Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Uổng phí nguồn trị bệnh hiểm nghèo

HOÀNG NHUNG –

Bên cạnh ngân hàng tế bào gốc nói chung và tế bào máu cuống rốn nói riêng do Nhà nước đầu tư với mục đích sử dụng trong việc điều trị các bệnh hiểm nghèo, hiện nay còn có dịch vụ lưu giữ máu cuống rốn đối với những người có nhu cầu để sau này chữa bệnh cho chính họ hay người trong cùng gia đình khi cần thiết. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn chưa thu hút nhiều người tham gia.

IMAG0630Kỹ thuật viên đang hạ nhiệt và lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn bằng hệ thống tự động BioArchive tại ngân hàng tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TPHCM.

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TPHCM, cho biết máu cuống rốn còn gọi là máu dây rốn, hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ, là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh con. Máu cuống rốn được bệnh viện thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ để dùng điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo.

Bác sĩ Dũng dẫn ra một số trường hợp đã sử dụng nguồn tế bào gốc này trong việc điều trị bệnh. Chẳng hạn, năm 1995, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TPHCM thực hiện ca ghép tế bào gốc tủy xương cho bệnh nhân bị ung thư máu, đến nay người bệnh này vẫn còn sống. Năm 1996, bệnh viện tiếp tục ghép tế bào gốc máu ngoại vi điều trị cho bệnh nhân ung thư máu (bạch cầu cấp dòng tủy). Năm 2002, ghép thành công tế bào gốc máu cuống rốn, điều trị cho bệnh nhân thiếu máu di truyền.

Tính đến nay, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TPHCM đã thực hiện cấy ghép và điều trị bệnh bằng tế bào gốc khoảng 210 ca, chủ yếu là những bệnh huyết học như ung thư máu (bạch cầu, tiểu cầu cấp và mãn), bệnh lý ung thư hạch ác tính, bệnh lý đau tủy xương, loạn xương tủy… Ngoài ra, bệnh viện còn điều trị những bệnh lý lành tính như suy tủy xương có chỉ định cấy ghép, và các bệnh di truyền.

Hiện ngân hàng tế bào gốc của Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TPHCM lưu trữ được 3.000 mẫu hiến tặng. Tuy nhiên, ngân hàng không thể lấy hết mẫu hiến tặng do chi phí xử lý và lưu trữ rất tốn kém (22,1 triệu đồng/mẫu xử lý ban đầu, chưa tính chi phí lưu trữ những năm sau). Mặt khác, đầu tư một bộ thiết bị lưu trữ nhỏ cũng trị giá đến 8-9 tỉ đồng. Do đó, ngân hàng chỉ nhận hiến tặng tế bào gốc theo từng đợt, theo khả năng lưu trữ của ngân hàng.

Còn đối với việc người dân tự lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn qua hình thức dịch vụ vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Nguyên nhân một phần do chi phí gửi tế bào gốc vẫn còn khá cao so với thu nhập của nhiều người. Ngoài ra, nhiều người chưa tìm hiểu về lợi ích khi tham gia hình thức này. Theo thống kê của Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TPHCM, hiện bệnh viện mới chỉ lưu trữ khoảng 1.500-2.000 mẫu máu cuống rốn dịch vụ.

Chi phí lưu trữ bao gồm chi phí ban đầu để thu thập dữ liệu tế bào gốc cuống rốn cho sản phụ khoảng 2,5 triệu đồng, chi phí dành cho bộ kít thu thập máu và mô dây rốn khoảng 1,7 triệu đồng. Sau khi thu thập về tách chiết, điều chế và lưu trữ sẽ bỏ thêm chi phí 17,9 triệu đồng, và mỗi năm sau đó phải đóng khoảng hơn 2,5 triệu đồng/năm để duy trì tình trạng lưu trữ đông lạnh.

Tại TPHCM, hiện có hai đơn vị cung cấp dịch vụ lưu giữ tế bào gốc là Bệnh viện Truyền máu-Huyết học nhận giữ máu dây rốn, và Ngân hàng tế bào gốc Mekostem nhận lưu giữ hai loại gồm máu dây rốn và màng dây rốn.

Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết, hiện bệnh viện có chính sách hỗ trợ cho những người có con trước bị bệnh và sinh thêm con thứ hai khi gửi tế bào gốc được giảm 30% chi phí.

[box] Với quy trình lưu trữ tế bào gốc, khoảng hai tháng trước khi sinh con, thai phụ sẽ đến bệnh viện để được tư vấn, sau đó nếu đồng ý thai phụ sẽ ký hợp đồng với Bệnh viện Truyền máu-Huyết học về việc lưu trữ tế bào gốc. Đến khi sinh, bệnh viện sẽ đến thu thập mẫu mang về xử lý và lưu trữ. [/box]

Theo bác sĩ Dũng, ngành y tế cũng như ngân hàng tế bào gốc cần truyền thông nhiều hơn nữa để người dân có thông tin về việc lưu giữ tế bào gốc, thông qua việc phát tờ rơi, vận động bác sĩ sản khoa giải thích và thuyết phục các sản phụ và gia đình tham gia dịch vụ này.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng để phát triển việc lưu trữ tế bào gốc không huyết thống, Nhà nước cần đầu tư kinh phí nhiều hơn. Bên cạnh chương trình hiến máu tình nguyện thì cần có thêm chương trình vận động người hiến tủy và hiến tế bào gốc tự nguyện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Tổ chức ngày Chung tay gói quà trước thềm Caravan lần...

0
CLB Doanh nhân 2030 tổ chức Ngày Chung tay ráp 200 xe đạp, gói quà, dán decal… chuẩn bị cho hành trình về Kon...

Buýt vi vu: 4 địa điểm nên dừng chân khám phá...

0
(SGTT) - Đình Đông Phú, hội quán Sùng Chính, chùa Sùng Quang hay công viên Đầm Sen… là những điểm du khách có thể...

Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất...

0
(SGTT) - Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thanh đạm với bún gạo...

0
(SGTT) – Bún gạo lứt kết hợp cùng nước lèo thanh ngọt từ xương heo hoặc gà mang đến cho thực khách bữa trưa...

Sinh viên Pháp đến Huế trải nghiệm múa rối nước

0
(SGTT) - Nhóm sinh viên 10 người đến từ Pháp đã có thời gian học trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước truyền thống...

Kết nối