Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tại sao các nhà mạng muốn xóa WhatsApp?

HỒNG QUÂN –

Trên thế giới, nhất là các thị trường mới nổi, các công ty viễn thông điện thoại hay nhà mạng đều phàn nàn Facebook và WhatsApp đang làm giảm doanh thu từ dịch vụ thoại và nhắn tin truyền thống.

Cách nay hai năm tại sự kiện triển lãm về thiết bị di động Mobile World Congress (MWC), CEO của Facebook, Mark Zuckerberg đã trấn an các nhà mạng và công ty điện thoại, rằng Facebook là đồng minh tự nhiên của họ. Trước đó, ông công bố thương vụ mua WhatsApp 22 tỉ đô la Mỹ và trình bày sáng kiến Internet.org, là dự án cung cấp một gói nhiều dịch vụ băng thông thấp, do nhà mạng kết hợp với Facebook để thu hút hàng trăm triệu người sử dụng trực tuyến lần đầu tiên. Ông cam kết “xây dựng mô hình có lợi nhuận nhiều hơn với nhiều thuê bao hơn cho các nhà mạng”. Bởi vì hợp tác với nhau nên Zuckerberg cho rằng cả hai bên có thể hưởng lợi dồi dào.

WhatsAppTheo các nhà phân tích, các nhà mạng không nên đối đầu với các dịch vụ nhắn tin như Facebook Messenger hay WhatsApp mà nên bắt tay với nhau để tăng được doanh thu từ dịch vụ dữ liệu.

Khi Zuckerberg trở lại MWC tại Barcelona hồi tháng 2 vừa qua, các công ty điện thoại cho rằng Facebook trông giống như đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác. Năm ngoái, WhatsApp giới thiệu cuộc gọi thoại miễn phí, Facebook Messenger cũng vậy. Hai dịch vụ tin nhắn này rõ ràng đang “ăn” vào doanh thu từ dịch vụ thoại và nhắn tin điện thoại di động của các nhà mạng nói chung, không riêng gì tại Việt Nam.

Một số nhà sản xuất điện thoại cho rằng Facebook hay các ứng dụng tương tự đều cho người dùng sử dụng miễn phí, dựa trên hạ tầng của nhà mạng nhưng lại không bỏ ra đồng nào để hỗ trợ nhà mạng đó. “WhatsApp đang cạnh tranh với chúng tôi, không chỉ dịch vụ về nhắn tin mà còn dịch vụ thoại”, Giám đốc điều hành Jose Maria Alvarez-Pallete của Telefonica nói tại một sự kiện ngành viễn thông hồi tháng 8-2015 ở thành phố Santander, Tây Ban Nha.

Telefonica đang hoạt động mạnh ở châu Mỹ Latinh, là thị trường mới nổi với sự cạnh tranh căng thẳng giữa các ứng dụng nhắn tin. Doanh thu của các nhà mạng tại đây chủ yếu dựa vào dịch vụ thoại và tin nhắn (so với các quốc gia phát triển, dịch vụ dữ liệu kiếm được nhiều tiền hơn). Một thẩm phán Brazil hồi tháng 12 năm ngoái ra lệnh đình chỉ hoạt động dịch vụ WhatsApp tại nước này sau khiếu nại từ một nhóm vận động viễn thông, mặc dù sau đó, tòa án cấp cao hơn đã bác bỏ quyết định này. Còn tại Ai Cập, kể từ tháng 10 năm ngoái chính phủ đã đóng cửa một số ứng dụng nghe gọi điện thoại qua Internet.

Tại Ấn Độ, trong tháng 2 này, chính phủ quy định các nhà mạng không được khuyến mãi hay giảm giá cho những ai truy cập một số địa chỉ web cụ thể. Đây chính là thách thức trực tiếp với kế hoạch Internet.org của Zuckerberg. Quy định mới này của Ấn Độ có hiệu lực đã kết thúc quan hệ đối tác của Facebook với Công ty Reliance Communications, khi cả hai đang có kế hoạch hướng người dùng truy cập miễn phí vào trang web của Reliance và 30 trang web khác.
Trong khi đó, tại Nam Phi, nhà mạng MTN Group và Vodacom Group cho rằng các dịch vụ như WhatsApp, Skype, Google Hangouts và Viber làm tổn thất hàng tỉ đồng rand, xét về nguồn thu thuế và vi phạm an ninh quốc gia, vì việc mã hóa dữ liệu trên các dịch vụ này khiến tội phạm lẩn trốn được sự giám sát của chính phủ. Các nhà làm luật viễn thông của Nam Phi đã bắt đầu điều tra tác động của dịch vụ nhắn tin qua Internet (OTP) và Nigeria đang xem xét đưa ra luật điều chỉnh. “Công nghệ đã phát triển nhanh và vượt xa các quy định tiêu dùng hiện hành ở nhiều quốc gia”, ông Lisa Felton, người theo dõi các vấn đề pháp lý cho Vodafone, cổ đông và là thành viên ban kiểm soát của Vodacom, nói.
WhatsApp không cung cấp dữ liệu về các cuộc thoại bằng giọng nói, nhưng theo hãng, hiện có khoảng 1 tỉ người dùng WhatsApp, tăng gấp đôi từ khi được Facebook mua lại. Còn Skype cho biết ứng dụng của họ phục vụ hơn 2 tỉ phút gọi mỗi ngày. Ở Đông Âu, nơi mà các ứng dụng ngày càng phổ biến cho các cuộc gọi quốc nội và quốc tế, dịch vụ thoại của nhà mạng đã giảm thu nhập 1/3 trong năm năm qua. Các nhà mạng vẫn chưa bù đắp được khoản lỗ từ các dịch vụ dữ liệu.

Nhưng không phải tất cả các nhà mạng đều chống lại Facebook. Facebook có quan hệ đối tác với nhiều công ty điện thoại từ châu Mỹ đến châu Á. Nhiều người cho rằng hợp tác với Facebook là có lợi cho đôi bên, bởi sẽ khuyến khích người dùng mua gói dữ liệu nhiều hơn, từ đó tăng doanh thu.

Millicom International Cellular, một nhà mạng với hơn 63 triệu thuê bao ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, chạy chương trình khuyến mãi tại một số thị trường, cung cấp truy cập miễn phí đến Facebook và Internet.org trong vài tháng. Công ty báo cáo năm ngoái rằng 33% các thuê bao tham gia chương trình trên cuối cùng đã nâng cấp lên gói dữ liệu trả phí.

Tương tự, Công ty Điện thoại Cell C, đứng thứ ba Nam Phi, cung cấp Facebook và WhatsApp miễn phí trong một số gói thuê bao, vì chúng thu hút khách hàng mới. “Nếu chúng tôi không đổi mới xung quanh các dịch vụ này và mang lại giá trị cho các khách hàng, chúng tôi có rủi ro cao sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong tương lai”, Jose Dos Santos, CEO của Cell C cho biết.

Trong dài hạn, theo các nhà phân tích trong ngành, WhatsApp và các ứng dụng thay thế khác không nên được xem như là một mối đe dọa cho dịch vụ thoại của các công ty điện thoại. Chất lượng âm thanh của cuộc thoại càng cao càng phải sử dụng nhiều dữ liệu. “Nếu nhà mạng tính giá dịch vụ dữ liệu chính xác, họ có thể tăng doanh thu”, ông John Delaney, một nhà phân tích tại Công ty Nghiên cứu IDC nói. Và khi người ta dần nâng cấp lên các ứng dụng gọi điện thoại có video trực tuyến như Skype, dữ liệu tiêu thụ tăng lên theo cấp số nhân. Delaney nói: “Những gì nhà mạng không ưa chính là phải đầu tư nặng tiền mà lại bị công ty khác ăn theo miễn phí”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối