Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Trưa nay ăn gì: lạ miệng mì lạnh Hàn Quốc cho ngày oi bức

(SGTTO) - Chỉ cần nghe qua tên gọi cũng có thể đoán được, món mì lạnh Hàn Quốc sẽ rất thích hợp cho mùa hè. Món mì này có hương vị lạ miệng bởi nước súp bò hoặc heo lạnh đặc trưng, có vị chua, ngọt, mặn và thanh nhẹ. 

Món mì lạnh được người Hàn ăn trong mùa hè. Ảnh: internet.

Mì lạnh tại Hàn Quốc được gọi là Naengmyeon. Trong tiếng Hàn, “naeng” có nghĩa là lạnh còn “myeon” có nghĩa là mì. Người Hàn thường chế biến rất nhiều loại mì và biến tấu nước súp, hương vị theo mùa. Nếu món mì kim chi nóng hổi, cay nồng phù hợp cho mùa đông thì món mì lạnh chắc chắn dành cho mùa hè.

Mì lạnh có nhiều phiên bản khác nhau. Nhưng điểm đặc trưng nhất là nước dùng được ướp lạnh hoặc bỏ đá viên. Sợi mì để dùng nấu mì lạnh có màu nâu nhạt, sợi mảnh, có độ dai, dài và không dính vào nhau.

Có hai loại mì lạnh: Mì lạnh nước (mì Bình Nhưỡng) có mì sợi làm bằng bột kiều mạch, trộn thêm chút bột khoai tây hay khoai lang. Mì lạnh nước ăn với nước kim chi lạnh hay nước thịt luộc để lạnh. Khi ăn, người ta cho thêm thịt heo hay thịt bò luộc thái lát mỏng và trứng gà luộc, cũng có nơi ăn với thịt gà luộc xé nhỏ. Mì lạnh trộn có mì sợi làm bằng bột khoai tây hay khoai lang (mì Hàm Hưng). Mì sợi loại này rất dai và dẻo. Người Hàn thường trộn ăn kèm với gỏi cá đuối, tương ớt.

Món mì lạnh được bày với vắt mì cuộn tròn, thịt bò hoặc heo luộc, xếp thêm trứng luộc, dưa leo xắt sợi và chút củ cải muối, đôi lúc là kim chi. Hương vị mì lạnh ban đầu sẽ khiến thực khách hơi lạ lẫm. Nhưng nếu là tín đồ của mì sợi, chắc chắn bạn không thể bỏ qua món mì đặc biệt này. Sợi mì dai, ăn kèm rau củ và thịt luộc sẽ khiến cho món ăn thanh đạm, không gây ngán trong những ngày oi bức. Người ta thường ăn mì lạnh nước hơn là mì lạnh trộn để có cảm giác mát lạnh hơn.

Trong sợi mì lạnh nước có thành phần bột kiều mạch. Đây là loại ngũ cốc có giá trị dinh dưỡng cao. Kiều mạch (hay còn gọi là tam giác mạch, lúa mạch đen) được tìm thấy đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó, cây kiều mạch được đem trồng lan ra Trung Đông, Tây Tạng và châu Âu. Loại hạt này chứa nhiều tinh bột, chất đạm, chất xơ, canxi, magie và các vitamin C, B6, chất chống oxy hóa. Hàm lượng chất xơ cao trong kiều mạch hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Nhiều nghiên cứu cho rằng, những người bị bệnh tiểu đường, béo phì cũng có thể dùng kiều mạch để thay thế tinh bột chuyển hóa nhanh như cơm, bún, phở. Vì chúng có carbonhydrate hòa tan, tên gọi là D-chiro-inositol, giúp hỗ trợ tăng hiệu suất hoạt động của insullin và dinh dưỡng trong chúng giúp no lâu.

Sợi mì dùng làm mì lạnh Hàn Quốc có thành phần kiều mạch bổ dưỡng.

Có thể mua sợi mì lạnh bán sẵn trên các trang thương mại điện tử theo từ khóa "mì lạnh Hàn Quốc". Hiện thị trường còn có sẵn gói mì lạnh kèm nước súp dạng mì ăn liền rất tiện lợi. 

Ngoài ra, mì lạnh cũng là món ăn khá phổ biến trên các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến. Với từ khóa tìm kiếm "mì lạnh", bạn có thể tìm được cho mình một phần mì lạnh nhanh chóng và tiện lợi. Theo đó, một phần mì có giá bán khoảng 40.000-120.000 đồng tùy thương hiệu quán. Một số quán ăn bán mì lạnh được đặt nhiều trên các ứng dụng là Mì lạnh Yoo Chun (quận 7), Sai Sai Ramen (quận 1), Mì Hàn Quốc (quận 4), Korean Fast Food (quận 2)...

Bạn cũng có thể trổ tài nấu món mì lạnh đặc trưng xứ kim chi tại nhà, với những nguyên liệu biến tấu dễ tìm.

Cách nấu mì lạnh Hàn Quốc.

Ngoài mì lạnh, bạn cũng có thể tham khảo thêm món cơm trộn bibimbap hơn trăm tuổi của Hàn Quốc, đăng trên Trưa nay ăn gì ngày 7-4-2020.

Nhi Vũ tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối