Thứ hai, Tháng mười một 11, 2024

Ẩm thực trực tuyến: Tiện nhưng chưa lợi

(SGTT) - Đặt món ăn qua các ứng dụng công nghệ, tìm kiếm những quán ăn ngon, học nấu ăn, khám phá ẩm thực bốn phương... thông qua Internet thịnh hành hơn ở thời 4.0.

Vào khoảng năm 2012, các trang blog về ẩm thực chuyên giới thiệu các địa điểm ăn uống như Foody, Địa Điểm Ăn Uống, Lozi… xuất hiện; tiếp sau đó là sự ra đời của các kênh YouTube, các Food-blogger… Và cũng bắt đầu từ đây, người ta chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc máy vi tính có kết nối Internet là có thể ngồi ở nhà tìm kiếm mọi thông tin liên quan đến việc ăn uống khắp thế giới.

Từ tìm quán, đặt món... đến học nấu ăn

Theo sự phát triển của công nghệ số, các trang web, trang blog chuyên về ẩm thực luôn không ngừng cải tiến hình thức sao cho bắt mắt hơn, thu hút nhiều người theo dõi hơn. Cụ thể, những video hay hình ảnh giới thiệu thức ăn, đồ uống, quán xá… được các trang ẩm thực đầu tư ở các khâu kỹ thuật dựng hình, chỉnh sửa màu sắc sinh động và hấp dẫn, khiến người xem nhìn thấy sẽ muốn tìm đến thưởng thức món ăn đó ngay.

Đặc biệt, các điểm đến và món ăn được giới thiệu trực tuyến (online) - thường được đánh giá theo các tiêu chí như chất lượng món ăn, vị trí, không gian, giá cả, dịch vụ - cho phép người xem đưa ra các ý kiến đánh giá về dịch vụ, chất lượng món, để lại các lời bình luận. Các nhóm ẩm thực trên Facebook cũng là nơi mà những tín đồ ăn uống có thể tự chia sẻ kết quả trải nghiệm của mình và xem các lời bình luận thực tế khác, hạn chế yếu tố quảng cáo của thương hiệu.

Việc đặt thức ăn qua ứng dụng cũng đã trở thành xu hướng thưởng thức ẩm thực dành cho những người bận rộn và thích sự tiện lợi. Tuy xuất hiện đã lâu, nhưng phải đến 2019, các ứng dụng đặt hàng trực tuyến này mới dần được hoàn thiện và được tối ưu hóa cả về tốc độ vận chuyển lẫn chất lượng hàng hóa. Grab-food, Go-food, Now.vn và tân binh Beamin là những ứng dụng giao thức ăn trực tuyến hàng đầu hiện nay, với nhiều mức ưu đãi giảm đến 50% hoặc không tính phí giao hàng từ hàng ngàn địa điểm kinh doanh ẩm thực khắp thành phố.

Ngoài thông tin về quán xá, đặt thức ăn qua mạng, người yêu thích ẩm thực còn có thể tự học cách nấu nhiều món ăn từ các video, blog cá nhân hoặc cộng đồng “người đam mê nấu nướng”. Video hướng dẫn nấu ăn thu hút khán giả hơn nhờ hình ảnh sinh động, trực quan kèm phần hướng dẫn chi tiết. Nhiều “đầu bếp online” còn đưa các video dạy nấu ăn của mình thành sản phẩm giải trí, thậm chí là sản phẩm kiếm tiền dựa vào sự sáng tạo các công thức mới.

Thay đổi cách tiếp cận

Sự phát triển của Internet và công nghệ đã làm thay đổi cách tiếp cận ẩm thực của những người thích ăn uống. Cụ thể, ngày nay, nếu muốn tìm địa điểm phục vụ món ăn mà mình ưa thích, nhiều người chỉ cần lên mạng và gõ thông tin tìm kiếm như tên món ăn, vị trí, giá cả… là có ngay vô vàn lựa chọn phù hợp với nhu cầu. Hay như muốn học cách nấu một món ăn bất kỳ, bạn chỉ cần mở điện thoại, tìm kiếm từ khóa tương ứng là đã có trong tay công thức, thành phần và dễ dàng làm ngay tại căn bếp nhà mình mà không cần phải đến trường lớp học bài bản.

Đặt biệt, sự ra đời của việc đặt thức ăn giao tận nơi thông qua các ứng dụng công nghệ đã khiến người bận rộn lẫn người “lười” đi ăn thở phào nhẹ nhõm vì không lo… đói. Chị Nguyễn An (23 tuổi) cho biết chị thường xuyên đặt món ăn qua ứng dụng xe ôm công nghệ. Theo chị, bên cạnh sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, các ứng dụng này còn thường xuyên có mã giảm giá và hiển thị những địa điểm ăn uống gần nhất, giúp chị chủ động chọn quán ăn sao cho chi phí giao hàng là thấp nhất có thể và đồ ăn khi đến tay chị vẫn còn nóng sốt.

Tương tự, chị Minh Anh (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng là tín đồ ẩm thực theo xu hướng… online. Chị đánh giá dịch vụ giao - nhận thức ăn này khá tiện lợi. “Có người giao hàng tới tận cửa, chẳng phải lo đường xa, lo trời mưa nắng. Chưa kể đến việc được nhận nhiều mã giảm giá, nếu đi ăn tại cửa hàng đôi lúc lại thấy đắt hơn”, chị Minh Anh nói.

Chia sẻ về việc học nấu ăn qua mạng Internet, anh Thế Nguyên (21 tuổi, ngụ tại Biên Hòa), cho biết anh từng học làm bánh thành công qua kênh Savoury Day Kitchen. Anh nhớ lại, khi các video clip trên mạng xã hội chưa phát triển, anh thường xem các blog ẩm thực và tự học làm bánh từ kênh này. Đến khi YouTube phát triển rầm rộ, anh chỉ cần ngồi tại nhà là đã có thể tiếp cận đa dạng các kênh dạy nấu ăn khác lẫn tìm hiểu về ẩm thực bốn phương. “Tôi thấy học nấu ăn qua mạng đáp ứng được nhu cầu nấu ăn tức thời, kiểu như mình đang thèm, đang muốn làm món này, món kia thì chỉ cần tìm video hướng dẫn rồi đi chợ là xong”, anh chia sẻ. Ngoài ra, anh Thế Nguyên còn đánh giá cao cơ hội được tiếp cận và khám phá nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau thông qua Internet; cũng như việc tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ phải bỏ ra nếu tham gia các lớp dạy nấu ăn bài bản. Anh còn hào hứng cho biết vừa học được bí quyết sơ chế hải sản của một food-blogger trên YouTube mà trước đó chưa từng biết qua.

Không đồng tình hoàn toàn với anh Thế Nguyên, chị Hoàng Yến (36 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức) cho rằng việc học nấu ăn qua mạng Internet còn tùy thuộc vào năng khiếu của mỗi người. Cá nhân chị khoảng nửa năm nay đã xem nhiều công thức từ cộng đồng nấu ăn như Feedy, Cooky… nhưng vẫn có nhiều món nấu không thành công. “Tôi nghĩ những người đăng tải công thức có thể không phải đầu bếp có chuyên môn, nên đa phần tôi chỉ xem đó là người chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng để tôi theo dõi và tự đúc kết”, chị nói. Tuy nhiên, chị vẫn cho rằng mạng Internet là phương tiện giúp mọi người tìm hiểu về ẩm thực rất tiện và rẻ: “Thời tôi còn trẻ, muốn học nấu ăn là phải học qua mẹ, bà hay hiện đại lắm là qua ti vi, còn bây giờ chỉ cần chiếc điện thoại là đủ”.

Tiện lợi nhưng cần lưu ýChia sẻ kinh nghiệm khi xem các trang đánh giá ẩm thực, chị Nguyễn An cho biết: “Tôi từng thích xem trang Foody vì thấy có nhiều dữ liệu về hàng quán ở khắp thành phố. Tuy nhiên, về độ xác thực thì tôi nghĩ không nên tin tưởng quá nhiều vào hình ảnh đẹp”. Chị kể, có lần chị đến ăn thử quán pizza được cộng đồng mạng “truyền tai nhau khen nức nở” nhưng khi đến, chị phát hiện đây chỉ là pizza loại đông lạnh có trong các siêu thị. Đây là lý do mà nhiều người được khuyến khích cần tìm hiểu thông tin đa dạng, có chọn lọc để tránh bị “đánh lừa thị giác”.Còn với chị Minh Anh ở quận Bình Thạnh, điều khiến chị không hài lòng khi đặt thức ăn qua mạng là về chất lượng món ăn. Đặt trên mạng vì thấy hình ảnh đẹp, đôi khi nhận được thức ăn mà chị dở khóc dở cười vì “tuy một mà như hai”, chẳng giống gì với ảnh giới thiệu. “Có lúc còn thiếu đồ ăn kèm, quên nước chấm khiến tôi thấy không được thoải mái như ở quán ăn. Một điểm hạn chế khác là tài xế làm dịch vụ đặt món nhận đơn với người dùng có thể bị mất liên lạc. Hôm trước tôi mới đặt bánh xèo đến công ty. Tôi mạnh dạn ấn giao hàng, thấy có người nhận cũng yên tâm. Mười lăm phút sau, mở ra thấy đơn đã bị tài xế giao hàng hủy mà chẳng hiểu vì sao”, chị Minh Anh chia sẻ một trải nghiệm không vui của mình.
Một số kênh ẩm thực thú vị
  • Bếp Cô Minh (132.000 lượt đăng ký): hướng dẫn nấu món Việt đúng chuẩn.
  • Helen’s Kitchen (506.000 lượt đăng ký): hướng dẫn nấu ăn với nguyên liệu dễ tìm, dễ làm và lành mạnh.
  • Culinary Frank's Food Channel (194.000 lượt đăng ký): giới thiệu các video ẩm thực kiểu ASMR (“autonomous sensory meridian response”, tạm dịch là “phản ứng kích thích cảm giác tự động”).
  • Gorden Ramsay (12,9 triệu lượt đăng ký): hướng dẫn nấu ăn kiểu nhà hàng tại nhà.
  • Savoury Days Kitchen (240.000 lượt đăng ký): hướng dẫn làm bánh từ cơ bản đến nâng cao.

Nhi Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ứng dụng công nghệ, chia sẻ cơ sở dữ liệu trong...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý...

Sau Uber, Baemin, đến lượt Gojek ngừng hoạt động tại Việt...

0
(SGTT) - Dịch vụ xe công nghệ Gojek thông báo sẽ ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ giữa tháng 9 này...

Cảnh báo giả mạo văn bản trên ứng dụng VssID

0
(SGTT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ra thông báo tình trạng giả mạo văn bản, yêu cầu cập nhật ứng dụng...

Từ 1-8 có thể đăng ký xe qua ứng dụng VneID...

0
(SGTT) - Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình với...

Ra mắt Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online mini app...

0
(SGTT) - Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online chính thức ra mắt ứng dụng...

Nhà hàng tìm cách thích nghi khi các ứng dụng đồ...

0
(SGTT) - Cuộc chiến của các ứng dụng giao đồ ăn, đặt món trực tuyến (Food Apps) ngày càng cạnh tranh hơn khi chỉ...

Kết nối