(SGTTO) – Tôi trở lại núi Sam của An Giang, nơi có miễu Bà Chúa Xứ nổi tiếng cùng ngã ba sông chia nhánh hai dòng Tiền – Hậu để tạo thành 9 con rồng huyền thoại. Trong cái gió chướng non hây hây, dòng nước phù sa lấp loáng những mảng bèo trôi, tâm trí tôi thật thảnh thơi khi đứng trên đỉnh núi ngó mông lung toàn cảnh đồng lúa rực sắc vàng trong nắng chiều.
Hoàng hôn nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: N.K.
“Thưởng thức” gió chướng

Tôi đi theo Nghĩa – anh chàng hướng dẫn viên có âm giọng rặt miền Tây. Cảm giác thật vui nhộn khi cậu đưa cả nhóm lên đỉnh núi ngắm toàn cảnh đồng ruộng núi non trong cơn gió chướng thổi dào dạt.

Người dân viếng miễu Bà Chúa Xứ. Ảnh: Dương Thuỷ

Mỉm cười khi bị mọi người vặn vẹo vì sao gọi là gió chướng, Nghĩa cho biết: “Danh từ gió chướng qua cách nói của cư dân Nam bộ nhằm điểm chỉ những cơn gió thổi ngược từ biển vào sông Tiền – sông Hậu, bắt đầu từ tháng 11 đền tháng 3 năm sau”. Những cơn gió này đem cả thủy triều luồn lách vào sông rạch, tạo nên hiện tượng dồn nước mặn vào hạ lưu sông, vì thế các loài thủy sinh, thủy sản ở miệt này cũng ứng phó để thay đổi môi trường sống cho phù hợp con nước.

Cổng vào khu vực miễu Bà Chúa Xứ. Ảnh: Dương Thuỷ

Khi ấy, con cá dứa sẽ bơi theo dòng biển lấn sâu vào sông, đi tìm những trái mắm rụng trôi theo dòng nước kèm các loại rong tảo vỗ béo cơ thể.

Đặc biệt, khi bơi sâu vào sông, cá dứa được gọi thành cá bông lau vì theo kinh nghiệm của các lão nông câu loại cá này kể lại, cứ ngó đám bông lau ra hoa nở trắng là chuẩn bị xuồng lưới đi bắt cá dứa ngược sông. Dần dà người miền Tây chỉ quen gọi cá bông lau và quên mất loại cá này từng ở biển.

Nghe Nghĩa nói, cả nhóm chúng tôi đều mê mẩn và ước, nếu có duyên trở lại An Giang vào cuối năm, nhóm sẽ được trải nghiệm những cảm xúc riêng, khi theo chân các lão nông săn tìm, câu cá bông lau trên sông Hậu.

Chuyện tình con sam và huyền thoại Bà Chúa Xứ

Sau gần một giờ, nhóm tôi đã lên đến đỉnh núi Sam. Chúng tôi ngồi bệt, thi nhau ngửa mặt hứng cơn gió mát rượi. Nghĩa chỉ cho chúng tôi xem vị trí bệ thờ nơi từng được phát hiện bức tượng Bà Chúa Xứ linh thiêng qua lời kể đầy tôn kính.

Tương truyền từ hàng vạn năm trước, nơi đây chưa có đất mà chỉ là biển cả xanh biếc bao la. Lúc bấy giờ, cách đó khoảng cả trăm dặm, tức đảo Koh Trai mà nay ta quen gọi là Phú Quốc, có một thương gia đi qua vùng biển này bị đánh đắm thuyền bè. Ơn trời, ông đã trôi dạt vào đảo, tạm cư tại đó với nỗi lo sợ vô biên. Riêng người vợ trẻ, khi hay tin thuyền của chồng bị đánh đắm, cô đã ra biển khóc thương thảm thiết.

Tượng thờ vị Thống chế Nguyễn Văn Thoại. Ảnh: Dương Thuỷ

Khi ấy, bỗng có một cơn gió lạ cuốn theo đám mây trắng ngay trước mặt, Phật bà Quan âm hiện ra ban cho cô viên ngọc ốc và dặn ngậm vào miệng, nhắm mắt khấn “Ngọc ơi hãy đưa ta đi gặp chồng”.

Người vợ khấn nguyện, ngay lập tức, sau khi nghe gió ngừng thổi, chừng mươi phút sau cô mở mắt đã thấy người chồng đứng ngay trước mặt mình. Cô cõng chồng lên vai rồi ngậm ngọc bay lên không trung. Nhưng người chồng mở hí mắt hoảng sợ, người vợ trấn an làm rơi ngọc và cả hai đều rơi xuống biển.

Quá xót thương đôi tình nhân thương yêu nhau không rời, Phật hóa phép nâng biển thành ruộng đồng và biến xác cả hai thành một ngọn núi mang hình con Sam, bởi mái tóc người vợ được thắt lại. Vì thế, ngọn núi này có hình ảnh khá lạ bởi một rừng cây dài như chiếc đuôi sam. Từ đó, cái tên Núi Sam đã ra đời.

Bên trong lăng Thống chế Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: N.K.

Còn theo các nhà nghiên cứu, trong thư tịch cổ của triều Nguyễn ghi rằng ngọn núi này còn có tên là Học Lãnh sơn. Sách còn chép rằng khi vị Thống chế án thủ Châu Đốc đồn Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại lập đàn cúng các vong linh bỏ mạng trong việc đào kinh Vĩnh Tế trên đỉnh núi này nên người ta còn gọi nó là Vĩnh Tế sơn.

Với quan niệm của cư dân miền Tây, họ cho rằng người phụ nữ luôn mang nhiều trọng trách từ việc hỗ trợ công việc cho chồng, sinh con và dạy dỗ. Hầu như các cư dân Mê Kông xưa tin tưởng rằng mọi dân tộc đều được tạo dựng bởi 3 nữ thần bao gồm: bà mẹ đất, bà mẹ thủy giới và bà mẹ địa phủ.

Dần dà, từ niềm tin và lòng tôn trọng, họ đã xây dựng chế độ mẫu hệ thống trị xã hội. Lang thang du khảo miền Tây, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nghe các địa danh bắt đầu bằng “cái, bà, nàng” là chủ yếu. Như Cái Cam, Cái Sâu, Cái Chanh, Cái Sắn; Nàng Mau, Bà Đắc, Bà Tồn, Bà Chúa Xứ, Bà Bộ…

Được biết, các cư dân Phù Nam, Chân Lạp, Kh’mer đều theo chế độ mẫu hệ nên mọi địa danh luôn mang ý nghĩa: tất cả là của “bà” sinh ra và tạo thành, còn ông chỉ là thần thụ hưởng.

Khung cảnh yên bình nhìn từ núi Sam. Ảnh: N.K.

Riêng huyền thoại về Bà Chúa Xứ, dù được nghe nhiều về truyền thuyết cư dân tìm được pho tượng trên đỉnh núi linh thiêng nhưng trong lòng tôi luôn cồn cào một ý nghĩ. Có lẽ, từ xa xưa, cư dân nơi đây đã cảm phục công đức cùa bà Châu Thị Tế – vị chánh thê đầy nhân hậu của Thống chế án thủ Châu Đốc Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Bà đã mất trong những ngày gian khổ cùng nhân dân, đào đắp nên con kinh Vĩnh Tế lưu danh sử sách.

Đọc các bia công đức, người xưa ghi rõ: Khi được vua Gia Long giao việc trấn thủ và đôn đốc xây dựng công trình thủy lợi giúp dân đi lại và dẫn nước để tưới tiêu, công đức của hai vợ chồng Thoại Ngọc Hầu đã được các sắc dân từ Kh’mer, Chân Lạp, Việt và cả Chăm Pa vô cùng kính trọng.

Cũng trong thời gian này, mọi người cũng tìm thấy một tượng thần Vishnu trên đỉnh núi Sam. Thống chế Nguyễn Văn Thoại đã ra lệnh lập một miễu nhỏ tôn kính Phật trời. Đồng thời ông cũng lập nghi thức làm lễ cúng tế các vong linh, bởi trong hành trình đào đắp kinh Vĩnh Tế, nhiều cư dân đã qua đời bới các bệnh như sốt rét và bị thú độc tấn công.

Chuyện lạ xảy ra là khi rước tượng từ đỉnh xuống núi, theo truyền thuyết có một người dân đi xem đã “nhập đồng”, tuyên xưng mình là Bà Chúa Xứ qua lời dạy: muốn rước được tượng để thờ thì phải mời 9 cô gái đồng trinh gánh kiệu, khi dây kiệu đứt ở đâu thì hãy xây miễu ở đó.

Nếu làm đúng, Bà Chúa sẽ đời đời yên vị tại đây và ban phước lộc cùng niềm an lành cho mọi người đến cầu xin ơn bà giáng phúc. Và thực tế cho đến nay, ngôi miễu Bà Chúa Xứ núi Sam được xem là điểm hành hương được xem là đệ nhất của miền Tây Nam bộ.

Dương Thủy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây