(SGTTO) – Làm thế nào để có sức khỏe tốt, đặc biệt khi bạn là người rất bận rộn với công việc. Có nhiều cách để giữ sức khỏe, trong đó có thể dục thể thao hàng ngày. Vấn đề là tập luyện thế nào cho đúng cách, đúng khoa học và mang lại lợi ích.
- Công bố Đại hội thể thao doanh nhân – Olympic 2030 lần thứ 6
- Doanh nhân thoát khỏi trầm cảm nhờ thể thao
Trước thềm diễn ra giải Đại hội thể thao doanh nhân (Olympic 2030) lần thứ 6 – năm 2020, Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (trực thuộc SaigonTimes Club) tổ chức buổi chia sẻ (workshop) với chủ đề “Sức khỏe doanh nhân, nâng tầm doanh nghiệp” tại TPHCM.
Tập với năng lực của mình
Buổi workshop có sự chia sẻ của các khách mời là anh Bùi Văn Ngợi – người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest – và cựu vận động viên đội tuyển Quốc gia bộ môn xe đạp địa hình Nguyễn Thị Thanh Huyền, người đã giành 4 HCV Sea Games và 1 HCV châu Á ở bộ môn này. Những vấn đề được chia sẻ xoay quanh kinh nghiệm cũng như tư vấn kiến thức về vấn đề sức khỏe vật lý và tâm lý trong rèn luyện thể chất, tập luyện thể thao đúng cách và đạt hiệu quả cao.
Theo anh Ngợi, để đạt được hiệu quả cao trong luyện tập thể dục thể thao, người tập cần phải có mục tiêu. “Xây dựng mục tiêu có vai trò rất quan trọng, nó giúp chúng ta có trách nhiệm hơn về bản thân, vượt qua giới hạn của chính mình và tạo động lực vượt qua mệt mỏi trong tập luyện”, anh nói.
Tuy nhiên, cũng theo anh chia sẻ, vấn đề là chúng ta thường đặt mục tiêu quá cao, không bền vững và không thực tế. Chính điều đó sẽ làm giảm tinh thần và động lực nếu không đạt được mục tiêu đề ra. Anh Ngợi cho rằng người tập không nên đặt mục tiêu tập luyện quá nhiều cùng một lúc mà chỉ chọn một hoạt động nhất định. “Các bạn không thể lấy một vận động viên chuyên nghiệp làm thước đo mà phải phù hợp với khả năng bản thân”, anh Ngợi chia sẻ.
Là một vận động viên chuyên nghiệp, anh Ngợi có lời khuyên đến các doanh nhân tham dự buổi giao lưu rằng tùy thuộc vào thể lực và tuổi tác, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn môn tập luyện bất kỳ hình thức nào. “Các bộ môn quen thuộc như đi bộ, chạy bộ, tập đạp xe, bơi lội, tập xà đơn, yoga… là tương đối phù hợp với hầu hết nhiều người”, anh Ngợi cho biết.
Đừng tập lúc tối muộn
Chọn thời gian tập luyện phù hợp nhất là chia sẻ của cựu vận động viên Nguyễn Thị Thanh Huyền. Theo chị, để đạt được kết quả tối ưu, chúng ta nên xem xét khoảng thời gian tập thể dục.
Theo đó, nếu tập thể dục quá sớm, cơ thể vẫn còn trong trạng thái nghỉ và thư giãn, hệ thần kinh và nội tiết đang ở đặc trưng ban đêm sẽ làm đảo lộn nhịp sinh học thường ngày. Còn tập thể dục quá muộn sẽ làm cho cơ thể trở nên mệt mỏi và khó ngủ ngon.
Chính vì vậy, thời gian tập thích hợp vào buổi sáng mùa hè là từ 5:00-7:00, mùa đông từ 6:00-:00 và không tập buổi tối, sau 21:00. “Mỗi khung thời gian buổi sáng hoặc buổi tối đều mang đến những ưu nhược điểm nhất định, do đó cần chú ý để sắp xếp lịch trình tập luyện hợp lý cho riêng mình” chị nói.
Cũng theo chị Huyền, chế độ ăn uống đủ chất, đúng cách là một phần quan trọng để bổ trợ cho quá trình tập luyện và góp phần giúp người tập đạt được hiệu quả tốt hơn. Chú ý bổ sung các thực phẩm lành mạnh, bổ sung nước cả trước, trong và sau khi tập. “Cần phải bổ sung nước thường xuyên, trước, trong và sau khi luyện tập để loại bỏ độc tố và cải thiện sự trao đổi chất cho cơ thể”, chị Huyền chia sẻ.
Olympic 2030 là một hoạt động thường niên, diễn ra từ năm 2015 đến nay. Đại hội thể thao do Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (trực thuộc Saigon Times Club) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Thời báo Kinh tế Sài Gòn và sự đồng ý của Ủy ban Olympic Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao TPHCM cấp phép. Olympc 2030 năm nay có 15 môn thi đấu gồm: Bóng đá, bida, chạy dọc tòa nhà, cờ tướng, bắn cung, bóng bàn, bowling, golf, bơi lội, việt dã, tennis, cầu lông , boxing, trail, xe đạp địa hình (MTB) và teamwork racing.
Xuân Vinh