Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Thể hiện tình yêu môi trường với dự án cho mượn ly làm từ bột sắn

(SGTTO) – Nhắm đến mô hình mượn - trả ly cho đồ uống mang đi nhằm giảm bớt lượng rác thải nhựa, chị Lê Thuỳ Linh (33 tuổi, TPHCM) đã cho ra đời dự án khởi nghiệp AYA Cup. Thông qua đó, các đơn vị tham gia dự án sẽ tiết kiệm được chi phí về bao bì đóng gói mang đi.

Chị Lê Thuỳ Linh, người sáng lập dự án AYA Cup. Ảnh nhân vật cung cấp
Tiềm năng tại Việt Nam

Sau khi du học Phần Lan trở về, chị Lê Thuỳ Linh dành nhiều mối quan tâm cho vấn đề bảo vệ môi trường. Nhận thấy nhiều bạn trẻ ngày càng quan tâm và nâng cao ý thức hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, chị Lê Thuỳ Linh bắt tay thực hiện AYA Cup - dự án khởi nghiệp về chiếc ly tái sử dụng.

Dự án AYA Cup nhắm đến mô hình mượn - trả ly cho đồ uống mang đi nhằm giảm bớt lượng rác thải nhựa. Người dùng sẽ đặt cọc 50.000 đồng cho một chiếc ly tại các địa điểm có dịch vụ của AYA Cup. Người dùng thoải mái sử dụng ly, có thể hoàn trả tại bất kỳ địa điểm có dịch vụ này và lấy lại khoản tiền cọc ban đầu. Việc làm này vừa giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường vừa giúp các đơn vị tham gia dự án tiết kiệm được chi phí về bao bì đóng gói mang đi. AYA Cup sẽ thu một khoản phí hàng tháng từ các đơn vị này, xấp xỉ 20.000 đồng/ngày, giúp họ tiết kiệm 84% chi phí.

Chiếc ly của AYA Cup trông như những chiếc ly nhựa nhưng đây lại là loại ly làm bằng bột sắn và PP phân huỷ sinh học. Quá trình làm ra chiếc ly thân thiện môi trường này còn giúp giảm thiểu đáng kể lượng CO2 so với quy trình thông thường. Mới đây, chị Linh đã tìm được nhà sản xuất tại Việt Nam với nhà máy được đặt ở ngoại ô TPHCM. Đây cũng là cơ hội để AYA Cup đồng hành với doanh nghiệp địa phương.

Chị Linh cho biết khi giới thiệu đến các nhà đầu tư về dự án, nhiều người ban đầu cho rằng nó không hiệu quả ở Việt Nam trong tương lai. Hay trong lúc thuyết phục các cộng sự làm việc cùng mình, chị cũng gặp phải những ý kiến tương tự.

Tuy nhiên, chị lại nhìn vấn đề ở một góc khác. Theo chị, ngay cả những nước phát triển như Đức hay Phần Lan cũng mất vài chục năm thay đổi ý thức của người dân để tiến đến việc tất cả mọi người đều biết phân loại rác. Vì vậy, chúng ta không thể bắt người dân Việt Nam chỉ với vài năm trở lại đây có thể tuân thủ phân loại rác ngay.

Thế nhưng theo chị Linh, lợi thế của Việt Nam chính là dân số trẻ. Những người trẻ bắt kịp xu hướng và thay đổi nhận thức khá nhanh sẽ là chìa khóa thành công cho những dự án về môi trường như AYA Cup.

Chị Lê Thuỳ Linh (trái) trong một buổi giới thiệu dự án tại TPHCM. Ảnh: fanpage AYA Cup

Dự án AYA Cup ra đời năm 2019, được chạy thử nghiệm sau đó. Thật bất ngờ khi nơi chạy thử đầu tiên của dự án này lại là một quán nước mía nhỏ ở quận 2, TPHCM. Chị Thuỳ Linh khá ngạc nhiên với kết quả thu được, chỉ trong vài ngày đã có vài chục chiếc ly được khách đặt cọc. Thành công tuy nhỏ nhoi nhưng đã tiếp thêm động lực cho chị tiếp tục dự án.

Hiện tại, AYA Cup đã gặt hái được một số thành công, như kêu gọi được đầu tư từ Vietnam Silicon Valley vào tháng 6-2019, thắng giải khởi nghiệp “Thử thách ASEAN” tháng 9-2019, nhận được 10.000 đô la Mỹ tài trợ nhờ chiến thắng trong cuộc thi “Lối sống Carbon thấp tại châu Á - Thái Bình Dương” thuộc cụm chương trình về môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP).

Những bước đi tiếp theo

AYA Cup đang có mặt tại các quán cà phê ở khu vực quận 2 và được nhiều khách hàng hưởng ứng. Chị Linh cho biết chị cũng không gặp khó khăn gì nhiều khi thuyết phục những người chủ quán tham gia dịch vụ của AYA Cup.

Nói về việc chưa mở rộng mô hình ở các quận khác tại Sài Gòn, chị Linh cho rằng dự án của mình cần thêm một thời gian ngắn nữa để hoàn thiện, vận hành một cách trơ tru hơn. Chị cho biết thêm, khi hoàn thiện hơn, AYA Cup sẽ mở rộng hoạt động ở các quận khác tại TPHCM, đặc biệt là trong các trường đại học nơi AYA có thể tiếp cận nhiều bạn trẻ.

Chị Linh chia sẻ hình thức mượn - trả ly vốn đã rất quen thuộc ở các nước phát triển ở châu Âu. Tuy vậy theo quan sát cá nhân và qua trao đổi với vài đồng nghiệp ở các nước này, chị thấy được hình thức này chỉ phổ biến và thật sự có hiệu quả ở một số nơi nhất định. Chính vì vậy, chị có mong muốn sẽ khắc phục điểm này ở Việt Nam, tức là trong tương lai nó có thể được lan rộng và vận hành thân thiện với người dùng cả nước.

Hiện tại, chị Linh đang làm việc với các cộng sự để xây dựng ứng dụng dành cho AYA Cup. Với ứng dụng này, khách hàng sử dụng ly có thể nhận lại tiền cọc ngay trên ứng dụng và hưởng đặc quyền dành cho thành viên như chương trình khuyến mãi, giảm giá. Đối với phía AYA Cup, ứng dụng sẽ giúp quản lý số lượng ly đang có và nhắc nhở người dùng về việc trả lại ly. Tính năng ẩn danh trong ứng dụng cũng sẽ xóa tan sự lo lắng về vấn đề thông tin cá nhân.

“Hành trình nối những miền xanh” là chuỗi nội dung về du lịch xanh, do Sài Gòn Tiếp Thị Online thực hiện nhằm khuyến khích, vinh danh những địa điểm, ý tưởng làm du lịch có đóng góp trở lại cho môi trường, tạo cơ hội cho du khách gần gũi thiên nhiên. Nếu có ý tưởng hoặc muốn cộng tác liên quan nội dung này, mời bạn gửi về email: toasoan@sgtiepthi.vn hoặc nhắn tin trên fanpage: facebook.com/sgtiepthi.vn, hoặc tham gia giao lưu trên group facebook Thích du lịch Xanh. 

Vương Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối