Thứ hai, Tháng mười một 11, 2024

Thẻ từ ATM vẫn được dùng bình thường sau ngày 31-12-2021

Trách nhiệm chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là của các tổ chức phát hành và thanh toán thẻ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị này không đưa ra các chính sách, quy định trái với quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng và ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ.

Ngày 30-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã ban hành văn bản số 8458 về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Theo đó, sau ngày 31-12-2021 khách hàng vẫn sử dụng thẻ từ để giao dịch bình thường tại các máy ATM và máy POS.

Thẻ từ kiểu cũ (trên) và thẻ chip (dưới). Ảnh: V.D.

Trong thời gian qua, người dân xôn xao trước thông tin về việc các ngân hàng sẽ “khai tử” thẻ từ (thẻ thanh toán nội địa có dải băng từ ở mặt sau) sau thời điểm 31-12. Nguyên nhân vì trước đó có ngân hàng thương mại thông báo rằng sẽ ngừng hỗ trợ và thẻ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trong thông cáo mới phát đi, NHNN cho biết không có quy định nào về việc dừng hoặc từ chối giao dịch đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng) do các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam phát hành.

Thực tế, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip được nêu trong Thông tư số 41/2018, sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016, quy định lộ trình chuyển đổi sang công nghệ chip đối với thiết bị chấp nhận thẻ đang hoạt động tại Việt Nam và các thẻ từ nội địa đang lưu hành do các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam phát hành.

Theo đó, trách nhiệm thuộc về các của tổ chức phát hành thẻ trong lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa đang lưu hành. Còn các tổ chức thanh toán thẻ có trách nhiệm chuyển đổi máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) đang hoạt động tại Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn thanh toán theo chip nội địa.

Theo đại diện Sacombank, việc quy định thời gian là nhằm bắt buộc các ngân hàng phải đồng nhất về chuẩn thanh toán để mang lại lợi ích chung cho cả thị trường. Nếu không đồng nhất chất lượng thì khi khách hàng sử dụng thẻ chip của ngân hàng này có thể không thể sử dụng được ở máy ATM, hoặc máy POS của ngân hàng khác do chỉ nhận thẻ từ.

Hiện nay, các ngân hàng đã dừng phát hành thẻ từ nội địa sau thời điểm 31-3-2021 theo lộ trình trong Thông tư, nhưng khó mà hoàn thành mục tiêu chuyển đổi toàn bộ sang thẻ chip vì các lý do khách quan và chủ quan.

Ngoài vấn đề giãn cách xã hội vì Covid-19, các ngân hàng cho biết cũng bị động trong việc đổi thẻ khi khách hàng đề xuất đổi thẻ nhưng không đến lấy, thẻ dư tồn lại chi nhánh rất nhiều, trong khi chi phí chuyển đổi cao (bao gồm cả phí phôi thẻ).

Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) dẫn lại số liệu tổng hợp từ các ngân hàng thì đến hết quí 3-2021 việc chuyển đổi thẻ đạt 25%, dự kiến đến hết quí 4 cũng chỉ đạt khoảng 35%.

Do đó, NAPAS và Chi hội Thẻ Ngân hàng đã có kiến nghị đề xuất gia hạn để các ngân hàng có thể đáp ứng được việc chuyển đổi và có thời gian liên hệ với khách hàng.

Dù vậy, trong thông cáo mới của NHNN cũng chưa nhắc đến việc dời lộ trình thực hiện đổi thẻ từ sang thẻ chip. Hiện NHNN đề nghị Chi hội Thẻ ngân hàng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) và NAPAS xây dựng và ban hành “Quy định chuyển đổi trách nhiệm cho thẻ chip chuẩn VCCS nội địa”, áp dụng từ ngày 1-1-2022.

Khuyến khích khách hàng chuyển thẻ từ sang thẻ chipTheo thống kê của NHNN, tính đến hết quí 2, có khoảng 98 triệu thẻ nội địa đang lưu hành. Công nghệ thẻ chip được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì mức độ hiệu quả trong việc giảm gian lận giao dịch thẻ. Thẻ chip cũng tích hợp nhiều tính năng thanh toán không tiền mặt hiện đại như contactless (không tiếp xúc).Khách hàng hiện có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi thẻ từ sang chip tại các quầy giao dịch của ngân hàng. Nhiều ngân hàng cũng cho phép thực hiện ngay trên ứng dụng di động, thẻ sẽ được chuyển trực tiếp đến địa chỉ mà khách hàng đăng ký.NHNN yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ rà soát quy định pháp luật, hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa tổ chức phát hành thẻ với chủ thẻ, đảm bảo các giao dịch thẻ của chủ thẻ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ và không đưa ra các chính sách, quy định trái với quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng.“Để tránh hiểu lầm, gây hoang mang ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, uy tín của hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thẻ ngân hàng nói riêng, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cần tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ khách hàng thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa”, NHNN nhấn mạnh.

Dũng Nguyễn

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngân hàng gian nan tăng vốn

0
Để phấn đấu nâng chuẩn lên Basel III, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng mạnh hơn nữa các chỉ tiêu về vốn và...

Làn sóng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu

0
(SGTT) - Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB và BoE đã đưa ra tín hiệu rõ ràng về...

HSBC cho vay 593 tỉ đồng phát triển nhà máy điện...

0
(SGTT) - Ngân hàng HSBC Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho vay trị giá 593 tỉ đồng với Leader Energy, một công...

Hơn 16 triệu người đã làm xác thực sinh trắc học...

0
(SGTT) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau 3 ngày thực hiện theo quy định mới trong quyết định...

HSBC ra mắt thẻ tín dụng có ưu đãi hoàn tiền...

0
(SGTT) - Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam ngày 2-7 đã giới thiệu thẻ tín dụng HSBC Live+, được thiết kế với nhiều...

HSBC dự báo 10 xu hướng lớn ảnh hưởng kinh tế...

0
(SGTT) - Bước sang năm 2024, một bối cảnh kinh tế mới mẻ nhưng cũng không kém phần phức tạp đang bắt đầu thành...

Kết nối