Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Sao cứ phải phóng sinh cá chép?

(SGTT) – Tục cúng kiếng ngày 23 tháng Chạp hàng năm để tiễn ông Táo về chầu trời, tâu báo mọi việc dưới hạ giới cho Ngọc Hoàng đã có từ xa xưa và người Việt có quan niệm, ông Táo về trời bằng cách cưỡi cá chép. Vậy cũng từ rất lâu, cứ ngày này, người dân phóng sinh cá chép ra sông hồ kênh rạch và năm nay cũng vậy.

Cảnh người dân thả cá chép phóng sinh trong khi ghe thuyền ngư lưới cụ chuẩn bị bên cạnh đó để bắt lại. Ảnh chụp màn hình từ một trang facebook cá nhân

Nhiều năm qua, khi mạng xã hội bùng nổ, cứ tới ngày này, cư dân mạng lại than phiền việc phóng sinh cá chép ra kênh rạch sông hồ thì bị nhiều người chờ chực sẵn để bắt lại, thậm chí khá nhiều hình ảnh chứng minh cảnh không ít người dân mua sắm ngư cụ, ghe thuyền, ca nô composite chờ sẵn ở những điểm cư dân đô thị thả cá để vây bắt lại.

Phóng sinh cá chép xuống ao hồ hay mua chim phóng sinh khi đi lễ chùa chiền, mua ếch phóng sinh…cũng đều có một kết cục là đa số người thả phóng sinh thừa biết thứ mình phóng sinh sau đó cũng bị bắt lại. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ có bị bắt lại hay không, mà là liệu việc đó có tốt cho môi trường sống hay không, hay chỉ càng thải thêm chất thải ra sông rạch ao hồ.

Chim nuôi nhốt, bỏ đói nhiều ngày hoặc được nuôi dưỡng trong chuồng lồng thì khi phóng sinh, liệu có bao nhiêu con chim đủ sức tung cánh và kiếm sống? Cá chép phóng sinh là cá nuôi trong ao, cho ăn thức ăn công nghiệp, ngay cả cá chép đánh bắt ngoài sông hồ tự nhiên thì cũng trải qua nhiều ngày sống trong môi trường nuôi nhốt trước khi tới tay người mua phóng sinh, làm sao có thể đủ sức sống trong môi trường sông hồ kênh rạch đô thị vốn dĩ không ít thì nhiều môi trường nước bị ô nhiễm, lại thiếu vắng thức ăn như sông nước tự nhiên.

Một người bắt ếch ven sông Sài Gòn đoạn quận Bình Thạnh, TPHCM mà người viết bài này chứng kiến cách đây chưa lâu, khẳng định ếch phóng sinh là ếch nuôi, béo tốt, cho ăn thức ăn công nghiệp nên rất “dạn hơi người”. Người này chỉ cần kiếm một ít thức ăn công nghiệp có mùi thơm rải vào vùng bèo cây cỏ ven bờ chỗ thả phón sinh là lát sau ếch phóng sinh ục ịch nhảy tới. Họ chỉ việc cầm ếch bỏ vào bao.

Cứ tưởng tượng cá chép mà cầm cả bịch nylon, cả xô nhựa đầy đứng trên bờ trút xuống cái ào (lắm người ném luôn cả bịch nylon sống kênh) ở các kênh rạch tại TPHCM nước đục ngầu, thiếu thức ăn của con người cung cấp mà cá nuôi vốn dĩ không tự kiếm thức ăn, còn kênh rạch ở đô thị thì làm gì có thức ăn như trong môi trường tự nhiên.

Vậy nên các năm trước, lắm người dân sống ven kênh rạch sông hồ than phiền chuyện cá chết hôi thúi sau ngày 23 tháng Chạp, nhiều khả năng đó là cá chép, nên không khéo việc phóng sinh với hàm ý tốt lại góp phần gây ô nhiễm thêm cho môi trường sống.

Tục thả cá chép trong lễ cúng ông Công ông Táo lên chầu trời có lẽ xuất phát từ truyền thuyết “Cá chép hóa rồng” trong dân gian. Tương truyền, từ xa xưa ông trời tạo ra muôn loài, làm nhiệm vụ hô mưa gọi gió. Sau đó, vì bận việc nên ông giao lại việc này cho loài rồng. Tuy nhiên, do số lượng rồng làm mưa không đủ khiến nhiều nơi bị hạn hán, vì vậy, ông trời quyết định giao nhiệm vụ cho vua Thủy Tề, chọn dưới Thủy Cung con vật có đủ sức để làm rồng, phụ trách việc làm mưa.

Để công bằng, vua Thủy Tề đã tổ chức cuộc thi với hy vọng chọn ra những loài vật đủ khả năng vượt qua long môn thì sẽ cho biến thành rồng. Đã có rất nhiều loài thủy tộc đi thi nhưng không loài vật nào vượt qua, duy chỉ có một con cá chép đặc biệt, miệng ngậm một viên ngọc đã vượt qua Vũ Môn quan và biến thành rồng.

Một nhà sư từng nói với người viết chuyện cá hoá rồng theo quan niệm dân gian chưa hẳn đã đúng và ông cho rằng việc phóng sinh cá chép để cho ông Táo cưỡi lên thì không hoàn toàn đúng. Cá thì bơi xuống nước mà ông Táo thì bay lên trời. Người cưỡi lại đi một đằng mà vật cưỡi đi một nẻo là không đúng.

Theo bạn có nên tiếp tục tập quán thả cá chép phóng sinh ngày 23 tháng Chạp hàng năm?

Xem kết quả

Hồng Văn

1 BÌNH LUẬN

  1. Chúng ta thường bị lệ thuộc vào truyền thống từ ngàn xưa để lại, hễ cứ đến ngày 23 ÂL, là phải phóng sanh cá chép, mọi người vô tình làm cho những người bán vật phóng sanh tha hồ hét giá còn những người khác thì đi theo rình rập những chỗ mà mọi người hay phóng sanh họ giăng lưới bắt lại.

    Xét về góc độ phóng sanh trên, thực tế người phóng sanh thật ít phước nếu mà cá chép biết nói: Thì loài cá chép sẽ than thở : không biết ai bày vẽ phong tục thả cá chép, gia đình tụi tui đang sum họp, đành phải bị ly tán bởi những người bán vật phóng sanh, giăng lưới bắt tụi tui để đem bán cho người phóng sanh. Để rồi đem thả giống y như giải cứu con tin?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Để chấm dứt chuyện ‘hông giống con giáp nào’

0
Dạo gần đây cứ khi Tết đến, hình tượng linh vật là con giáp năm đó được trưng bày và người dân và báo...

Bến Bình Đông nay và xưa 

0
(SGTT) - Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa...

Ngay từ thời thực dân, cấm đốt pháo nhưng cho… đua...

0
(SGTT) - Vào cuối năm 1861, chỉ hơn hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp đã ban hành lệnh cấm...

Hàng Tết đầy kệ, siêu thị tại TPHCM dần nhộn nhịp

0
Trong những ngày này, không khí mua sắm Tết tại các siêu thị ở TPHCM đã dần nhộn nhịp, người dân có nhiều lựa...

Khởi sắc hoa tết Bình Thuận những ngày đón xuân về

0
(SGTT) - Chỉ còn hơn một tuần là đến Tết Âm lịch 2022, các nhà vườn trồng chuyên canh hoa, cây kiểng ở Lagi,...

Hàng Tết về ngập chợ vẫn vắng bóng người mua

0
Chỉ còn hai tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, không khí mua bán tại các chợ truyền thống vẫn khá...

Kết nối