(SGTT) – Vị trí dự kiến mở bến phía Cần Giờ là cầu bến Đồng Hòa, phía Tiền Giang là thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Cự ly tuyến phà này 12km, thời gian phà chạy khoảng 30 phút với ít nhất 4 chuyến/ngày.
- Bổ sung 101 tuyến vận tải xe khách cố định kết nối 34 tỉnh thành
- Tiền Giang khai thác lợi thế, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp
TTXVN dẫn thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang lấy ý kiến về báo cáo đề xuất phương án khai thác tuyến vận tải này.
Theo phương án được đưa ra, vị trí dự kiến mở bến phía Cần Giờ là tại xã Long Hòa, khu vực cầu bến Đồng Hòa hiện hữu, trên sông Hà Thanh-Đồng Hòa gần cửa sông Soài Rạp.
Đầu bến phía Gò Công Đông là thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Hiện vị trí đầu bến Cần Giờ và Gò Công Đông đang được cập nhật vào quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang.
Tuyến phà này có cự ly 12 km, thời gian chạy phà khoảng 30 phút. Dự kiến sẽ có tối thiểu 4 chuyến/ngày mỗi chiều, thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Loại phà sử dụng có trọng tải tối thiểu 100 tấn, sức chở không ít hơn 100 khách, 50 xe máy và 10 xe ô tô.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sau khi có tuyến phà Cần Giờ-Vàm Láng, người dân từ thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (Tiền Giang) đi Cần Giờ sẽ rút ngắn được quãng đường và giảm thời gian di chuyển so với đi đường bộ theo hướng phà Cần Giờ-Cần Giuộc hiện tại.
Hiện nay nếu đi bằng đường bộ từ thành phố Mỹ Tho đi huyện Cần Giờ là 120 km, mất khoảng 3 giờ 40 phút; từ thị xã Gò Công đi Cần Giờ dài 80 km thời gian di chuyển 2 giờ 30 phút. Khi có phà Cần Giờ-Vàm Láng, cự ly di chuyển sẽ giảm được 40 km, thời gian rút ngắn được khoảng 40-50 phút, kể cả thời gian chờ phà.
Về tiến độ thực hiện, dự kiến trong quí 1-2024, nhà đầu tư sẽ được lựa chọn. Doanh nghiệp triển khai đầu tư hoàn thành trong 6 tháng. Bến phà sẽ hoàn thành đưa vào khai thác cuối quí 3-2024. Thời gian hoạt động của tuyến phà này là 15 năm.
Nguyên Tân