Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Sàn FTX phá sản, nhà đầu tư Việt Nam có được pháp luật bảo vệ?

(SGTT) - Sàn FTX, sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới, đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 11-11. Thanh khoản hầu như không còn, hơn 100.000 người trên toàn cầu thành chủ nợ bất đắc dĩ, trong đó có nhiều nhà đầu tư là người Việt. Nhiều người đặt câu hỏi về các vấn đề pháp lý, mong muốn được pháp luật bảo vệ.

Sự kiện FTX và các công ty con nộp đơn xin phá sản lên toà án Hoa Kỳ vào hôm 11-11 đánh dấu một trong những vụ sụp đổ lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tiền ảo. Theo hồ sơ, các công ty này có ít nhất 100.000 chủ nợ và tối đa tới 1 triệu chủ nợ, hầu hết là khách hàng của họ, những nhà đầu tư tiền ảo.

Không chỉ gây chấn động trên toàn thế giới, dư địa của con sóng này cũng ập tới Việt Nam, truyền thông báo chí những ngày qua đã thông tin về những nhà đầu tư Việt Nam trở thành chủ nợ bất đắc dĩ của FTX. Con số lên đến hàng nghìn người, cho thấy mức độ ảnh hưởng của sự kiện này.

Về nguyên tắc, khi công ty nộp đơn xin phá sản tức là công ty đã mất khả năng thanh toán, các nhà đầu tư với các khoản tiền của mình khi không thể rút ra trên sàn này có khả năng cao trở thành những chủ nợ không bảo đảm bất đắc dĩ của công ty.

Tiến sĩ Phan Đăng Hải, Phó trưởng bộ môn Pháp luật kinh tế tại Học viện Ngân hàng cho biết khoản nợ này theo quy định pháp luật Việt Nam (Điều 54 Luật Phá sản 2014) có thể được thanh toán dựa trên số tài sản còn lại của công ty, tuy nhiên do nằm ở thứ tự ưu tiên cuối cùng, số lượng tài sản của công ty không còn nhiều, khả năng “mất trắng” tài sản của nhà đầu tư là một điều có thể dự đoán được.

Thêm nữa, do nộp đơn xin phá sản tại Hoa Kỳ, các nhà đầu tư Việt Nam cũng cần phải thực hiện một số thủ tục cần thiết khác theo quy định pháp luật Hoa Kỳ để có tên trong Danh sách chủ nợ của công ty xin phá sản, từ đó mới có thể hưởng quyền của chủ nợ không bảo đảm như trên, ông Hải nói.

Các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cũng cần có phương án đề phòng rủi ro. Ảnh: AP

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về câu chuyện pháp luật Việt Nam có bảo vệ các nhà đầu tư tiền ảo trước nguy cơ mất trắng hay không, trước tiên cần phải xác định nguy cơ mất trắng đến từ đâu. Bởi có hai nguy cơ mất trắng, thứ nhất do rủi ro trong đầu tư, hai do bị các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lừa đảo.

Tiến sĩ Đỗ Mạnh Phương, Phó trưởng khoa Khoa Luật tại Học viện Ngân hàng, chia sẻ: “Vụ việc sàn FTX phá sản chính là một trong những rủi ro trong đầu tư. Với nguy cơ mất trắng do rủi ro đầu tư thì nhà đầu tư phải chấp nhận đối mặt. Pháp luật chỉ có thể bảo vệ những quyền và lợi ích của nhà đầu tư trước những hành vi vi phạm pháp luật còn chuyện rủi ro, thắng thua trong đầu tư thì nhà đầu tư phải chấp nhận”.

Với nguy cơ mất trắng do các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lừa đảo. Việt Nam chưa có quy định pháp lý về việc phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, khi người chơi gặp bất cứ rủi ro gì trong quá trình chơi thì cũng khó được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích, ông Phương cho biết thêm.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là pháp luật không có quy định để xử lý các hành vi lừa đảo thông qua đầu tư tiền ảo. Vấn đề đặt ra là trong rất nhiều trường hợp do hám lời nhà đầu tư đầu tư vào những sản giao dịch tiền ảo có cam kết lợi nhuận cao mà không rõ ràng về mặt pháp lý của dự án, sàn giao dịch. Nếu như rơi vào những tình huống như trên thì việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư sẽ rất khó khăn.

Theo điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Những phương tiện thanh toán khác không thuộc các hạng mục kể trên đều không hợp pháp.

Theo quy định này, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp theo quy định của Việt Nam. Vì vậy, các nhà đầu tư cần tự chịu trách nhiệm cho quyết định đầu tư của mình và hiểu rõ pháp luật để bảo vệ tiền cũng như quyền lợi của mình.

Sàn FTX hiện là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử phổ biến nhất và cung cấp chủ yếu các sản phẩm phái sinh như: Spot – giao dịch tức thì, Leveraged Tokens (Margin), Futures Contracts – hợp đồng tương lai và OTC.Sàn FTX được thành lập bởi Alameda Research, một trong những nhà tạo lập thị trường và cung cấp thanh khoản hàng đầu thế giới. Alameda Research sở hữu hơn 100 triệu đô tài sản tiền mã hóa và có khối lượng giao dịch mỗi ngày ước tính từ 600 ngàn đến 1,5 triệu đô la mỗi ngày.

Như Quỳnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối