Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Thăng Long tứ trấn – vẻ đẹp của bốn ngôi đền thiêng

(SGTTO) – Là nơi ghi dấu ấn lịch sử của dân tộc, Thăng Long tứ trấn là tên gọi bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành Thăng Long, Hà Nội. Nếu có dịp đi du lịch ở thủ đô, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá những ngôi đền thiêng này, nhất là dịp đầu năm mới.

Thăng Long tứ trấn bao gồm: đền Bạch Mã – Trấn Đông, đền Voi Phục – Trấn Tây, đền Kim Liên – Trấn Nam, đền Quán Thánh – Trấn Bắc.

Trấn Đông – Đền Bạch Mã
Du khách đến đây không chỉ để thành tâm dâng lễ, cầu sức khỏe, bình an mà còn để tìm lại sự thanh tịnh, thư thái trong tâm hồn. Khách du lịch cũng đừng quên ghé qua đền vào ngày 12, 13-2 âm lịch để được tham gia hội đền Bạch Mã, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Thanh Thảo

Điểm dừng chân đầu tiên khi khám phá Thăng Long tứ trấn là đền Bạch Mã. Ngôi đền thờ thần Long Đỗ (rốn rồng), vị thần bảo hộ của kinh thành, trấn giữ hướng Đông. Gọi là đền Bạch Mã là vì ngôi đền linh thiêng này có truyền thuyết liên quan tới thần ngựa trắng.

Đền Bạch Mã mang nét kiến trúc cổ kính thời nhà Lý. Ảnh: Thanh Thảo

Theo sử sách, năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, xây thành để làm nơi đóng đô lâu dài. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà thành xây mãi không xong, cứ xây cao lại bị sụt lở. Có người mách vua rằng có vị thần ở đền Bạch Mã linh thiêng, đến cầu ở đây thì mọi chuyện sẽ thành.

Vua đến đền, chợt thấy một con ngựa trắng từ trong đền chạy quanh khu vực xây thành, chạy đến đâu, chân ngựa in vào lòng đất đến đó. Biết đây là điềm lành nên vua đã sai người xây thành theo đúng dấu chân ngựa để lại. Thành xây xong, vua đã phong thần làm Thành Hoàng bảo vệ cho Thăng Long. Kể từ đó, bạch mã được xem như biểu tượng linh thiêng của đền.

Đền tọa lạc trên diện tích đất hơn 500m2, mang nét kiến trúc cổ kính thời nhà Lý. Hiện nay, trong đền vẫn còn lưu giữ hơn 15 tấm bia ghi chép sự tích đền cũng như lịch sử các lần tôn tạo đền.

  • Địa chỉ: 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Giờ mở cửa: Từ 8g – 11g; và từ 14g – 20g mỗi ngày, trừ thứ Hai.
Trấn Tây – Đền Voi Phục
Đền Voi Phục còn được gọi là đền Thủ Lệ hay Linh Lang. Ảnh: Thanh Thảo

Ngôi đền nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long cũ, được người dân gọi với tên quen thuộc là đền Thủ Lệ hay Linh Lang. Sở dĩ có tên Linh Lang là vì đền thờ thần Linh Lang, tương truyền là một thiên sứ đầu thai làm con của phi tần vua Lý Thái Tông.

Khi sinh ra, Linh Lang đã lộ nét khôi ngô tuấn tú. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, chàng lớn nhanh như thổi, vươn vai trở thành dũng sĩ, cưỡi voi dẹp tan quân xâm lược. Khi đất nước thái bình, Linh Lang biến thành con giao long rồi biến mất duới hồ Dâm Đàm (nay là hồ Tây). Từ đó, vua cha đã lập đền thờ để ghi nhớ công lao và phong là thượng đẳng thần.

Đặt chân đến ngôi đền, có lẽ ấn tượng đầu tiên của du khách là hai tượng voi quỳ được đắp công phu ngay ở cửa đền. Đền Thủ Lệ còn ghi dấu ấn với quả chuông đồng cao 93cm, đường kính 73cm, có chạm khắc chữ Hán nổi “Tây trấn thượng đẳng” do người dân nơi đây quyên góp đúc thành.

Nếu dịp đầu xuân chưa có cơ hội thăm đền, du khách có thể đến từ ngày 9-11 tháng Hai âm lịch để tham dự lễ hội đền Voi Phục. Vào dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm một số hoạt động như: lễ rước kiệu, lễ tế, múa rồng, múa lân, dâng hương, đấu cờ, đập niêu, chọi gà…

  • Địa chỉ: Số 306B Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Giờ mở cửa: 8g-17g. Riêng ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng mở từ 6g-20g.
Trấn Nam – Đền Kim Liên
Năm 1990, đền Kim Liên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Thanh Thảo
Một góc đền Kim Liên. Ảnh: Thanh Thảo

Tương truyền đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn, con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, một trong 50 người con theo mẹ lên núi. Đây là vị thần đã có công giúp Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh và sau này đã giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Chính vì thế, vua đã cho người dân xây đền, dựng bia để tưởng nhớ công lao của thần.

Tương truyền đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn, con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, một trong 50 người con theo mẹ lên núi. Ảnh: Thanh Thảo

Đền còn lưu giữ được tấm bia đá đồ sộ, được chạm khắc tinh xảo mang tên “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m. Tấm bia đá này được dựng năm 1510, nội dung ghi: “Cao Sơn lừng danh. Vòi vọi oai linh. Hễ cầu tất ứng. Ban khắp ơn lành. Ban thời vận rủi. Trời sinh thánh minh”.

Năm 1990, đền Kim Liên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay lễ hội đình Kim Liên được tổ chức vào 15 và 16 tháng Ba âm lịch hàng năm, ngày 16 là ngày hội chính – đây là ngày sinh của thần Cao Sơn. Lễ vật đặc biệt ở đình Kim Liên là mâm cỗ bảy tầng được chế biến rất cầu kỳ. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian: đẩy gậy, đập niêu, chọi chim, cờ người, bóng bàn, thi đấu võ thuật…

  • Địa chỉ: 144 Kim Hoa, quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Giờ mở cửa: 8g-17g. Riêng ngày mùng 1 và rằm mở cửa từ 6g-20g.
Trấn Bắc – Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh ngày nay vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo với những đường nét chạm trổ hoa văn tinh xảo, đầu rồng, đuôi phượng trên các cột trụ, miếu thờ. Ảnh: Thanh Thảo

Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ câu ca dao “Tiếng chuông Trấn Vũ, Canh gà Thọ Xương”. Trấn Vũ chính là đền Quán Thánh, ngôi đền trấn giữ phía Bắc của kinh thành Thăng Long, là nơi thờ phụng thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là vị thần trong truyền thuyết được nhân dân hết lời ca ngợi, đã góp sức giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, giúp vua Lý Thánh Tông diệt hồ ly tinh trên sông Hồng…

Tượng voi ở đền Quán Thánh. Ảnh: Thanh Thảo
Khánh đồng ở đền Quán Thánh. Ảnh: Thanh Thảo

Đền Quán Thánh ngày nay vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo với những đường nét chạm trổ hoa văn tinh xảo, đầu rồng, đuôi phượng trên các cột trụ, miếu thờ. Bên trong đền có một bức tượng đồng nặng 4 tấn, cao 3,98m, mô phỏng thần Huyền Thiên Trấn Vũ râu dài, tóc xõa, mặc áo đạo sĩ, tay trái chống lên mai rùa, tay phải ôm rắn. Đây có thể xem là công trình nghệ thuật đánh dấu thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật đúc đồng.

  • Địa chỉ: Đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Giá vé: 10.000 đồng/vé người lớn; 5.000 đồng/vé sinh viên, trẻ em.
  • Giờ mở cửa: 8g-17g. Riêng ngày mùng 1 và ngày rằm mở từ 6g-20g.

Thanh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đến Huế xem triển lãm ảnh lịch sử Việt Nam của...

0
(SGTT) – Triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia (NAG) người Đức Thomas Billhardt (sinh năm 1937) mang tên “Tái ngộ Việt Nam” khai...

Tổng giám đốc HSBC: Năm 2022 GDP Việt Nam có thể...

0
(SGTT) – Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, vừa đưa ra một số dự báo về kinh tế và...

Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ...

0
(SGTTO) - Việt Nam có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới và ước tính dựa trên...
thánh địa mỹ sơn

Thành lập khu bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới...

0
(SGTTO) - Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vừa được thành lập nhằm bảo vệ, phục hồi...

Công nhận Mũi Né là khu du lịch quốc gia

0
(SGTTO) - Khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận vừa được công nhận là khu du lịch quốc gia. Đây chính là đòn...

Lên đỉnh Hòn Yàng nghe truyền thuyết “vàng hời”

1
(SGTTO) - Với du khách và người dân Quảng Ngãi, có lẽ Hòn Yàng là địa danh mà không nhiều người muốn đến, bởi...

Kết nối