Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Theo con “đi bụi”

Ba Harin

Mới đây, báo đăng chuyện bên Úc có cặp vợ chồng nhiếp ảnh gia suốt ngày bế hai con nhỏ lang thang cùng trời cuối đất để chụp ảnh. Ngoài niềm vui được lưu lại những phong cảnh đẹp tuyệt vời qua các bộ ảnh, thì điều mà họ làm được lớn hơn, đó là giữ lại ký ức đẹp về những hành trình trong trí nhớ bọn trẻ.

Chuyện có vẻ lý tưởng nhưng xem ra hơi xa lạ với cách nghĩ của nhiều phụ huynh người Việt, đặc biệt là thị dân. Bằng chứng, tôi đọc báo và thử đem kể câu chuyện trên với nhiều bạn bè và lập tức bị “phản ứng” gay gắt: “Thôi đừng viễn mơ nữa đi có được không”. Và, thường thì những lý do được đưa ra bao giờ cũng rất hợp lý: bọn trẻ phải đi học tối mắt tối mũi, hết học ở trường thì học thêm ở nhà, học đàn, học bơi…, người lớn thì bận rộn trăm công nghìn việc, có giờ nào hở ra đâu mà đi. Đôi khi là những lý do “hoàn cảnh khách quan”, đại loại: “Chuyện đó chỉ xảy ra bên Tây thôi, xứ mình còn lâu, đi lại nguy hiểm cho tụi trẻ lắm, bao nhiêu rủi ro trên đường”.

unnamed3

Tất cả những “phản biện” chỉ để đi đến chứng minh một việc: “úm” trẻ con trong nhà là hợp hoàn cảnh.

Đọc truyện tranh, chơi game, đến khu vui chơi, đi sở thú… thế giới ngày nghỉ của bọn trẻ thành phố lui tới cũng chỉ có thế. Đời sống tuổi thơ đơn điệu và thiếu vắng thiên nhiên là một thiệt thòi lớn làm hẹp hòi không gian tinh thần của những đứa trẻ đô thị. Về điều này, những phụ huynh có gốc gác thôn quê, nhập cư vào đô thị có sự cảm nghiệm rõ ràng. Trong câu chuyện, họ thường đưa ra so sánh sự hiểu biết về thôn quê, kỹ năng sống với thiên nhiên thời tuổi thơ của mình với tuổi thơ đơn điệu đáng thương của con cái họ. Nhưng cũng thật khó tìm ra hướng khắc phục, khi mà mỗi một năm, gắng lắm, vợ chồng con cái chỉ có một hai dịp đi về quê hay mua tour du lịch dã ngoại để tụi trẻ có thể “vớt vát” chút thiếu thốn. Nhiều người khá giả hơn, cứ đến dịp hè là gửi con vào các khóa huấn luyện kỹ năng cho quý tử hay tham gia các lớp hướng đạo sinh… Tất cả cũng dưới dạng những bài học trong khi đó, vốn sống cần được đến với trẻ nhỏ một cách thật tự nhiên từ khung cảnh và thực tế đời sống.

Vậy, có cách nào xây dựng cho trẻ em thành phố nền tảng vốn sống và ứng xử hài hòa với thiên nhiên khi thiên nhiên thực sự thiếu vắng trong đời sống đô thị?

Không thể coi là bài học hay cố tình “nêu gương”, nhưng có lẽ câu chuyện từ kinh nghiệm cá nhân người viết là một gợi ý để người đọc tham khảo, chí ít là một lời chia sẻ. Vài tháng nay, cứ đến thứ Bảy hàng tuần, cậu con trai hai tuổi rưỡi của tôi sẽ tự biết cách thu xếp ba lô đồ nhỏ của mình và háo hức cho một cuộc hành trình ngắn trong thành phố bằng xe buýt. Không nhiều thời gian, hai cha con sẽ chọn những điểm đến “dễ” như sở thú, khu vui chơi, nhưng nếu thời gian thong thả, điểm đến của hai cha con sẽ là những vùng ngoại ô đầy nắng, gió và cỏ cây thiên nhiên. Cậu bé biết thế nào là câu cá, lưới cá, thuộc tên dần từng loại cây trái, hoa quả, con vật để khi về có thể kể lại cho bà nội, bà ngoại hay mẹ nghe. Từ những hành trình trên, bạn có thể nhận ra rằng, vốn thiên nhiên vẫn còn đâu đó trong hoặc ngay bên cạnh đời sống đô thị, nếu thực sự chịu khó kiếm tìm.

Thời gian đầu, chưa quen với những chuyến “xê dịch”, cậu bé rất dễ đổ bệnh, nhưng dần dà, những chuyến đi cho cậu sự rắn rỏi, mạnh mẽ và niềm hứng thú đến quên cả bệnh tật.

Nhờ được thực tập từ những chuyến đi ngắn trong thành phố mà vừa rồi, trong kỳ nghỉ dài ngày trở về quê ngoại ở cao nguyên Gia Lai, cậu bé nắm tay cha xăm xăm đi vào một buôn Jarai, cùng cha khám phá vẻ đẹp của những con đường đầy hoa dã quỳ, nhớ cây cà phê, cao su, biết chuyện bà già Jarai mang gùi đi rẫy hay nhận biết đâu là xe cày ruộng, đâu là xe công nông chở cà phê…

Tất nhiên, nghe kể là đơn giản vậy, nhưng ít ra trước mỗi chuyến đi, đề phòng những tình huống trục trặc trên đường, cần một vài chuẩn bị từ thuốc đau bụng, thuốc hạ sốt, bông băng sơ cứu và nhất là nước uống, trái cây bổ sung vitamin và một tinh thần… “trên đường” thực sự. Sẽ phải nóng ruột vì bụi bặm, nắng nôi có thể khiến cục cưng đổ bệnh khò khè vài hôm. Nhưng sẽ không hề chi. Lướt qua được những điều đó, bạn sẽ thấy con mình rắn rỏi, mạnh mẽ và có kỹ năng vững vàng. Bạn sẽ cảm nhận niềm vui lớn lao khi địa cầu nằm gọn dưới đôi bàn chân nhỏ, thế giới cuộc sống mở ra, và bạn được hân hạnh đồng hành với con mình trên hành trình đi tìm ấu thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Doanh nghiệp TPHCM khó tuyển lao động vị trí chuyên gia...

0
(SGTT) - Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, đã có hơn 3.300 lượt doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động...

Bảo quản thực phẩm đúng cách trong mùa nắng nóng

0
(SGTT) - Mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây hại cho sức khoẻ có trong thực phẩm phát triển....

Mùa sen trắng về trên xứ Huế

0
(SGTT) – Đến thăm cố đô Huế thời điểm này, du khách sẽ có dịp ngắm vẻ đẹp tinh khôi của hoa sen trắng...

Xử lý lừa đảo trực tuyến vẫn khó khăn, hiệu quả...

0
(SGTT) -  Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng,...

Ngành đường sắt tăng chuyến, giảm giá vé tàu dịp hè

0
(SGTT) - Ngành đường sắt tổ chức chạy thêm tàu giữa Hà Nội – TPHCM, đồng thời, áp dụng nhiều chính sách về khuyến...

Người đi ‘góp’ màu xanh cho đời

0
(SGTT) - Hơn 50.000 người đang được dùng nước sạch, hơn 136.000 cây trồng được phủ xanh thêm cho những cánh rừng và còn...

Kết nối