Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Xin đừng làm bác sĩ mất hứng!

Nguyễn Xuân Tuấn Anh(*) –  

Phàm ở đời làm việc gì mà có hứng thì làm mãi không chán và hiệu quả công việc lắm khi không ngờ tới. Mấy ai mà không biết tên siêu quậy Chí Phèo và bát cháo hành lừng danh của Thị Nở, ai mà lòng không man mác khi nhìn những đồi tím hoa sim rập rờn khi đoàn quân đi ngang chợt nhớ đến “nàng”, người em gái có ba người anh đi bộ đội ra đi mà mãi không về, hay nức nở rên rỉ qua bản Dạ cổ hoài lang và mấy ai không trầm mặc trước mái ngói tường rêu của tranh phố Phái…

Để tạo nên những danh tác như vậy, ắt hẳn các thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ phải có hứng dữ lắm và các bác sĩ nhà ta cũng vậy thôi: phải có hứng thì chữa bệnh mới mát tay.

ts_120726_doctor_thinking_bom_300x225

Mấy ai vui vẻ khỏe mạnh mà đi khám bệnh làm gì, bạn chỉ đến gặp bác sĩ khi bạn bị đau. Và nhiệm vụ của bác sĩ là phải trả lời câu hỏi: tại sao người bệnh này bị đau, chuyện gì đang rối beng trong thân thể họ. Công việc đó gọi là chẩn đoán. Để đưa ra một chẩn đoán, bác sĩ sẽ “hỏi cung” bạn và “sờ nắn” bạn. Các thầy thuốc y học cổ truyền cũng vậy, họ áp dụng tứ chẩn: vọng-văn-vấn-thiết. Vọng là nhìn, quan sát khí sắc tươi tắn hay ảm đạm; văn là nghe, là ngửi, là nếm xem tiếng nói, tiếng ho, mùi hơi thở, mồ hôi…; vấn là hỏi bệnh và thiết là bắt mạch và sờ nắn.

Bạn có biết là chỉ cần hỏi bệnh, người ta có thể chẩn đoán được tới 60% các trường hợp, do đó xin bạn hiểu một vài nguyên tắc trong khâu “vấn” để bác sĩ đỡ mất hứng mà lại chẩn bệnh sơ sài hoặc tìm cách chuyển bạn cho phòng xét nghiệm hay siêu âm.

Câu hỏi sống còn: “Bạn thấy khó chịu gì mà đi khám bệnh?”. Chúng ta gặp bác sĩ để khiếu nại sao cái đầu nhức quá, ngực nặng như đá đè, cái tay tự nhiên yếu đi, bụng sôi réo òng ọc hay chân sưng phù… Có 1.001 lý do nhưng thường nhất là đau và mệt. Vậy bạn hãy kể cho bác sĩ nghe điều gì làm bạn thấy phiền phức, thấy không khỏe chứ đừng như trường hợp sau đây.

Bệnh nhân qua giới thiệu của ai đó hẹn khám bệnh. Trước khi khám nhắn tin rằng đã từng uống toa X, Y, Z của bác sĩ A,B,C. Rồi ngày N, giờ G đã điểm, người đàn ông trung niên, bệ vệ, sơ mi trắng toát, bỏ áo trong thùng, thân thể thơm thơm mùi Armani bước vào phòng khám. Ông khoan thai móc từ chiếc cặp Samsonite 3 tập hồ sơ, cộng lại dày khoảng 50 tờ giấy đặt lên bàn. Bác sĩ cũng lại chào và hỏi câu hỏi sống còn: bạn thấy gì không khỏe mà đi khám bệnh.

Bệnh nhân vừa đưa tập hồ sơ vừa trả lời: tôi bị hở van 2 lá, 3 lá, loạn nhịp tim, rối loạn dung nạp đường. Bác sĩ cầm tập hồ sơ dầy cộp, cái màu xanh của bệnh viện T., cái màu đỏ của bệnh viện D., còn màu vàng là của bệnh viện C., cùng những toa thuốc ngoằn ngoèo ký bởi các phó giáo sư, tiến sĩ chuyên gia hàng đầu mà ngao ngán, tuột mất cảm xúc. Mất hứng rồi. Tại sao? Thưa bạn, công việc chẩn đoán nó thú vị y như Điệp viên 007 phá án vậy đó. Từ manh mối này, ta theo dõi tìm ra manh mối khác và cuối cùng la to Eureka, bắt được thủ phạm rồi. Còn cái kiểu khai bệnh hay tự chẩn đoán trước cũng y hệt như mới lật trang đầu tiên mà đã biết ngay tên nào hiếp cô X, giết ông Y. Mà đã biết bệnh rồi thì tiếp tục chữa trị đi chứ tìm thêm bác sĩ làm gì nhỉ?

Vấn đề là ở chỗ những gì bạn nghĩ, những chẩn đoán mà bạn hằng tin tưởng, những phác đồ mà bạn đang theo nó trật lất, nó không là nguyên nhân của cái đau khổ trong lòng bạn. Hãy trao cho người thầy thuốc cái nhiệm vụ dò tìm căn bệnh của bạn một cách hào hứng chứ đừng ép bác sĩ ấy theo suy nghĩ của bạn nhé.

Các bạn biết không, khi bạn khai đau (đầu, ngực, bụng…) người thầy thuốc sẽ hỏi tiếp đau ở đâu, từ hồi nào, đau kiểu gì đều đều như điệu slow hay vũ bão như lambada, ăn vô đau hay đói đau… Và sau khi hỏi, họ bắt đầu móc ống nghe ra nghe, lấy tay sờ nắn chỗ đau… và cuối cùng họ sẽ phát biểu cảm tưởng: sau khi hỏi và khám, tôi nghĩ rằng bà con cô bác bị… Tới đây chắc ai cũng hồi hộp lắm, thế là ríu ra ríu rít, vậy có sao không bác sĩ, có nguy hiểm không, chữa được không (bác sĩ quắc mắt gắt gỏng: hỏi gì mà lắm thế ai mà biết được. Thôi đi ra mau đi để tôi khám người khác. Xin lỗi bạn tôi nhầm, đoạn bác sĩ gắt gỏng là giả tưởng thôi nhưng lại thường gặp hiện nay). Bác sĩ sẽ giải thích và cho toa hoặc đề nghị làm thêm một số xét nghiệm.

Nhờ hỏi bệnh mà ta biết là đau đầu này là do căng cơ chứ không phải viêm xoang như ta nghĩ, đau ngực là do viêm khớp sụn sườn chứ không phải đau tim, nhói nhói giữa tim lại do suy nhược thần kinh chứ không phải hở van hai lá… Có cả trăm cái nguyên nhân đau đầu, cũng cả trăm nguyên nhân đau ngực và 1.001 nguyên nhân đau bụng các bạn ạ.

Khi bác sĩ hướng đến một chẩn đoán, bác ấy sẽ chứng minh (hoặc loại trừ) bằng một số xét nghiệm như thử máu, siêu âm hay chụp X quang.

Cuối cùng sau một buổi tra hỏi bệnh nhân như hỏi cung, khám bệnh nhân nhanh như điện, xét nghiệm ào về như nước lũ, bác sĩ tổng hợp tất cả bằng chất xám của mình và hí hoáy ra toa (kê đơn). Sau cùng ký cái rẹt và đưa bạn toa thuốc với nụ cười đầy thỏa mãn, đầy cảm hứng vì đã tìm ra bệnh.

Tháng sau, bệnh nhân tái khám, niềm vui, cảm hứng tăng gấp bội khi nghe: bác sĩ ơi toa gì mà như thuốc tiên vậy, uống vào là khỏe liền! Tất nhiên, đây là trường hợp bạn gặp bác sĩ tử tế, hỏi bệnh kỹ lưỡng, thăm khám cẩn thận, cho xét nghiệm ít thôi và toa thuốc hợp lý.

—————–

(*) Thạc sĩ-bác sĩ, hiện đang giảng dạy tại bộ môn Nội, trường Đại học Y Dược TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng với...

Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé...

0
(SGTT) - Mùa hè 2024 sắp đến, du lịch quí 1 có nhiều khởi sắc, tăng tưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng...

0
(SGTT) – Trong nhiều món ăn truyền thống của người dân Thái Lan, Gaeng Keow Wan Kai được nhớ đến bởi từng thớ thịt...

Thái Lan: Áo thun từ vảy cá, nội thất từ gỗ...

0
(SGTT) - Gom vảy cá làm chất liệu may áo thun, thu thập những chiếc áo khoác da cũ để thiết kế giày hay...

Danh thủ Dunga, Rivaldo đến Đà Nẵng giao lưu, cùng kích...

0
(SGTT) – Trong tháng 4 này, các danh thủ Brazil nổi tiếng một thời như Dunga, Rivaldo, Lucio, Ze’ Carlos, Giovanni, Kleberson, Edmilson, Paulo...

Kết nối