Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Thuế thương mại điện tử: Tiềm năng và thách thức

(SGTT) – Indonesia sắp ban hành các quy định mới về thương mại điện tử trước khi lĩnh vực này trở nên quá lớn và khó kiểm soát.

Tại Indonesia, các thành viên truyền thống của bộ tộc Baduy đi chân không và sống trong những ngôi nhà tre không có điện, thu hoạch mật ong từ các tổ ong tự nhiên và dệt các loại vải truyền thống phức tạp bằng tay. Một số thành viên trẻ sau đó bán những sản phẩm này trên mạng xã hội Instagram. “Vợ tôi dệt vải, còn những chai mật ong được bạn bè cung cấp”, anh Danif, 27 tuổi, cho biết về công việc kinh doanh của mình. Theo anh, một số người Baduy, đặc biệt là những người sống ở rìa khu vực bộ tộc, tỏ ra cởi mở hơn với thế giới bên ngoài và bán sản phẩm của họ trên mạng.

Ảnh: Internet

Việc Danif tiếp thị trực tuyến nói lên nhiều điều về ngành công nghiệp thương mại điện tử đang bùng nổ ở Indonesia. Thị trường bán lẻ dựa trên Internet tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng trưởng 80% vào năm ngoái 2018, một phần do làn sóng hàng nhập khẩu. Nhà chức trách Indonesia đang quyết tâm kiểm soát doanh số “khủng” từ lĩnh vực này và thu thuế từ đó. Đó là thách thức không nhỏ mà nhiều nước đang phát triển đối mặt giữa lúc điện thoại thông minh giá rẻ và sự phát triển của các công ty chuyển phát nhanh tạo ra một thế giới hàng hóa dành cho những người tiêu dùng ngày càng giàu có.

Áp thuế VAT cho doanh nghiệp TMĐT nội và ngoại

Indonesia đang soạn thảo một dự luật thuế, theo đó buộc các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử địa phương và các “đại gia” kỹ thuật số, như Google, Amazon, Netflix… phải thu và nộp thuế giá trị gia tăng (VAT). Dự luật này – dự kiến sẽ được thông qua vào năm tới 2020 – cũng sẽ đặt cơ sở pháp lý cho chính phủ áp thuế thu nhập dựa trên sự hiện diện kinh tế của một công ty ở Indonesia. Vào tháng 8 vừa qua, Google thông báo rằng các tài khoản Google Ads có địa chỉ thanh toán ở Indonesia sẽ phải chịu 10% VAT bắt đầu từ tháng 10 để “tuân thủ các quy định về thuế địa phương”.

Theo số liệu chính thức, số lượng khách thuê bao di động năm ngoái ở Indonesia đã đạt mức 133% dân số, tức mỗi người dân tại đất nước có 260 triệu dân này có hơn một chiếc điện thoại. Vào năm tới, gần 1/3 dân số đất nước sẽ được xếp vào tầng lớp trung lưu – nhóm chiếm hơn một nửa mức chi tiêu hộ gia đình. Điều này đang thúc đẩy sự bùng nổ của thương mại điện tử, với tổng giá trị các giao dịch tăng 80% lên 146.000 tỉ rupiah (10,3 tỉ đô la) vào năm ngoái. Theo công ty McKinsey & Co., thị trường này có thể đạt 65 tỉ đô la vào năm 2022 và hỗ trợ tới 26 triệu việc làm toàn thời gian.

Dù vậy, trước khi lĩnh vực này trở nên quá lớn và khó kiểm soát, Indonesia đang trên đường ban hành các quy định mới trong năm 2020 có liên quan đến mọi thứ, từ giao dịch điện tử, thu thập dữ liệu, quyền riêng tư, tài chính kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới và thuế. Kinh nghiệm của nước này có thể cung cấp bài học cho các nước đang phát triển khác vốn đang vật lộn với sự thay đổi trong bán lẻ trên toàn cầu.

“Chúng tôi đang học hỏi từ Trung Quốc, quốc gia vừa thông qua luật thương mại điện tử vào năm ngoái 2018”, bà Mira Tayyiba, một chuyên gia tại Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia cho biết, đồng thời cho biết một trong những bài học rút ra là vào thời điểm Bắc Kinh thực thi luật của mình, họ “không thể làm gì với Alibaba vì nó đã trở nên quá lớn”.

Luật mới sát với thực tế

Vào cuối năm 2016, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ban đầu đặt mục tiêu tăng giao dịch thương mại điện tử lên 130 tỉ đô la vào năm 2020. Lộ trình đề ra là tập trung phát triển một “hệ sinh thái thuận lợi” cho tất cả người chơi – cả về tài trợ, thuế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Điều đó đã giúp thương mại điện tử bùng nổ. Ba nền tảng hàng đầu tại nước này gồm hai tên tuổi nội địa PT Tokopedia và PT Bukalapak.com và Shopee (Singapore).

Dù vậy, sự bùng nổ này đã khuyến khích hàng nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào Indonesia, khiến chính phủ chuyển trọng tâm sang khuyến khích các nhà sản xuất trong nước. “Việc thúc đẩy giao dịch là vô ích nếu người chơi chính không phải ở địa phương và nếu sản phẩm chính được bán không phải được sản xuất trong nước”, bà Tayyiba nói, đồng thời cho biết thêm các nhà sản xuất địa phương chiếm chưa đến 10% doanh số bán hàng trực tuyến.

Các luật mới sẽ phân chia “người chơi” thành ba loại: thương nhân, chợ trực tuyến và người trung gian. Những tên tuổi nước ngoài xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Indonesia sẽ được yêu cầu phải đặt văn phòng đại diện tại nước này, theo bà Tayyiba. Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook sẽ được xem là một chợ nếu họ “tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ giao dịch điện tử nào”. Google sẽ được phân loại là “trung gian”, tức không liên quan gì đến các giao dịch. Tuy nhiên, công ty này phải tuân thủ luật lệ về giao dịch điện tử nếu được hưởng lợi, trong đó có từ quảng cáo. “Công ty (Google) phải đóng thuế”, bà Tayyiba nhấn mạnh.

Thuế được xem là trung tâm của các quy định mới. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhận định nguồn thu từ thuế hiện nay chưa phản ánh tiềm năng lớn của Indonesia, liên quan đến chuyện sử dụng Internet, thương mại điện tử và dân số. Tuy nhiên, thu thuế chắc chắn không phải là chuyện dễ.

Bước đi khó tránh
Thái Lan dự kiến đánh thuế VAT lên doanh nghiệp số vào năm tới 2020 với mục tiêu thu được 98-131 triệu đô la/năm. Đây là bước đi dễ hiểu trong bối cảnh ngành thương mại điện tử đang bùng nổ ở nước này, nơi doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng thông qua các mạng xã hội Facebook, Instagram và ứng dụng nhắn tin, như Line Corp (Nhật Bản).
Trong khi Chính phủ Malaysia xác nhận kế hoạch ban hành luật thuế kỹ thuật số vào năm 2020 nhằm cân bằng sự cạnh tranh giữa nhà bán lẻ truyền thống và cửa hàng trực tuyến, nhất là những cửa hàng thuộc sở hữu của công ty nước ngoài.
Riêng chính phủ Singapore dường như muốn có hướng tiếp cận chậm và thiết thực hơn đối với thuế thương mại điện tử do nỗi lo về tác động tiêu cực lâu dài đối với ngành này, cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kế hoạch thuế thương mại điện tử được đề cập lần đầu khi Singapore công bố ngân sách năm 2018 nhưng đến bản ngân sách năm 2019 lại không thấy được nói đến.
Philippines hiện là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có hệ thống thuế thương mại điện tử. Kể từ năm 2016, công ty nước ngoài nào xử lý giao dịch trực tuyến có tổng giá trị vượt quá 37.310 đô la sẽ chịu thuế VAT 12%. Đối với các giao dịch trực tuyến có tổng giá trị thấp hơn, mức thuế 3% được áp dụng.

Minh Huy

Theo Bloomberg, techcollectivesea.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cầu giảm và cạnh tranh tăng, lối nào cho hàng thời...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhu cầu mua sắm thời trang giảm sút ảnh hưởng lên nhiều thương hiệu nội...

‘Tảng băng chìm’ sau những phiên livestream bán hàng chục tỉ

0
(SGTT) - Gần đây lướt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không khó để bắt gặp những kênh bán hàng trên sóng...

Bán hàng trên Tiktok Shop có dễ thu tiền tỉ?

0
(SGTT) - Gần đây, nhiều người xôn xao trước thông tin một chủ kênh TikTok cho biết đã đạt doanh thu đạt trên 75...

Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng...

0
(SGTT) - Làn sóng tiêu dùng mỹ phẩm theo xu hướng mạng xã hội ở Việt Nam đang thúc đẩy sự xuất hiện loại...

2 tỉ đồng đã được chi để mua sô cô la...

0
(SGTT) – Năm nay, ngày lễ tình nhân (Valentine) rơi mùng 5 Tết âm lịch. Do đó, khách hàng có xu hướng đặt hàng...

Đo lường độ lớn của thị trường thương mại điện tử...

0
(SGTT) - Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt hơn 20,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023 vừa qua, tăng trưởng...

Kết nối