Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Xây dựng thương hiệu từ nỗ lực lan tỏa tinh thần doanh chủ bền vững

Với mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy một cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Trường Đại học Hoa Sen và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức chuỗi hội thảo The Entrepreneur Talk nhằm mong muốn lan tỏa những kinh nghiệm điều hành của các doanh nhân, thúc đẩy sự thành công cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

The Entrepreneur Talk là một trong những dự án đồng hành cùng các doanh nghiệp đạt giải thưởng “Thương hiệu Vàng TPHCM” do Sở Công Thương TPHCM phối hợp Trường Đại học Hoa Sen và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Với chủ đề “Xu hướng kinh doanh hiệu quả 2023” số đầu tiên của chuỗi hội thảo được tổ chức vào ngày 28-4 tại Trường Đại học Hoa Sen. Đến với hội thảo, khán giả sẽ được trao đổi về các mô hình và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp tiêu biểu.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: “The Entrepreneur Talk là tâm huyết rất lớn từ Giải thưởng “Thương hiệu vàng TPHCM.” The Entrepreneur Talk rất vinh dự khi là một chương trình tiếp nối các giá trị của Giải thưởng “Thương hiệu vàng” và truyền cảm hứng từ tri thức của các doanh nhân đã có nhiều trải nghiệm xây dựng thương hiệu đến với các thế hệ kế thừa”.

Trường Đại học Hoa Sen tin rằng đây là cơ hội vàng dành cho các sinh viên, học viên vì không gì sánh bằng học tập từ chính các tình huống thực tiễn của các doanh nghiệp, từ những va đập, từ những thành công và cả những khó khăn đã trải qua, đặc biệt là giai đoạn Covid 19 vừa qua.

Với nhiều chủ đề khác nhau ở mỗi kỳ, Ban tổ chức kỳ vọng cùng với các doanh nhân sẽ mang chuỗi hội thảo The Entrepreneur Talk đến nhiều trường đại học khác trên địa bàn TPHCM.

Tại chuỗi hội thảo “The Entrepreneur Talk” số đầu tiên, đại diện một số doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM cùng các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá về xu hướng kinh doanh hiệu quả năm 2023.

Thách thức của thương hiệu Việt

Thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng đem đến sự thành công của doanh nghiệp. Để xây dựng một thương hiệu có hiệu quả, bà Trần Tuệ Tri, Tổng giám đốc Pharmacity, thành viên Ban điều hành AVSE Global, cho biết lời nói phải đi đôi với thực làm, chiến lược thương hiệu tốt cần phải có tính chân thật, phù hợp với đối tượng phục vụ và lan toả đến cộng đồng. Đặc biệt, thương hiệu phải có tính bền vững, nuôi dưỡng và phát triển lâu dài vì việc xây dựng thương hiệu không chỉ thực hiện trong vài tháng hoặc một năm, mà doanh nghiệp phải lưu giữ trong nhiều năm liên tục.

Theo bà Trần Tuệ Tri, Tổng giám đốc Pharmacity, thương hiệu tốt cần phải có tính chân thật, phù hợp với đối tượng phục vụ và có tính lan toả đến cộng đồng.

Bên cạnh những khó khăn tồn tại, các doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều cơ hội để xây dựng thuơng hiệu sản phẩm dịch vụ. Theo bà Tri, thứ nhất là doanh nghiệp có thể tập trung vào những ngành mũi nhọn của Việt Nam để tạo ra hệ sinh thái đi cùng với nhau. Một trong số những ngành mà nước ta có thể tập trung là ẩm thực, nông nghiệp. Với ngành ẩm thực, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một “bếp ăn ngon và sạch của thế giới” vì nước ta có một ngành nông nghiệp với chuỗi thực hiện từ nông trại đến bàn ăn.

Thứ hai, theo nghiên cứu của Google đánh giá hành vi khách hàng tìm kiếm trên nền tảng này, hiện giới trẻ Việt Nam bắt đầu quay lại với các thương hiệu trong nước. Cụ thể, 50% người tiêu dùng là thế hệ GenZ bắt đầu ủng hộ thương hiệu Việt – những sản phẩm thể hiện được giá trị bản sắc của dân tộc. Đồng thời, số lượt tìm kiếm thương hiệu Việt Nam trong ngành may mặc tăng hơn 10%. Đây chính là cơ hội của thương hiệu trong nước. Thị trường nội địa rất lớn với 100 triệu dân luôn thị trường tiềm năng cho những thương hiệu Việt.

Doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ

Nói về tình hình kinh tế hiện nay, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cũng là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng doanh nghiệp có thể biến nguy thành cơ. “Để có thể phát triển bền vững trong năm 2023 và trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp cần nhìn nhận lại về những gì đã đạt được ở giai đoạn trước. Đối với Saigon Co.op, trong giai đoạn dịch Covid 19 diễn ra, doanh nghiệp cũng đã mở thêm nhiều cửa hàng để đầu tư cho thương hiệu của mình, đầu tư cho sự gắn kết và giúp khách hàng hiểu thêm về thương hiệu. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng đã đầu tư chi phí vào phát triển công nghệ, chuyển đổi số để duy trì sự ổn định trong giai đoạn khó khăn và tạo nền tảng để mở rộng hơn trong tương lai.”

Theo ông Đức, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ năng lực của mình thông qua việc rà soát các hoạt động hiện tại để có thể đánh giá đúng hiện trạng và từ đó đưa ra chiến lược phù hợp trong thời gian sắp tới. Ngoài ra ông Đức cũng nhấn mạnh về việc các doanh nghiệp có thể phối hợp để tạo ra hệ thống sản xuất, nhà phân phối, chuỗi cung ứng chặt chẽ để tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững và cùng nhau phát triển thành công.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op và ông Võ Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Truyền thông và Công nghệ Việt Nam (Vinatech) chia sẻ về việc thúc đẩy doanh nghiệp vận hành hiệu quả.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những chiến lược phát triển khác nhau dựa trên quy mô và kích cỡ của mình. Ở góc nhìn của một nhà lãnh đạo của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Võ Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Truyền thông và Công nghệ Việt Nam (Vinatech), chia sẻ để có thể kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2023, các doanh nghiệp cần phải biết thích nghi và có những thay đổi để có thể phù hợp với xu thế trong thời đại ngày nay.

Theo đó, doanh nghiệp cần phải biết thay đổi về phương thức làm việc, trong đó vai trò của người lãnh đạo và doanh nghiệp cần tham gia làm việc nhiều hơn và truyền được cảm hứng đến cấp dưới. Nhờ vào các ứng dụng công nghệ, phương thức làm việc cũng có nhiều thay đổi và thuận tiện hơn trong việc liên lạc, xử lý công việc, thiết lập cuộc họp… Ngoài ra, doanh nghiệp cần có những thay đổi về cách tiếp cận thị trường, biết kết hợp và chia sẻ với các đối tác phù hợp để có thể giảm thiểu các chi phí.

Doanh nghiệp cần phát triển bền vững

Ngoài thay đổi phương thức làm việc, ông Trần Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket, cho biết để phát triển bền vững, yếu tố nhân lực vận hành đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra một đế chế hàng trăm năm với đội ngũ kế thừa. Tuy nhiên, đối với công ty cổ phần sẽ gặp khó khăn hơn khi thay đổi cơ cấu cổ đông, có thể ảnh hưởng đến thương hiệu.

Từ những khó khăn nêu trên, ông Ngân cho rằng để một thương hiệu phát triển tốt và thành công trên thị trường, doanh nghiệp phải hội tụ đủ năm yếu tố là chất lượng sản phẩm phải đứng hàng đầu; sau đó tạo ra sự kết nối liên kết các sản phẩm; mang lại lợi ích hài hoà cho số đông như cộng đồng xã hội, người lao động…; biết địch biết ta và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để cho ra đời các sản phẩm chất lượng tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng. Lấy ví dụ từ công nghệ Plasma độc quyền của Miliket, ông Ngân tin rằng việc tìm kiếm được đối tác phù hợp cũng sẽ giúp công ty nâng tầm thương hiệu và chinh phục được các thị trường quốc tế khó tính.

Các khán giả tham gia chương trình cũng rất hào hứng với những chia sẻ với các diễn giả và cũng đã đặt ra nhiều vấn đề từ chính doanh nghiệp của mình đến với đại diện của các doanh nghiệp. Buổi hội thảo đã có những trao đổi sôi nổi và thú vị không chỉ từ các diễn giả mà còn từ các đại diện khách mời, học viên thạc sĩ và sinh viên của Trường Đại học Hoa Sen và các doanh nghiệp, các trường đại học khác trên địa bàn TPHCM.

Ông Trần Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển thương hiệu là cần mang lại lợi ích hài hoà cho số đông như cộng đồng xã hội, người lao động…

Trong thời gian tới, chuỗi hội thảo The Entrepreneur sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần khai phóng cũng những nhà lãnh đạo đến với công chúng. Trường Đại học Hoa Sen phối hợp Sở Công thương TPHCM và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp đạt giải thưởng “Thương hiệu vàng TP.HCM” và các doanh nghiệp tiêu biểu tại đưa ra nhiều chủ đề hấp dẫn và mang lại giá trị tri thức cho cộng đồng doanh nghiệp và sinh viên.Bên cạnh đó, chương trình mong muốn tạo động lực khuyến khích tinh thần doanh chủ, khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên và học viên cao học; từ đó giúp các bạn trẻ có được tầm nhìn, tư duy, kiến thức của một nhà lãnh đạo, dám sẵn sàng đương đầu với những thử thách và bứt phá thành công trong sự nghiệp.

Minh Thảo

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối