Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2024

(SGTT) - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại bởi nhiều yếu tố rủi ro bất định, nền kinh tế Việt Nam còn tồn tại những khó khăn riêng cản trở sự phát triển.
Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng để cải thiện khi năng suất lao động vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Ảnh: T.L

Còn đó những rủi ro bất định toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu bước vào năm 2024 với nhiều khó khăn tồn tại và thử thách nghiêm trọng. Mức tăng trưởng sẽ chậm lại, thấp hơn so với các thập kỷ trước vì nhiều lý do.

Bốn năm sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch. GDP toàn cầu năm 2023 sẽ thấp hơn khoảng 3,4% (tương đương 3.700 tỉ đô la Mỹ) so với GDP dự đoán trước khi có dịch. Sự mất mát này được phân bố không đồng đều. Mỹ là nước duy nhất đã hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch. Châu Âu vẫn còn tăng trưởng dưới 2,2% và Trung Quốc 4,2% so với trước Covid-19.

Đáng chú ý là 73 nước nghèo có lợi tức thấp (low income countries – theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)) bị mất đến 6,5% GDP vì đại dịch. Sự mất mát này sẽ không hồi phục lại được. Nói cách khác, Covid-19 đã khiến các nước nghèo tăng trưởng chậm lại, và bị tụt hậu rất nhiều trong nỗ lực phát triển. Thêm khoảng 100 triệu người đã bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.

Cuộc tranh chấp chiến lược và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành hai khối – nghiêng về Mỹ hay nghiêng về Trung Quốc. Đặc biệt, chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều mặt hàng chiến lược và quan trọng đã có sự phân liệt. Nghiên cứu của IMF cho thấy trong mấy năm vừa qua, việc xuất nhập khẩu hàng hóa và sản phẩm cơ bản, giao lưu tài chính như đầu tư trực tiếp, đầu tư danh mục và cho vay ngân hàng đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn giữa các nước trong cùng khối, so với mức tăng trưởng chung cho toàn thế giới.

Các giao lưu kinh tế, tài chính bị chia cắt đã làm giảm hiệu năng của nền kinh tế, tăng phí tổn kinh doanh. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế chậm lại và áp lực lên lạm phát. IMF đã ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ bị giảm 7% trong thời gian sắp tới.

Nếu tranh chấp chiến lược Mỹ – Trung Quốc sâu sắc thêm, tạo thành các xung đột khu vực, thì ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế sẽ nặng thêm, giống như hậu quả của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, đã làm tăng giá nhiên liệu, thực phẩm trên thế giới và làm chậm tăng trưởng. Cuộc xung đột quân sự Israel – Hamas (ở Trung Đông) nếu lan rộng ra cũng có ảnh hưởng tiêu cực như thế.

Ngoài ra, các sự kiện thiên tai, thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế như gây tổn thất tài sản, mùa màng; tăng phí bảo hiểm và các chi phí kinh doanh khác.

Những yếu tố kể trên đã góp phần làm mức tăng trưởng kinh tế thế giới giảm nhiều trong thời gian qua, từ trung bình 5%/năm giai đoạn 1950-1960 xuống chỉ còn 2,5%/năm giai đoạn 2020-2024. Bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm sẽ tác động đến khả năng tăng trưởng của các nước.

Điều đáng chú ý là thương mại thế giới cũng đã tăng trưởng chậm lại. Từ những năm 1980 cho đến cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008, thương mại thế giới tăng khoảng 6-7%/năm – gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây đã là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sau đó, kim ngạch thương mại tăng chậm hẳn lại, chỉ còn tăng 0,8% trong năm 2023 trước khi hồi phục đến khoảng 3% vào năm 2024. Thương mại thế giới chậm tăng trưởng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với các nền kinh tế mở như Việt Nam (tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP rất cao, gần 200%).

Triển vọng kinh tế từng khu vực

Trong giai đoạn 2019-2023, kinh tế nhiều nước đã bị dao động rất nhiều vì tác động của đại dịch. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trung bình hàng năm ở Mỹ là 1,9% trong thời gian này, xấp xỉ với mức tăng trưởng tiềm năng (potential growth rate). Mỹ là nước duy nhất đã hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước Covid-19. Lý do chính là trong năm 2020-2021, Chính phủ Mỹ đã thực hiện chương trình kích cầu khổng lồ lớn nhất thế giới trị giá trên 5.000 tỉ đô la Mỹ. Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) cũng tung ra lượng thanh khoản lớn tương tự để hỗ trợ nền kinh tế.

Sang năm 2024, hai nguồn kích thích này sẽ bị đảo ngược. Bội chi ngân sách giảm và việc Fed đã tăng lãi suất trong gần hai năm qua – mà những ảnh hưởng chậm của nó sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Ngoài ra, các hộ gia đình ở Mỹ cũng đã tiêu hết số tiền trợ cấp do dịch bệnh (trên 2.000 tỉ đô la Mỹ) và sẽ phải bình thường hóa mức chi tiêu của mình. Vì vậy, mức tăng trưởng năm 2024 dự báo sẽ giảm xuống còn 1,5%.

Trong khi đó, khu vực đồng euro ở châu Âu vẫn tiếp tục trì trệ với GDP chỉ tăng 0,7% trong năm 2023 và dự báo 1% trong năm 2024. Đặc biệt là Đức sẽ rơi vào cuộc suy thoái kép – vào đầu và cuối năm nay; và sẽ giảm 0,5% trong năm 2024. Lý do chính là giá năng lượng và thực phẩm tăng cao do xung đột ở Ukraine; lạm phát tăng lên trên 10% buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất lên cao nhất trong nhiều thập niên qua và chính phủ phải giảm bội chi ngân sách. Việc thương mại thế giới không tăng trưởng cũng có ảnh hưởng xấu đối với châu Âu – vốn dựa vào ngoại thương rất nhiều.

Tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc đạt 4,5% trong năm năm 2019-2023, thấp hơn mức 7,5% trong thập niên trước Covid-19 nhưng bằng mức tăng trưởng tiềm năng trong giai đoạn này. Suất tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc đã giảm vì tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh đẻ giảm nhiều, làm số người trong độ tuổi lao động giảm 0,5% mỗi năm, và sẽ lên tới 0,8% trong những năm tới. Trong khi đó, mức tăng trưởng năng suất lao động cũng giảm xuống dưới 5%/năm.

Nói chung, suất tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, dự báo còn 3-4% trong giai đoạn 2026-2030 và 2-3% trong những năm 2031-2035. Dù tăng trưởng chậm lại, GDP của Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ vào năm 2035 khi cả hai lên mức 30.000 tỉ đô la Mỹ dù chậm hơn dự kiến của nước này. Thử thách lớn nhất trước mắt là tình trạng nợ quá cao. Nợ doanh nghiệp lên tới 167% GDP thuộc loại rất cao trên thế giới và nợ công (gồm cả chính quyền trung ương, địa phương và các công ty vay nợ của địa phương) bằng 95% GDP, giới hạn khả năng kích cầu của Chính phủ Trung Quốc.

Nhật Bản bất ngờ tăng trưởng 2% trong năm 2023 nhờ du lịch và xuất khẩu tăng mạnh bởi đồng yen mất giá khoảng 11,5% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, sang năm 2024, tăng trưởng kinh tế ở Nhật sẽ trở về mức 1% của 30 năm bị “mất mát” (1990-2010), nhất là khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vì lạm phát đã vượt quá 2%.

Điểm son trong tình hình kinh tế hiện nay là Ấn Độ. Nước này đã và sẽ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm nhờ các cải cách kinh tế trong thập niên trước. Tuy nhiên tác động của Ấn Độ đối với kinh tế toàn cầu giới hạn vì tỷ trọng xuất và nhập khẩu của Ấn Độ trong thương mại thế giới rất thấp, chỉ khoảng 2% so (trong khi Trung Quốc là 12,4%).

Nói chung châu Á giữ mức tăng trưởng khoảng 5% trong thời gian sắp tới, trở thành đầu tàu đóng góp 70% trong sự tăng trưởng toàn thế giới.

Các nước thị trường mới nổi (emerging markets) cũng sẽ tăng trưởng chậm lại – khoảng 4%/năm, bằng một nửa mức tăng trưởng trong hai thập niên 1990 và 2000. Các nước này đã chịu ba cú sốc liên tiếp gồm Covid-19, xung đột quân sự ở Ukraine, việc tăng lãi suất nhanh và cao của Fed và ECB…, vì vậy, đến nay vẫn chưa thể hồi phục.

Các nước lợi tức thấp (low income countries) mắc nợ quá cao (3.500 tỉ đô la Mỹ). Nhiều nước đang bị khủng hoảng nợ. Điều này khiến họ càng bị trì trệ trong nền kinh tế. Ở nhiều nước, tiền trả lãi trên dư nợ đã vượt quá 10% thu ngân sách, khiến họ phải cắt giảm các chi phí cần thiết cho an sinh xã hội, giáo dục, cơ sở hạ tầng, chưa kể đến việc đối phó với biến đổi khí hậu. Châu Phi còn phải đối phó với tình trạng bùng nổ dân số khi mỗi tháng có đến một triệu người mới tham gia vào lực lượng lao động nhưng chỉ có 25% trong số đó sẽ tìm được việc làm, theo Ngân hàng Phát triển châu Phi. Người thất nghiệp bất mãn và trở thành mối đe dọa cho sự ổn định xã hội và chính trị ở các nước này và tăng áp lực di dân đối với châu Âu.

Khó khăn của Việt Nam

2023 là một năm hết sức khó khăn cho Việt Nam, nhất là trong sáu tháng đầu năm, khi sức cầu trong và ngoài nước đều giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục trong quí 3-2023 với GDP tăng 5,3% chủ yếu do các biện pháp kích cầu của Chính phủ. Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh giai đoạn cuối năm. Nếu tiếp tục đà này, tăng trưởng 7% trong quí 4, GDP Việt Nam có thể tăng 5% cả năm 2023.

Để đánh giá triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, chúng ta cần nhìn nhận tổng quan hơn về việc kinh tế có tính chu kỳ, cùng với đó xem xét các vấn đề có tính cơ cấu đang kìm hãm sự phát triển.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trung bình 5,2%/năm trong giai đoạn đầy biến động 2019-2023. Mức này thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng hiện nay là 5,5-6%. Một số tổ chức quốc tế đã dự báo tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2023-2030. Các ước tính này dựa trên cơ sở lực lượng lao động Việt Nam tăng khoảng 1%/năm, cộng với năng suất lao động tăng 4,5-5%/năm. Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng để cải thiện khi năng suất lao động vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tất nhiên việc này không dễ thực hiện vì khuynh hướng chung của hầu hết các nước trên thế giới là càng ngày càng giảm mức tăng trưởng năng suất lao động.

Nói chung, mức tăng trưởng của Việt Nam trong một vài năm tới có thể dự báo nằm trong mức tăng trưởng tiềm năng 5,5-6%. Đây cũng là dự báo tăng trưởng của WB, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Một số người cho rằng tăng trưởng như thế là tốt rồi, tuy thấp hơn Ấn Độ một chút nhưng vẫn cao hơn các nước khác trên thế giới. Tôi cho rằng như thế là phiến diện: kinh nghiệm là các nước con hổ châu Á (kể cả Trung Quốc) đều phát triển rất nhanh trong giai đoạn đầu. Cụ thể là trong hai thập niên trước khi đạt mức GDP/đầu người 10.000 đô la Mỹ, các nước này đã tăng trưởng rất nhanh. Singapore trung bình tăng 9,4%/năm; Đài Loan tăng 8,8%; Hàn Quốc là 8,7% và Trung Quốc là 8,7%… Khi đạt mức phát triển tương đối cao như trên thì tăng trưởng mới bắt đầu chậm lại và vẫn vượt qua ngưỡng cửa 13.205 đô la Mỹ để trở thành nước thu nhập cao (theo xếp hạng của WB). Trung Quốc cũng có khả năng đạt mức này trong thời gian tới.

So với các nước kể trên, Việt Nam kém hơn nhiều. Trong thập niên đầu sau đổi mới (1990-1999) GDP tăng trưởng trung bình 7,4%/năm; đến thập niên 2000-2009 xuống 6,6%. Đó là tính theo số thống kê cũ, trước khi có sự điều chỉnh năm 2010 tăng GDP lên 25%.

Nếu Tổng cục Thống kê sửa lại số liệu GDP trước năm 2010 (chưa công bố) để hợp với số liệu sau năm 2010, khi đó, mức tăng trưởng trước năm 2010 còn cao hơn, ít nhất cũng trong khoảng 8-9%/năm. Tuy nhiên sau đó, trên cơ sở số liệu mới, GDP đã tăng trung bình 6%/năm trong thời gian 2010-2022. Điều này có nghĩa là mức tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại từ năm 2010 khi GDP/đầu người chỉ mới 1.684 đô la Mỹ. Trong năm năm gần đây nhất, 2019-2023, thì chỉ còn 5,2%/ năm, khi GDP/đầu người đạt 4.164 đô la Mỹ, một phần là vì tác động của Covid-19. Nói chung, mức tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại khi mới phát triển GDP/đầu người đến mức độ còn thấp. Nếu tăng trưởng “chậm” và “sớm” như thế, Việt Nam khó bắt kịp với các nước con hổ châu Á và nguy cơ tụt hậu sẽ tiếp tục ám ảnh.

Giải pháp cho Việt Nam

Để giảm bớt nguy cơ tụt hậu, cần phải nâng cao năng suất lao động. Cụ thể Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách kinh tế, hoàn thiện cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh, không bị lũng đoạn vì sự tham nhũng của các tập đoàn lợi ích; tăng cường hiệu năng của bộ máy hành chính; đào tạo công nhân viên có trình độ kỹ thuật đáp ứng với nhu cầu hiện nay; xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cho công nghiệp số và công nghiệp xanh, thu hút và sử dụng tốt dòng đầu tư FDI đang được chuyển hướng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng nhưng chưa được chú ý đúng mức, đó là tình trạng nợ doanh nghiệp phi tài chính đã quá cao.

Theo Sách Trắng Doanh nghiệp 2023 do Tổng cục Thống kê vừa xuất bản, tỷ lệ dư nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP luôn tăng trong thời gian qua, lên tới 255% trong năm 2021, chủ yếu là nợ trong nước (nợ nước ngoài bằng ngoại tệ chiếm khoảng 10% (hay 103 tỉ đô la Mỹ) tổng dư nợ). Tỷ lệ này cao nhất thế giới (có tỷ lệ nợ trung bình là 95%).

Tương tự như Trung Quốc (với tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP 167%), nợ doanh nghiệp quá cao làm cho thị trường tài chính và nền kinh tế mất ổn định, dễ lâm vào khủng hoảng. Tình trạng nợ doanh nghiệp quá cao rất phức tạp vì cách giải quyết nào cũng có cái giá phải trả. Khuynh hướng hiện nay của Việt Nam là giảm lãi suất, khuyến khích ngân hàng mở rộng việc cho vay, tăng tín dụng cho doanh nghiệp. Làm như thế thì có thể yểm trợ sự hồi phục của ngành bất động sản và kinh tế nói chung trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, cái giá phải trả là tăng thêm mức dư nợ của doanh nghiệp (hiện đã quá cao) và làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ trong tương lai nếu tình hình kinh tế trở nên bất lợi (như lãi suất tăng hay sức cầu và giá bán giảm).

Ngược lại, việc mạnh dạn thanh lý toàn bộ các món nợ xấu và các doanh nghiệp đã phá sản (giá trị tài sản thấp hơn mức nợ phải trả + vốn chủ sở hữu) sẽ gây cú sốc làm kinh tế chậm lại hoặc suy thoái. Nhưng trong tương lai, điều này có thể lành mạnh hóa bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp và ngân hàng, làm cơ sở để có thể tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.

Cách giải quyết trung dung của Trung Quốc đáng tham khảo khi nước này đẩy mạnh thanh lý/tái cấu trúc nợ xấu và doanh nghiệp bất động sản phá sản tới mức vừa phải mà nền kinh tế, xã hội có thể chịu được. Đồng thời, nước này kích cầu và yểm trợ có chọn lọc để đảm bảo tăng trưởng tối thiểu và đối phó với cái giá phải trả là tình trạng này có thể kéo dài thêm vài năm nữa. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong năm năm qua cho thấy việc giảm tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP đòi hỏi phải kiên trì áp dụng các biện pháp giảm tỷ lệ nợ trong thời gian dài. Trung Quốc đã giảm tỷ lệ nợ từ 163% trong quí 3-2020 xuống 158% trong quí 2-2022; nhưng sau đó đã tăng lên 167% trong quí 3-2023 – phần lớn vì Covid-19.

Nói tóm lại, cần phải giải quyết tình trạng nợ doanh nghiệp phi tài chính quá cao, nếu không, nền kinh tế luôn luôn bị đe dọa bởi khủng hoảng nợ và tăng trưởng chậm.

Trần Quốc Hùng (*)

(*) -  Kinh tế gia ở Mỹ. Tác giả xin cảm ơn TS. Vũ Quang Việt đã cung cấp tư liệu về việc sửa đổi cách tính GDP Việt Nam năm 2010 và tình trạng nợ doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối