(SGTT) – Chỉ là những viên đá tự nhiên được cư dân ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam đào lấy lên từ nền đất tại chỗ khi khai khẩn đất đai để làm nền nhà, làm lối đi hay trồng trọt rồi cài chất lại thành bờ, thành vách cho con ngỏ của nhà mình, vậy mà những con ngỏ đá này được xem là hồn cốt, là biểu trưng của vùng quê trung du này. Ở Quảng Nam hễ nói xứ ngỏ đá là ai cũng biết đó là vùng quê Tiên Phước, là xứ Tiên có con sông Tiên… nước chảy ngược dòng(*).
Ngỏ đá di sản của cha ông để lại.
Để giữ lại con ngỏ đá di sản của cha ông như thế này, con cháu đời nay đã mở lối riêng để có thể đưa xe cộ vào nhà.

Chừng mươi, mười lăm năm nay, khi cái đẹp của những con ngỏ đá trăm năm của cư dân vùng Tiên Phước được phát hiện,  những làng quê khu khuất nơi những thung cao lũng thấp này đã dần trở nên là những nơi gọi mời khách du tìm đến. Có những con ngỏ dốc cao  hay quanh ngặt khiến phải khó tay lái hay nhọc bước chân người mới đến. Nhưng rồi nét đẹp của những viên đá tự nhiên được cài chất hài hòa với từng thế đất thấp cao hòa cộng vào cái tươi mát của cây vườn xứ sở trung du đã đem đến ngay sự dễ chịu cho du khách. Và có lẽ họ nhận ra ngay tại sao chủ nhà đã giữ lại những con ngỏ đá nguyên sơ thay vì uốn nắn, thay đổi hình thế con ngỏ với những loại vật liệu mới. 

Tươi mát giậu chè tàu và các cây kiểng lá nơi con ngỏ đá.

Là “di sản” được truyền lại từ cha ông, những  con ngỏ đá gắn liền với trang sử lập cư và khai khẩn đất này của cư dân. Những làng mạc ở Tiên Phước hầu hết đều nằm quanh đồi núi đều là những thung lũng hẹp, lòng đất chứa đầy các loại đá phong hoá lớn –  nhỏ, khi khai vỡ để làm nền, làm lối đi hay trồng trọt, người ta phải đào trục đá lên. Để không bõ công đào đá khó nhọc, cư dân đã dùng chúng kè chất thành bờ ngăn đất vườn thành những thửa nhỏ theo độ cao/thấp để chống trôi rữa, xói mòn đất. Nhưng có lẽ những viên đá được lấy lên từ bàn tay khai vỡ của người mở đất lập cư trước hết đã được dùng cài chất những con ngỏ với những lối đi dài – ngắn được họ coi là phần kiến trúc làm đẹp cho cảnh quan của ngôi nhà mới được dựng lên.

Tảng đá – ghế ngồi lý thú thường có bên con ngỏ.

Như là biểu trưng văn hoá, những con người biết chất cài những viên đá không góc cạnh, không kích cỡ cố định thành những tường thành, bậc cấp có đường nét, có bề mặt phẳng phiu cho những bờ ngăn, con ngỏ chính là những con người biết chuộng cái đẹp chân phương, giản dị, biết chế ngự, thắng vượt những khó khăn, bất lợi của thiên nhiên nhưng lại cũng biết giao hòa, tuỳ thuận với thiên nhiên. Ở xứ ngỏ đá Tiên Phước bao đời nay ai cũng có một ngôi nhà đẹp trong một khu vườn, dù chỉ là mái tranh vách đất vẫn sạch sẽ tinh tươm. Quý con ngỏ như quý mái nhà, để điểm trang cho con ngỏ đá, họ đã đổ đất giữa hai bờ đá để trồng những giậu chè tàu, giâm bụt hay những cây kiểng lá nhiều màu chạy dài từ cổng ngỏ đến tận sân. Sắc màu, đường nét của những giậu cây trên khung nền của đá với rêu phong đã thêm nét bình yên, thanh thoát cho một tiểu giang san, thêm được sự hoà hợp giữa con người với một thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng đầy thoáng đạt, tĩnh tại của một cõi trung du.

Rải rác có những ngôi nhà cổ còn lại nơi miền ngỏ đá xứ Tiên.

Đi trên những con ngỏ thoải dài rợp bóng cây che, mỗi mùa nghe một mùi hương đưa lại, hơn ở đâu hết, có lẽ ngỏ đá là nơi níu chân người bước chậm để thưởng thức những sắc hương mà ngàn cây từ vườn nhà và rừng xa gởi đến. Trầm hương, trẩu, quế, cau, chè, hồ tiêu, bưởi, quýt, lòn bon, nhãn, mít… mà thiên nhiên đã ưu ái riêng cho vùng đất xứ Tiên những loại cây có giá trị kinh tế cao vì phẩm chất trội vượt mà không một vùng quê nào ở đất Quảng có được.

Thật lý thú cái ý tình của thiên nhiên: những loại cây chịu chân nơi vùng đất  nầy một phần là để làm đẹp cho những con ngỏ đá với hoa trái, bóng râm và cả tiếng muông chim. Những lúc làm đồng về hay phút nghỉ tay giữa buổi làm vườn, những phiến đá lớn dưới tán cây nơi con ngỏ là chỗ ngồi quen thuộc của người trong làng.

Đến thăm xứ ngỏ đá, thế nào du khách cũng được cư dân mời đãi những loại trái cây theo mùa vốn là thổ sản của họ, nhất là bát nước chè tươi luôn sẵn có. Dạo quanh những khu vườn, bách bộ trên những con ngỏ thoải cao, nhìn ra những đồi núi biếc xanh phơn phớt sương mù, giữa tiếng chim êm đềm và hương cây thoáng nhẹ, có lẽ ấn tưọng nhất với khách là vị ngọt của một phiến quế, của vài hạt tiêu mà họ bứt để thưởng thức từ những chồi quế, chồi tiêu sà vào tay người.

Càng ấn tượng hơn, khi từ những đỉnh gió – những con ngỏ đá nằm vời vợi ở đầu thung – chợt nghe lại những câu ca được người xuôi quen hát về cái xứ ngõ đá mà họ đã đặt ở đó nhiều ít những yêu thương, gắn bó:

“Có duyên (mới) lấy đặng chồng nguồn /Ngồi trên ngỏ đá có buồn cũng vui…”, “Ai về nhắn với nậu nguồn, mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên…”…

Và thấy quên hết cái hút heo xa khuất của xứ nguồn, thấy đáng yêu biết bao những con người biết hát câu chân cứng đá mềm, biết nâng niu giữ gìn từng hạt đất để giữ mạch liền cuộc sống đến ngàn sau khi đã đổ mồ hôi cài xếp những viên đá trên khoảnh vườn, con ngỏ, trên  dốc núi, trên con đường chung hay lối đi riêng.

Huỳnh Văn Mỹ

——————————————-

(*) Sông Tiên đoạn chảy qua huyện Tiên Phước (rồi hợp vào sông Thu Bồn) chảy triện về hướng Tây, cư dân gọi sông Tiên nước chảy ngược dòng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây