Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Thực tập ở nơi có lương, trợ cấp mới là thời thượng?

(SGTT) - Đối với các bạn sinh viên năm cuối, thực tập là một trong những việc bắt buộc cần phải thực hiện để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Trong khi nhiều bạn trẻ sẵn sàng thực tập không lương để có kinh nghiệm, một số khác lại thẳng thừng từ chối và cho rằng việc này là đang cho không chất xám. Tuy nhiên, liệu lương hay trợ cấp có phải là yếu tố tiên quyết để sinh viên lựa chọn nơi thực tập, thực tập có lương mới là thời thượng?

Bước vào học kỳ hai năm cuối tại một trường đại học ở TPHCM, H. hối hả tìm nơi thực tập để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp cuối năm theo quy định của trường. Bạn sinh viên này được nhận vào thực tập tại một công ty tư vấn du học với mức trợ cấp một triệu đồng mỗi tháng. H. háo hức biết bao, cứ ngỡ mình may mắn hơn các bạn khác, nhưng mọi việc sau đó không đơn giản như H. đã nghĩ.

Kỳ vọng và thực tế

Theo yêu cầu, H. phải thực tập ở công ty ít nhất 32 tiếng mỗi tuần (khoảng hơn sáu tiếng mỗi ngày) mới đủ chỉ tiêu, trong khi đó, H. còn vài môn học ở trường chưa hoàn thành. Ngoài công việc chính dịch thuật các tài liệu, H. còn được giao nhiều việc phát sinh không liên quan đến chuyên ngành, như hỗ trợ tổ chức sự kiện vào cuối tuần, trực lễ tân hoặc telesale.

Khối lượng công việc nhiều, không quá tập trung vào chuyên môn, cộng thêm lịch học cũng dày đặc không kém ở trường, H. không đủ thời gian xoay xở và buộc phải dừng thực tập để tìm công ty khác. Thật may, lần gặp mới đây em cho hay đã tìm được chỗ thực tập mới, không có trợ cấp, nhưng “cảm thấy hài lòng vì học hỏi được nhiều”.

Kể lại câu chuyện thực tập cách đây vài năm khi còn là sinh viên tại Đại học Tôn Đức Thắng, một nhân viên văn phòng ở quận Bình Thạnh cũng tỏ vẻ khá chán ngán. Nhận công việc thực tập toàn thời gian tại một trang tin sức khỏe với trợ cấp một triệu đồng mỗi tháng, L. đảm nhận khá nhiều đầu việc, từ biên tập tin tức, dịch thuật, đến đi gặp khách hàng và nhiều công việc khác như một nhân viên thực thụ. Vật lộn với khối lượng công việc lớn và áp lực học ở trường, L. nhiều lần cảm thấy quá tải, bị bào mòn sức lực và không còn nhiều thời gian để nhìn lại những gì đã học, đã làm trong thời gian đó. Kết thúc kỳ thực tập, mặc dù nhận được kết quả đánh giá tốt và lời mời ở lại công ty, L. đã từ chối.

“Để nói về chuyện học được gì nhiều không, thì rõ ràng là mình học được nhiều thật, nhưng mức trợ cấp mình nhận được không tương xứng với công sức bỏ ra”, L. nói.

Câu chuyện của H. và L. liên quan đến một trong những đề tài mà sinh viên thực tập hay nói tới hiện nay và việc được nhận lương, trợ cấp không chỉ toàn màu hồng như nhiều bạn trẻ kỳ vọng. Đối với sinh viên năm cuối, thực tập là bước đệm để các bạn được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, được học hỏi, cải thiện kỹ năng, và thực hành những gì đã học. Doanh nghiệp dựa vào sự thể hiện của sinh viên mà đánh giá, còn sinh viên cố gắng làm tất cả các công việc được giao với một thái độ tốt để có kết quả cần thiết cho việc xét tốt nghiệp đại học.

Lương hay trợ cấp: không hẳn là tất cả

Nói như thế không có nghĩa là thực tập có trợ cấp hoặc có lương là không đáng để thử. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp, công ty xây dựng quy trình bài bản để đào tạo thực tập sinh, trả lương cho thực tập sinh ở mức vài triệu đồng đến gần chục triệu đồng một tháng. Ở đó, sinh viên được trải nghiệm quy trình làm việc chuyên nghiệp và có cơ hội thực hành những kiến thức, kỹ năng đã có, còn doanh nghiệp “tranh thủ” cơ hội thử thách, tìm kiếm nhân tài và trong nhiều tình huống còn có cơ hội củng cố uy tín, tiếng tăm của mình.

Nhưng phần lớn sinh viên thực tập vào các doanh nghiệp này đều phải làm các đầu việc như một nhân viên bình thường, với số giờ làm việc có khi toàn thời gian. Họ được cọ sát thực tế nhiều qua công việc nhưng thường không còn mấy thời gian và sự kiên định để xem lại hay ghi chép gì sau một ngày làm việc. Kết quả như ở trường hợp như bạn H. hay L. kể trên là không ít.

Ở chiều ngược lại, một số thực tập sinh được thỏa thuận về thời gian thực tập theo một số giờ trong tuần vì vẫn còn lịch học cũng phải hoàn thành trước khi tốt nghiệp theo quy định của trường. Vì sự ngắt quãng này nên các thực tập sinh chỉ được doanh nghiệp bảo đảm là có một chỗ để đến làm quen với công việc dựa trên lý thuyết – quy trình, làm một phần việc nho nhỏ theo tình hình thực tế thay vì tham gia trực tiếp vào dự án mà doanh nghiệp đang có. Họ rồi cũng kết thúc kỳ thực tập nhẹ nhàng, còn thu thập được gì còn tùy ở từng cá nhân.

A., sinh viên trường Đại học Sư phạm TPHCM, kể lại quá trình thực tập tại một công ty dịch thuật, chỉ được giao dịch các hồ sơ, chứng chỉ, không được hướng dẫn chi tiết và cũng không nhận được góp ý, chỉnh sửa nhiều từ người quản lý. “Có lẽ trong kỳ thực tập đó, em chỉ chủ yếu tự học được cách dịch các tên cơ quan nhà nước, chức danh, còn nhiều sai sót chưa được chỉnh sửa”, A. nói. Trong khi đó, một người bạn của A. thực tập tại một công ty truyền thông, phản ánh: “Các anh chị bận quá nên đôi lúc không giao việc cho em. Nhiều khi còn không nhớ đến sự tồn tại của em. Các bài viết của em cũng không biết đi về đâu”, sinh viên này phàn nàn.

Vậy tìm doanh nghiệp phù hợp ngành học để thực tập hay chỉ chọn nơi nào có trả lương mới thực tập. Lương hay trợ cấp là điều kiện tiên quyết để sinh viên lựa chọn nơi thực tập hay không?

Xác định mục tiêu thực tập

Pháp luật hiện hành không có quy định nào về việc doanh nghiệp phải trả lương cho thực tập sinh. Nếu thực tập sinh được nhận một khoản gọi là lương hay trợ cấp nào đó thực ra là nhờ vào chính sách riêng linh hoạt của một doanh nghiệp. Thiết nghĩ, thay vì nhìn vào việc có lương hay không có lương để quyết định có nên thử ứng tuyển thực tập hay không, sinh viên cần lựa chọn và xác định mục tiêu chính cho kỳ thực tập, cố gắng học tập và trải nghiệm để quãng thời gian đó trở nên có ý nghĩa hơn và là bước đệm để phát triển trong tương lai.

“Kiến thức nền tảng về công việc, định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm môi trường công sở, và quan sát cách làm việc là một số tiêu chí để sinh viên lựa chọn nơi thực tập”, chuyên viên nhân sự của một công ty thuê ngoài dịch vụ IT chia sẻ.

Vị chuyên viên này còn nói thêm rằng: “Thực tập sinh cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp, hỗ trợ về mặt chuyên môn trong công việc lẫn định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Tinh thần chủ động học hỏi và đa nhiệm được xem là yếu tố then chốt trong yêu cầu tuyển dụng của các công ty hiện nay. Không những thế, một lời khuyên cho các bạn là hãy tích cực tìm kiếm các phản hồi để làm sao cải thiện hơn nữa công việc mình đã và đang làm chứ không đơn thuần làm việc đủ ba tháng và hoàn thành xong kỳ thực tập”.

Có cùng quan điểm nêu trên, một giảng viên ngôn ngữ tại một trường đại học ở TPHCM, nói thêm: “Các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về chế độ thực tập của một công ty/đơn vị để đảm bảo mình vừa có thể học hỏi, thực hành và vừa được thụ hưởng chế độ tốt. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể liên hệ với cố vấn học tập để xin tư vấn và tham khảo các đơn vị có kết nối với nhà trường để đảm bảo mình được thực tập ở môi trường tốt”.

Được trả lương khi thực tập nghe có vẻ rất oai, rất hiện đại và vui nhưng việc kiên trì với mục tiêu thực tập để nhận diện bản thân như thế nào trong việc vận dụng kiến thức học được vào thực tế làm việc, những điểm thiếu sót cần cải thiện và cả những gì cần trau dồi thêm… mới cần hơn, thiết thực hơn.

Nguyệt Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối