Hà Phong -
Mùa này, du khách đổ về chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đông hơn, để ngắm “rừng phong lá đỏ” thật đẹp bao quanh ngôi chùa cổ.
Một góc chùa Thanh Mai với những cây đại nhiều năm tuổi.
Chùa Thanh Mai là danh thắng nổi tiếng nằm trên sườn núi Phật Tích, cao khoảng 200 m, với đường đi khá lắt léo, quanh co. Từ quốc lộ 18 rẽ theo đường tỉnh 398B khoảng 12 km là tới Đồng Châu, nơi ngôi chùa tọa lạc. Cách đây khoảng bảy năm, con đường này toàn đất đỏ. Bây giờ đường đã được trải bê tông, đi lại thuận tiện hơn.
Những tán lá bừng sắc đỏ giữa trời.
Rừng bao quanh chùa Thanh Mai có nhiều loại cây, nhưng trong đó độ bao phủ của cây phong khá lớn. Tới mùa đông, khu rừng chuyển dần sang màu đỏ vàng, giống những rừng phong lãng mạn thường thấy ở nước ngoài.
“Táo hậu, hay còn gọi cây sau sau, cây thau, là loại cây thường dùng làm thuốc. Từ quả, lá cho tới rễ, nhựa của cây đều có thể sử dụng. Nhựa cây còn dùng trong sản xuất hương. Chúng tôi không quen gọi táo hậu là phong, nên khi du khách hiếu kỳ tới hỏi “rừng phong” thì chả ai biết cả”, thầy Thích Đạo Khiết, trước kia là sư trụ trì chùa cho biết.
Các cây chuyển màu không đều, có cây chỉ còn lại quả, cây khác mới bắt đầu vàng.
Theo anh Hoàng Văn Nam, một thầy thuốc nam có nhà gần ngôi chùa, táo hậu thuộc loài phong, thân thẳng, mọc rất cao, không tỏa tán quá rộng như loài khác. Lá có ba nhánh, khác với lá phong có 5-7 nhánh. Lá đổi màu khi trời chuyển lạnh. Như mọi năm, tầm giữa tháng 12, rừng táo hậu bắt đầu ngả vàng. Nhưng năm nay, mùa đông khá ấm, tận đầu tháng 1 mới có vài cây lác đác chuyển đỏ. Sự chuyển màu của cây không đồng đều, nên có khu vực rừng đã đỏ rực, có chỗ vẫn xanh rì. Nơi tập trung nhiều và chuyển màu đồng đều nhất, có thể kể đến trạm của ban quản lý. Đây cũng là nơi khách phương xa tới gửi xe và bắt đầu tản bộ lên chùa.
Gần đây, vào mùa lá đỏ, chùa Thanh Mai có nhiều khách du lịch hơn. Đa phần là các bạn trẻ tò mò về một “rừng phong” ở Việt Nam. Nguyễn Thị Ny, một người ở địa phương này, dẫn bạn bè phương xa về nhà chơi, cũng ghé qua rừng phong lá đỏ. “Năm nay khách đến đông hơn hẳn, cũng mừng. Nhưng mình thích một Thanh Mai yên tĩnh, lặng lẽ hơn. Các bạn đến đây đem theo đồ ăn, leo tận đỉnh núi rồi nổi lửa nướng thịt. Mình sợ các bạn không cẩn thận mà cháy rừng”, Ny nói.
Chỉ hai tuần nữa là rừng táo hậu chuyển sang màu áo đỏ. Không gì tuyệt hơn một buổi sáng tinh khôi trên đỉnh núi chậm từng bước chân lạo xạo trên thảm lá đỏ rực và ngắm nhìn “rừng phong” ở Việt Nam. Trước khi về, đừng quên dùng thử một chén nước lá dung ngọt lịm, trò chuyện dăm ba câu với người bản địa và ép vài tấm lá phong vào sau cuốn sổ tay. Chắc hẳn đó sẽ là một chuyến đi thú vị và mới mẻ giữa mùa đông này.