(SGTT) - Đi lặn biển, không phải để bắt cá, tôm hay hải sản, đội thợ lặn này thực hiện nhiệm vụ vì môi trường, lan tỏa thông điệp du lịch xanh, du lịch bền vững tại “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” Cù Lao Chàm.
- Đến Cù Lao Chàm, trải nghiệm thiên đường du lịch nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên
- Hành trình 10 năm “nói không với rác thải nhựa” ở Cù Lao Chàm
Gần một năm nay, đội thợ lặn làm sạch biển tại đảo Cù Lao Chàm đã âm thầm đi vớt rác đáy biển sâu, tiêu diệt sao biển gai - loại sinh vật “chuyên ăn thịt” san hô. Đây là động vật không xương sống, thân có nhiều gai tua tủa giống như trái sầu riêng, nên còn được gọi là "sầu riêng biển".
"Loại sao biển gai này khi bắt phải cẩn thận, trách gai đâm vào người. Nếu bất cẩn khi bắt gai đâm vào người sẽ có thể dẫn đến hoại tử mô mềm. Đồng thời tránh làm gai của nó gẫy. Nếu gai bị gẫy nó sẽ hình thành lại con mới tàn phá san hô”, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, cán bộ kỷ thuật của Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết.
Đây là dự án do tổ chức Quốc tế về bảo tồn vệ Thiên nhiên (WWF) tài trợ. Ngoài mục đích vớt các vật thể như lưới, chai lọ, nhựa... thì tiêu trừ sao biển gai sẽ giúp cho môi trường biển tại đảo Cù Lao Chàm thêm trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài san hô phát triển, hải sản sinh sống và thu hút du lịch, phát triển kinh tế biển đảo.
Ban đầu nhóm chỉ có 10 người là lực lượng nòng cốt, sau khi thấy công việc hữu ích, nhiều đơn vị du lịch cùng người dân trên đảo đăng ký tham tình nguyện. Ông Nguyễn Văn Vũ, phó giám đốc Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chia sẻ để công việc mang lại hiệu quả, chúng tôi phân ra khu ranh giới từng vùng, trước tiên làm tại các khu vực bảo tồn, sau đó mở rộng lần ra.
Đánh giá về năng lực bảo tồn và gìn giữ vệ sinh môi trường, cũng như nói không với túi ni lông trên đảo, bà Nguyễn Mỹ Quỳnh - Quản lý dự án, hợp phần Thủy sản và khu bảo tồn biển (WWF Việt Nam), cho biết công việc của đội lặn vớt rác, bắt sao biển gai hết sức ý nghĩa. Không chỉ làm đẹp các rạn san hô, bãi biển Cù Lao Chàm trong mắt du khách, mà quan trọng hơn là góp phần giải thoát các sinh cảnh này khỏi mối đe dọa suy thoái do tác động của rác thải nhựa rất tốt.
Tuy nhiên, việc “tiêu diệt” rác thảc, chất thải… còn gặp nhiều khó khăn. Bởi Cù Lao Chàm nằm cuối vùng hạ lưu sông Thu Bồn và nằm ngay trung tâm cửa biển, nên lượng tàu thuyền qua lại đông, tránh trú nhiều khiến cho lượng rác khó làm sạch triệt để. Bên cạnh đó, khi Cù Lao Chàm phát triển du lịch mạnh, hằng năm thu hút trên ba nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến với đảo, việc bảo vệ môi trường gặp nhiều áp lực cao.
Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, đây là công việc thường xuyên, từ khi thực hiện đến nay, nhiều du khách đã đăng ký tham gia vớt rác rất nhiều. Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang xem xét có thể mở tour vớt rác đáy biển để phục vụ khách du lịch, góp phần lan tỏa thông điệp du lịch xanh.
Minh Hải