(SGTTO) – Chuyên gia sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung ở Đồng Nai, người sáng lập nhóm Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển nhiều năm trước, cho biết ban quản trị nhóm đã làm việc với Vườn quốc gia Bù Gia Mập ở Bình Phước và đã thỏa thuận sơ bộ về công tác cứu hộ động vật hoang dã ở vườn quốc gia này.

Căn nhà mà nhóm tình nguyện viên do nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung tổ chức dự tính làm nơi để ở cho các tình nguyện viên.

Theo đó, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đồng ý cho phép nhóm Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển xây dựng một ngôi nhà ở gần khu vực Trung tâm cứu hộ của vườn để cho các tình nguyện viên sống và làm việc và cũng là nơi để tổ chức các lớp dạy tin học cơ bản và tiếng Anh cho trẻ em nghèo dân tộc S’Tiêng ở quanh vùng đệm vườn quốc gia.

Nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung đang giảng giãi về động thực vật hoang dã cho trẻ em.

Anh Trung cho biết nhóm Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về bảo tồn rùa biển nói riêng và bảo tồn động vật hoang dã nói chung.

Ngôi nhà nói trên sẽ được hoàn tất bằng kinh phí của nhóm và một tình nguyện viên hỗ trợ. “Đây là ngôi nhà cũ hoàn toàn bằng gỗ sao, rất đẹp, nhóm mua lại của một gia đình dân tộc S’tiêng bán đi để xây nhà mới”, anh Trung nói.

Ngôi nhà sẽ được sửa sang hoàn tất vào tháng 10 và chuẩn bị để đón mỗi tuần từ 2 – 10 tình nguyện viên đến làm công tác chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã đa dạng đang được cứu hộ tại Trung tâm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập vào bất cứ thời gian nào trong năm.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 26.032 ha, vùng đệm vườn quốc gia có diện tích 15.200 ha gồm 7.200 ha thuộc tỉnh Bình Phước và 8.000 ha của tỉnh Đăk Nông.

Ngoài nhóm Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển hơn 3.000 thành viên khắp nơi trong nước đã tham gia công tác tình nguyện cứu hộ rùa biển, anh Trung còn sáng lập nhóm  Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam hơn 13.000 thành viên mà anh cho biết đây là nhóm tìm hiểu về thiên nhiên hoang dã. Hiện anh còn lập thêm nhóm Tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã phục vụ cho cứu hộ ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập mà sau này còn tham gia cứu hộ ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

Bốn năm trước, nhóm Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đã quyên góp xây dựng được ngôi nhà có tên Hero House ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận, nơi vốn có nhiều rùa biển tới mùa lên bờ đẻ trứng.

Căn nhà dành cho tình nguyện viên cứu hộ rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận do nhóm của anh Trung quyên góp xây dựng.

Trong những năm qua, nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung đã tổ chức hàng chục đợt cứu hộ rùa biển, hàng chục khóa hướng dẫn, giúp trẻ em hiểu biết về thiên nhiên, động thực vật hoang dã, tổ chức các khóa dạy tiếng Anh, vi tính miễn phí cho trẻ em nghèo ở vùng đệm các vườn quốc gia.

Hồng Ngọc

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây