Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

TPHCM: 15.850 tỉ đồng hàng hóa dịp tết

Ngày 13-11, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi 2015 tại TPHCM. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị cung ứng dự kiến khoảng 15.850 tỉ đồng, tăng gấp đôi dịp tết năm ngoái.

Hàng hóa sẵn sàng

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, dự báo lượng hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với mùa tết năm ngoái. Trong tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị dịp tết, nguồn hàng bình ổn thị trường chiếm hơn 8.300 tỉ đồng, tăng gần 69,5% so với năm ngoái.

Các nguồn cung ứng hàng hóa chủ yếu phục vụ thị trường tết tại TPHCM bao gồm các \doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm thị phần 30-40%; nguồn cung từ ba chợ đầu mối và các doanh nghiệp khác chiếm thị phần còn lại. Riêng tháng cao điểm (từ ngày 20-1-2014 đến ngày 18-2-2015), dự kiến tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 9.262 tỉ đồng.

Dự báo lượng hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Ảnh: Thành Hoa
Dự báo lượng hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Ảnh: Thành Hoa

Cụ thể, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) chuẩn bị khoảng 4.614 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường khoảng 1.924 tỉ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chuẩn bị gần 982 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường chiếm 742 tỉ đồng; Công ty TNHH Phạm Tôn 411 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường chiếm 406 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Thời trang dệt may Việt Nam chuẩn bị 364 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường 164 tỉ đồng.

Bà Đào cho biết, đến nay các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi 2015. Khả năng cung ứng tăng bình quân 62,93% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 79,51% so với kết quả thực hiện Tết Giáp Ngọ 2014. Trong số đó, nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn chi phối 30-60% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (63,4%), dầu ăn (65,5%), đường (57,7%), trứng gia cầm (42,3%), thực phẩm chế biến (52,7%), rau củ quả lượng hàng chuẩn bị tăng trên 121%.

Ba chợ đầu mối cũng đã hoàn chỉnh xong kế hoạch phục vụ tết. Lượng hàng hóa nhập chợ sẽ trên 8.000 tấn/ngày vào thời điểm cận tết, tăng khoảng 50-70% so với ngày thường. Riêng chợ đầu mối Bình Điền sẽ tổ chức hội hoa xuân Tết Ất Mùi. Dự kiến có 480 gian hàng trưng bày hoa kiểng, tăng 350 gian so với tết năm ngoái.

Vị Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố cũng hoàn thành kế hoạch chuẩn bị hàng hóa tết. Những nhóm hàng thiết yếu có kế hoạch chuẩn bị tăng 2-3 lần so với tháng thường. Các doanh nghiệp sản xuất bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, bia rượu lớn cũng đã nắm chắc nguồn cung và lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường. Số lượng sản xuất tăng 20-50%, tùy doanh nghiệp. Còn tại các chợ truyền thống, Ngân hàng Sacombank chuẩn bị gói tín dụng ưu đãi 1.500-2.000 tỉ đồng với lãi suất 8%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương vay, dự trữ hàng hóa cung ứng tết.

Giám sát giá cả

Về phía giá cả hàng hóa, các doanh nghiệp đều cam kết sẽ giữ mức giá ổn định trong hai tháng trước và sau tết. Song song đó, các doanh nghiệp có hệ thống phân phối trong và ngoài chương trình bình ổn thị trường cũng có những kế hoạch giảm giá, khuyến mãi trong tháng tết và cận tết, với mức khuyến mãi 5-49%, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như trứng và thịt gia cầm, thịt gia súc, gạo...

Bà Đào cho biết, ngoài việc điều phối nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hay dư thừa hàng hóa, Sở Công Thương TPHCM còn phối hợp với các cơ quan ban ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính... theo dõi diễn biến thị trường để cân đối cung-cầu, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp sản xuất-phân phối hàng hóa tới không chỉ người tiêu dùng khu vực trung tâm mà còn ở vùng sâu, vùng xa. Qua đó, kịp thời điều chỉnh giá phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo dẫn dắt giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện các hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng gian, hàng giả, đầu cơ, găm hàng...

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa tết cho người tiêu dùng, các siêu thị tham gia bình ổn thị trường như hệ thống Saigon Co.op sẽ kéo dài thời gian phục vụ. Cụ thể, từ ngày 20 đến 26 tháng Chạp Âm lịch sẽ mở cửa 7-23 giờ, ngày 27-29 tháng Chạp Âm lịch sẽ mở cửa 6-24 giờ, riêng ngày 30 Tết mở cửa 6-12 giờ, sáng mùng 2 Tết khai trương, mở cửa 8-12 giờ. Mùng 5 và 6 Tết trở lại hoạt động bình thường.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỉ đô la,...

0
(SGTT) - Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 322 tỉ đô la, giảm 5,9% so...

Việt Nam xuất siêu gần 10 tỉ đô la Mỹ

0
Năm tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 262,5 tỉ đô la Mỹ....

Bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng...

0
Theo Tổng cục thống kê, 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so...

Hàng bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi...

0
Trong tờ trình Quốc hội, so với luật hiện hành, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã bổ sung thịt heo và sữa cho...

Các nhà bán lẻ Mỹ chuẩn bị mua hàng mới khi...

0
Các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung...

Đường đi cho trái cây Việt… gia nhập ‘câu lạc bộ’...

0
Hoạt động xuất khẩu trái cây và rau quả ngay từ đầu năm 2023 đã có những tín hiệu tích cực, hướng tới dự...

Kết nối