(SGTTO) – “Bạn không thể yêu cầu mọi người hãy bảo vệ thiên nhiên hay làm những điều tốt, mà nên là người tiên phong làm những điều đúng đắn, những người khác sẽ được truyền cảm hứng và làm theo bạn”, đó là kinh nghiệm mà anh Minh Khôi (44 tuổi, sống tại TPHCM) đúc kết khi dẫn đoàn đi các tour leo núi của mình.

Trước đây, mỗi lần dẫn đoàn leo núi Bà Đen (Tây Ninh), anh Minh Khôi lại gặp nhóm du khách lớn tuổi người Hàn Quốc. Có dịp bắt chuyện với một người hay gặp nhất trong nhóm, anh biết được họ có thói quen leo núi Bà Đen vào cuối tuần, đều đặn trong suốt 10 năm. Anh Khôi cảm thấy được truyền cảm hứng và anh cũng muốn tạo niềm hứng khởi cho nhiều người khác đến với lĩnh vực du lịch trekking hơn.

Nhìn vẻ ngoài rắn rỏi, dày dạn sương gió, có ai ngờ anh Minh Khôi là vận động viên môn aerobic, từng đạt huy chương đồng tại SEA Game 2003. Bị chấn thương không thể tiếp tục thi đấu, anh chuyển sang lĩnh vực trekking. Năm 2016, anh mở công ty du lịch mạo hiểm Viet Nam Enduro Series.

Tưởng chừng như thể thao và du lịch không liên quan nhau, nhưng khoảng thời gian tập luyện trước đây đã cho anh nền tảng thể lực để có thể theo đuổi cái nghề “tốn sức” này.

Anh cho biết: “Khi bạn đi trekking, với ba lô nặng trịch trên vai, bạn phải leo núi, vượt thác, băng rừng và đi bộ quãng đường rất dài. Gần đây, khách du lịch đi tour trekking ngày một nhiều, chủ yếu là dân văn phòng ít vận động, khi đi địa hình hiểm trở sẽ gặp khó khăn ngay”.

Thỉnh thoảng trong đoàn của anh cũng có những người thường xuyên chơi thể thao nhưng một khi chưa luyện đi bộ địa hình họ vẫn bị đuối sức, chấn thương. Do đó, theo kinh nghiệm của anh, người dẫn đoàn hay chốt đoàn – người đi cuối cùng, có trách nhiệm quản lý cả đoàn – phải có sức khỏe rất tốt.

Có sức khỏe thôi chưa đủ, anh Minh Khôi còn trang bị cho mình chứng chỉ cứu hộ. Nhờ đó, các chuyến trekking của anh từ trước đến nay dù tổ chức cho người lớn hay trẻ em đều được thực hiện an toàn.

Khi tham gia tour trekking, du khách sẽ sống trong tình trạng thiếu tiện nghi. “Không cần mang theo gì cả, chỉ cần chiếc thẻ ATM” là suy nghĩ của một vài du khách khi lần đầu đi trekking. Thế nhưng nơi núi rừng chỉ có con người với thiên nhiên và thẻ ATM trở nên vô dụng.

Theo anh Khôi, chốn “rừng rú” không có sóng điện thoại nên bạn không thể cắm cúi vào màn hình be bé như mọi khi, dung lượng pin có giới hạn nên không thể xài phung phí, không được ngủ giường êm chăn ấm. Đổi lại, bạn được trải nghiệm cảm giác nằm trong túi ngủ là thế nào, dựng lều cắm trại giữa rừng thú vị ra sao, ăn cơm nấu củi và gà nướng không tẩm ướp có mùi vị thế nào.

Anh Khôi chia sẻ: “Một nhà tổ chức tour trekking thành công phải cho du khách một trải nghiệm hoàn toàn mới. Để khi trở về, họ rút ra được những điều có ích trong cuộc sống, biết chăm sóc sức khỏe của mình hơn, yêu thể thao, có thể tự xử lý khi rơi vào tình huống khó khăn, sống tiết kiệm và đặc biệt yêu quý môi trường sống xung quanh”.

Tuy nhiên, anh không truyền thông điệp này theo kiểu khuyên răn hay bắt buộc ai. Anh kể: “Khi cắm trại là lúc thuận tiện nhất để trò chuyện với nhau. Tôi thường tỉ tê với mọi người về cách rèn luyện sức khỏe, làm sao để đi được một đoạn đường dài, cách hồi phục khi bị chấn thương. Tôi chia sẻ bằng kinh nghiệm của một người từng là vận động viên, huấn luyện viên trước đây”.

Đi trekking thường xuyên, anh đặt ra nguyên tắc cho mình: không chỉ chú trọng việc giữ vệ sinh chung trong đoàn, bản thân anh còn lượm rác dọc đường đi. Anh cũng chứng kiến nhiều về tình trạng xả rác bừa bãi.

Nhưng anh không đưa túi đựng rác cho du khách và yêu cầu họ nhặt rác để làm sạch môi trường. Anh nói làm như vậy họ sẽ khó chịu và không làm theo. Thay vào đó, anh cầm bao rác và tự nhặt rác trong suốt chuyến hành trình. Du khách nào muốn giúp đỡ thì họ sẽ đề nghị anh đưa bao rác cho họ. Anh cười vui vẻ: “Cho dù không nhặt thì ít nhất họ cũng nhìn thấy và ghi nhận việc tôi làm”.

Hiện nay, các tour trekking không còn dành riêng cho người lớn, có cả tour cho gia đình và tour cho trẻ em. Điều làm anh Minh Khôi tâm đắc là “Khi các em thấy tôi nhặt pin ở dưới đất bỏ vào túi rác, sẽ thắc mắc vì sao tôi lại làm vậy, đó là lúc tốt nhất để tôi giải thích rằng pin độc hại như thế nào với môi trường. Các em sẽ ghi nhớ những điều tôi nói”.

Những hình ảnh, câu chuyện mà anh Minh Khôi thu thập được sau nhiều năm đi trekking được chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng qua group Facebook Khám phá – Trải nghiệm (vietnamenduro).

Anh lập fanpage này để truyền cảm hứng về lối sống lành mạnh, đưa mọi người lại gần thiên nhiên hơn và tạo sân chơi trong lĩnh vực trekking.

Du khách trở về từ những chuyến trekking với anh cũng thường hay chia sẻ cảm nghĩ và trải nghiệm của họ trên các trang fanpage.

 

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây