho những người mất nhà cửa”.

Để có được những bức ảnh ấn tượng, anh Giang đã rút kinh nghiệm từ nhiều chuyến đi. Anh sử dụng máy ảnh và điện thoại để “tác nghiệp”. Anh thường đi dạo tìm góc đẹp rồi canh thời điểm mây, gió, nắng trong ngày hoặc cũng có khi may mắn chụp được khoảnh khắc. Anh cũng dùng các phần mềm chỉnh sửa có sẵn để xử lý thêm tùy theo cảm xúc truyền tải. Anh quan điểm, nên tận dụng tối đa các thiết bị sẵn có, luôn sạc đầy pin, trạng thái sử dụng tốt nhất chứ không nhất thiết phải là thiết bị đắt tiền.

Theo anh, khó khăn nhất của mỗi chuyến đi là có tinh thần vững vàng, chuẩn bị cho mọi thay đổi. Trong chuyến đi Ladakh (Ấn Độ) năm 2018, đường bị tuyết vùi không đi được, anh phải thảo luận với bên hỗ trợ, hủy kế hoạch cũ và đi một cung đường mới.

Anh nhận định: “Nếu không chuẩn bị tinh thần thì sẽ hoang mang và thấy chuyến đi bị hỏng. Nhưng nếu nghĩ tích cực và linh hoạt hơn, đây là một trải nghiệm khó quên”.

Trong thời gian nhiều quốc gia cách ly xã hội, anh Hoàng Lê Giang lại có thêm trải nghiệm khi mắc kẹt tại Na Uy và sống cùng người bản địa. Cuộc sống tại đây được anh ví như chuyến “mắc kẹt ở thiên đường” với bầu không khí trong lành và nhịp sống êm ả.

Xa nhà từ 23-3 đến nay, anh đã trải qua 2 lần cách ly tại nơi quá cảnh và Na Uy để đến được Finnmark, phía Bắc nước này.

Không tìm được chuyến bay trở về quê hương, anh được người dân bản địa cho ở nhờ. Đổi lại, anh giúp họ chăn tuần lộc và một vài công việc khác: quay phim chụp ảnh, chở đồ trên núi, nấu ăn, đi lấy củi. “Cuộc sống hằng ngày không điện, còn nước lấy từ suối, đốt củi sưởi ấm giữa bốn bề tuyết trắng lãng mạn và dữ dội”, anh kể .

Sau những lần gặp nguy hiểm, blogger du lịch Hoàng Lê Giang đúc kết: cần bình tĩnh trước mọi biến cố, có các số điện thoại cần thiết nếu bị mất cắp, tai nạn; cần báo cho bạn bè hay người thân điểm đến và cố định thời gian liên lạc để họ biết nơi cuối cùng anh xuất hiện là ở đâu. Tùy vào điểm đến, người du lịch mạo hiểm cần chuẩn bị chỗ ngủ và lộ phí chi tiết, phù hợp.

Anh Lê Giang thường chọn điểm đến đẹp theo mùa, tránh thời tiết quá nóng hay quá lạnh. Để tiết kiệm, anh sẽ tìm bạn đồng hành hoặc ở nhà nghỉ nhỏ, tự mua đồ siêu thị nấu ăn, di chuyển phương tiện công cộng…

Tuy yêu khám phá, song anh vẫn khó lòng vượt qua cảm giác đơn độc trong những chuyến đi dài ngày. Anh thấy nhớ món ăn Việt Nam và người bạn gái của mình, dù có những người bạn đồng hành.

 

Những chuyến khám phá giúp anh Hoàng Lê Giang thay đổi nhiều quan điểm như định nghĩa về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống ở mỗi thời điểm. Trong tương lai, anh dự định rủ một số bạn bè đồng hành trong những chuyến khám phá bằng mô tô tại New Zealand và Trung Á, Mông Cổ, Nepal và Na Uy.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây