Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Tìm về làng ‘3 không’ Sảo Há – bối cảnh phim ‘Tết ở làng địa ngục’

Du lịchHành trình - Điểm đếnTìm về làng '3 không' Sảo Há - bối cảnh phim ‘Tết...
(SGTT) - “Tết ở làng địa ngục” và “Kẻ ăn hồn” là hai bộ phim được quay ở làng Sảo Há (xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - một ngôi làng được miêu tả là "3 không" - không điện, không nước, không sóng điện thoại. Nơi này tạo được cảm giác hoang vu, trầm uất, phù hợp với câu chuyện được nhắc đến trong phim.
“Tết ở làng địa ngục” và “Kẻ ăn hồn” là hai bộ phim được quay ở làng Sảo Há. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Đến Cao nguyên đá Đồng Văn, khách du lịch thường chinh phục những cung đèo uốn lượn, những dãy núi trùng trùng, lớp lớp hay những thôn bản với bản sắc văn hóa đặc trưng.

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Nhưng ít ai biết đến trên “vương quốc đá” có những khu rừng già, được người dân gìn giữ khá tốt như rừng nghiến Cán Tỷ, rừng đa Thiên Hương hay rừng nguyên sinh Vần Chải… Giữa khu rừng già Vần Chải là một bản nhỏ của người Mông - đó là làng Sảo Há, hay còn được gọi là Khó Chơ, nằm yên bình giữa đại ngàn thăm thẳm.

Một khu rừng tre đẹp mắt. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ
Làng Sảo Há nằm yên bình giữa đại ngàn. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Giàng A Phớn, Giám đốc công ty du lịch Hà Giang Trẻ, cho rằng việc được chọn làm bối cảnh phim “Kẻ ăn hồn” và “Tết ở làng địa ngục”, làng Sảo Há sẽ là một điểm đến được “săn đón” trong năm 2024.

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

“Trước khi đi vào làng, du khách phải đi qua rừng cổ thiêng, có miếu thần rừng và nghe những câu chuyện huyền bí nhuốm màu huyền thoại, đặc biệt là thời kỳ “phỉ Đồng Văn” nổi loại nơi đây”, anh Phớn nói.

Cuộc sống thường nhật của người dân làng Sảo Há. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Từ huyện Yên Minh, du khách sẽ phải đi hết một con đèo dài gần 17km với những khúc cua "tay áo" và dốc dài len lỏi quanh núi. Đến chân dốc Thẩm Mã còn phải đi thêm 4km nữa mới tới xã Vần Chải, là nơi mà làng Sảo Há toạ lạc. Theo tiếng H'Mông, Sảo Há có nghĩa là "thung lũng trên cao", cũng chính là địa thế của ngôi làng này.

Sảo Há có nghĩa là "thung lũng trên cao", cũng chính là địa thế của ngôi làng này. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ
Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

“Đường vào Sảo Há khá khó đi với đá lởm chởm, có những đoạn đường phải đi bộ, leo trèo  vất vả. Những người già trong làng thường dặn khách tránh gọi tên nhau trong rừng già. Đầu khu rừng là một ngôi miếu đã có từ lâu đời, để thuận lợi vào rừng tham quan, người dân địa phương, du khách thường thắp hương xin phép thần rừng”, anh Giàng A Phớn nói.

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ
Nằm trên độ cao khoảng 2000m so với mực nước biển, ngôi làng nép dưới rừng già, càng làm tăng thêm cảm giác bí ẩn. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Làng chỉ độ 20 ngôi nhà trình tường, được bao bọc bởi các bờ rào đá đầy rêu phong đẹp như tranh vẽ. Làng Sảo Há nói riêng cũng như rừng nguyên sinh Vần Chải nói chung được xem là “lá phổi xanh”, được người dân và chính quyền gìn giữ khá nguyên vẹn.

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Đến đây, du khách sẽ có dịp trải nghiệm không gian thiên nhiên nguyên sơ, khám phá văn hóa truyền thống còn khá nguyên vẹn của đồng bào Mông.

Nguyên Phong

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ