Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Sinh viên Pháp đến Huế trải nghiệm múa rối nước

(SGTT) - Nhóm sinh viên 10 người đến từ Pháp đã có thời gian học trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước truyền thống tại Hue Lotus Homestay, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn. Hoạt động này giúp các sinh viên Pháp hiểu rõ hơn về văn hóa và con người Việt Nam qua các màn biểu diễn tái hiện những câu chuyện dân gian và truyền thuyết của dân tộc.

Hoạt động diễn ra ngày 22-4, tại buổi biểu diễn lần này các sinh viên Pháp có cơ hội trải nghiệm, cùng học tập, xem biểu diễn múa rối nước, múa rối cạn cùng các diễn viên. Ngoài ra các sinh viên Pháp còn được tìm hiểu về lịch sử lâu đời của nghệ thuật múa rối, cách điều khiển con rối và những nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này.

Diễn viên múa rối đáng giới thiệu về nghệ thuật múa rối nước cho nhóm sinh viên người Pháp.

Ông Nguyễn Phi Tuấn, đạo diễn múa rối nước tại điểm Hue Lotus Homestay chia sẻ: “Sân khấu múa rối nước tại Hue lotus là một trong những điểm diễn của các diễn viên của chúng tôi, khi thấy nghề mà mình theo đuổi, cũng như môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc được các bạn trẻ nước ngoài quan tâm tôi thấy rất vui mừng, họ đến đây không chỉ hưởng thụ mà cùng trải nghiệm và trân trọng một nét đẹp văn hóa của người Việt”.

Các sinh viên Pháp thực hành múa rối nước dưới sự hướng dẫn của diễn viên.

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 4km, điểm diễn ở Hue Lotus Homestay mỗi tháng tổ chức khoảng 4 buổi biểu diễn múa rối nước cho các bạn học sinh, sinh viên có số lượng từ 50-200 học sinh và khoảng 2-3 buổi biểu diễn cho các du khách thưởng thức nghệ thuật truyền thống này.

Sinh viên Pháp xem múa rối cạn.

Với mong muốn trở thành điểm giao lưu và quảng bá rộng rãi văn hóa nề nếp, lối sống của người dân địa phương Huế, Hue Lotus còn mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách như các điểm tham quan điện thờ và khu di tích lăng các vị quan triều Nguyễn, ca Huế và đặc biệt là thưởng thức ẩm thực địa phương.

Đến đây, du khách còn được tham quan những căn nhà truyền thống được bài trí theo lối xưa bởi những vật liệu từ tranh, tre, gỗ, nứa… Trong khuôn viên, còn có các các gian làng nghề truyền thống của Huế như làm hương, gốm, nón, đan macrame, làm hoa giấy, xốp thú.

“Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối