(SGTT) - Trong những năm gần đây ngành thời trang Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng khá mạnh mẽ, theo Statista, thị trường may mặc trong nước được dự báo đạt 7,33 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 và còn nhiều dư địa để các thương hiệu Việt Nam khai thác, phát triển. Một số thương hiệu nội địa đã góp phần cải cách lại thời trang trong nước bằng cách chọn sản phẩm làm cốt lõi phát triển, cùng sự sáng tạo bền bỉ trong từng sản phẩm. Bằng những đổi mới đó họ đã thu về những thành quả nhất định, có những nhãn hàng vươn mình đến thị trường toàn cầu.
- Muôn vàn cách xoay xở của tiểu thương ngành thời trang
- Nhiều công ty thời trang nhanh sửa chữa quần áo cũ để cải thiện hình ảnh
Nâng cao nội lực bằng chất lượng sản phẩm
Sự trở lại của ngành thời trang Việt Nam sau Covid-19 có rất nhiều tiềm năng với sự hồi phục của nền kinh tế và thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Việt Nam được đánh giá là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới trong ngành may mặc. Mặc dù lạc quan về sự phát triển trong tương lai, ngành dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm hụt lao động.
Nhìn chung, sụt giảm về doanh thu, cũng như sản lượng hàng hóa sản xuất của các thương hiệu Việt trong năm nay ước tính giảm khoảng 20-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên dự báo, từ giai đoạn tháng 10 trở đi, bước vào mùa Mega cuối năm của thời trang, thị trường cũng có những dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.
Ghi nhận hoạt động trong nước của các doanh nghiệp thời trang Việt, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, đang sở hữu thương hiệu mang tên mình cho biết các thiết kế của ông được nhiều ngôi sao và hoa hậu quốc tế lựa chọn đã tạo động lực xây dựng tên tuổi từ một thương hiệu đến từ Việt Nam.
Từ đơn vị của mình, ông chia sẻ mình đã có những bước tiến nhất định trước một sân chơi cho ngành thiết kế thời trang rộng lớn và ngày càng cởi mở. Ông cho biết công ty không chỉ trau dồi chất lượng sản phẩm, sáng tạo phong cách độc đáo xen lẫn mà còn tìm kiếm thị trường mở rộng ở nhiều quốc gia khác. Việc phát triển và đào tạo nhân lực cũng không thể xem nhẹ để đội ngũ thiết kế trẻ có cơ hội được làm nghề chuyên nghiệp và bắt kịp guồng quay của lĩnh vực thời trang hay công nghiệp sáng tạo của đất nước.
Theo ông, chặng đường đưa thiết kế Việt ra quốc tế không ít khó khăn, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong cách làm việc mỗi quốc gia khác nhau là một thách thức. Chính vì thế, sự chuẩn bị cho phần “chất” bên trong của doanh nghiệp phải thực hiện càng sớm càng tốt, ông nhấn mạnh.
Nhà sáng lập hãng thời trang Việt Gumac, chủ nhiệm của Cấy Nền Thời Trang, ông Lê Thành Vân cũng cho rằng để đưa hiệp hội ngành nghề đi xa, bản thân mỗi người cần xây dựng nội lực riêng, cùng nhau tạo nền móng ra toàn cầu. Hiện nay, các hoạt động chung của doanh nghiệp trong ngành vẫn còn rời rạc, nhỏ lẻ, công tác vận hành bán lẻ còn hạn chế về kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm cần ghi đậm thêm dấu ấn, có nét riêng biệt từ hình thức đến nội dung câu chuyện.
“Nâng cao nội lực người làm thời trang Việt là hành trình dài. Chúng ta có sản phẩm tốt nhưng làm sao có câu chuyện hay để kể với thế giới rồi mới đưa được bản sắc Việt nhân rộng qua đó. Trong vòng nhiều năm tới, trước sự phát triển chung từ thời đại, ngành cần thời điểm phù hợp để bật lên song hành cùng nhiều lĩnh vực khác”, ông Vân nhấn mạnh.
Tại Gumac, doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều ý tưởng, chiến dịch kinh doanh, bán hàng, truyền thông sản phẩm tiếp cận đến đa dạng ngách khách hàng. Ông Lê Thành Vân cũng tâm niệm để đặt những viên gạch chắc chắn cho ngõ ra quốc tế, người đứng đầu phải chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chất lượng đội ngũ, câu chuyện thương hiệu, tìm kiếm sự hợp tác, liên kết để cả “đoàn” người làm thời trang cùng đi.
Bản sắc văn hóa đi cùng sáng tạo bền bỉ
Nhiều thiết kế của ông Lê Thanh Hoà cũng như nhà thiết kế Việt Nam khác được trình diễn trên các sàn diễn quốc tế. Ông nhìn nhận đội ngũ ngoài theo dõi và cập nhật xu hướng thế giới, mình còn có khả năng tạo ra những dấu ấn riêng, phản ánh nét văn hóa và tinh thần đặc trưng của dân tộc.
Sự hiện diện của các thiết kế Việt trên sàn diễn thế giới cũng góp phần nâng cao uy tín và vị thế của thời trang Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và trao đổi với cộng đồng quốc tế. “Chúng tôi không chỉ theo đuổi xu hướng thời trang quốc tế mà còn tập trung phát triển những bộ sưu tập có phong cách độc đáo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện đặc trưng văn hóa Việt”, ông Lê Thanh Hòa nói.
Lĩnh vực thời trang ở thương mại điện tử ước tính đạt 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Riêng tại thị trường Việt Nam, lĩnh vực này đứng đầu mặt hàng có doanh thu cao chiếm đến 76% tỉ lệ người tiêu dùng trực tuyến, có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại gia nhập vào sân nhà.
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường vừa trình diễn bộ sưu tập mới tại Tuần lễ Thời trang New York Xuân – Hè 2024, chỉ ra trong thực tế, các bộ sưu tập mang đậm dấu ấn văn hóa và truyền thống Việt Nam thường nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả nước ngoài. Điều này cho thấy sự độc đáo và giá trị văn hóa của chúng ta luôn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ thời trang toàn cầu. Nhưng để hoạt động tiêu thụ sản phẩm ngày càng mạnh mẽ hơn, xét về cả lượng và chất, doanh nghiệp Việt phải tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng, đậm văn hóa bản địa, giá trị tinh thần muốn truyền tải qua các thiết kế đó.
Đặc biệt, để đứng trên thương trường quốc tế khi “sinh sau đẻ muộn”, thương hiệu Việt phải xác định không dừng lại việc giới thiệu bao nhiêu bộ sưu tập, mẫu thiết kế mà phải hướng đến xây dựng thị trường bền vững, tìm kiếm tệp khách hàng tiêu thụ sản phẩm, tạo doanh thu để duy trì, phát triển doanh nghiệp.
Được biết, việc phát triển thị trường quốc tế, đại diện Sixdo đã có một lượng khách hàng nhất định ở Mỹ, Úc, các nước châu Âu… Trong đó, có nhiều người nổi tiếng, các tỉ phú, có người sở hữu đến hơn 1.000 thiết kế, bố trí hẳn phòng riêng để trưng bày trang phục của nhãn hàng. Nhà thiết kế vẫn muốn con số này gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.
“Mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách thể hiện khác nhau tạo nên sự đa dạng trong mẫu mã, hình thức nhưng chắc chắc cùng một giấc mơ thông qua thời trang, mang văn hóa Việt chinh phục thế giới với sự kết nối với nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, điện ảnh…”, đại diện Gumac bộc bạch.
Hoàng An