Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Rennes, khung trời kỷ niệm

(SGTT) – Nhiều năm trước. tôi từng sinh sống dài ngày ở Rennes để thực tập nghề nghiệp.  Năm nọ, có dịp quay lại thành phố nhỏ, xinh, yên bình này cùng với vợ; nhớ lại những ngày tháng cũ…

Đứng tần ngần trước một khu nhà, chỉ tay lên lầu hai, tôi nói cho vợ biết mình từng ở đó. Nhưng lúc ấy không thể vô được nữa. Muốn vô, phải dùng mã số để mở cửa; hai cánh cửa đen to luôn luôn đóng chặt. Lâu quá rồi, người ta đã thay mã số.

Khi đứng trước khu nhà đó ở trung tâm của Rennes, tôi đã nhớ lại khoảng thời gian sinh sống tại đây, một nơi từng được tuần báo Pháp L’Express xếp hạng là thành phố dễ sống nhất nước Pháp.

Phố cổ trung tâm Rennes

Rennes, thủ phủ vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp, có gì đẹp? Ngay trung tâm có một khu phố cổ, cách nơi tôi tạm trú chừng năm phút đi bộ, thông qua con đường bên hông Galeries Lafayette, một trung tâm thương mại nổi tiếng.

Bưu điện trung tâm ở trung tâm Rennes.

Thỉnh thoảng, vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật, cùng người bạn chung nhà, tôi lại vô đó. Để vừa đi bộ cho giãn gân cốt vừa ngắm nhìn những ngôi nhà cũ kỹ, nghiêng ngả, đúng theo nghĩa đen; nhiều khi cho đến lúc màn đêm buông xuống.

Đó là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi được xây dựng theo kiểu Bretagne, miền Tây nước Pháp, thấm màu lịch sử. Thường thấy mặt trước của nhà những cột, đà gỗ, không ban công. Và tường nhà ở tầng trệt thường bằng đá, những tầng trên bằng gỗ ráp nối vào nhau; mái ngói thì màu xám đen – ardoise. Lắm khi, trong đó là nhà hàng lớn hoặc quán vừa, quán nhỏ hay cửa hàng vừa và nhỏ.

Trong khu phố cổ, đẹp như tranh này, người ta chỉ được đi bộ. Đương nhiên, dân cư sinh sống ở trong đó có quyền chạy xe hơi ra vô. Thấy những trụ bằng inox ở giữa đường, luôn nhô lên để xe hơi người lạ không vô được. Cư dân thì có remote, bấm một cái, chúng sẽ hạ xuống.

Hồi ấy, thấy lạ vì lắm khi chứng kiến cảnh người dân ở Rennes mặc áo phong phanh, ngồi quán cà phê trước những ngôi nhà cổ. Có người còn cởi trần, để cho những tia nắng vàng rọi thẳng vô mình. Thường đó những ngày sau đông, trời chuyển sang xuân, nắng lên rực rỡ.

Sau này, mới hiểu tại sao họ quý ánh nắng như thế, xứ lạnh hầu như quanh năm mà! Họ qua Việt Nam hoặc một nước nhiệt đới khác nghỉ hè, có khi để hưởng thụ cái nắng nóng không chừng.

Dạo khu phố cổ của Rennes còn biết được thêm phụ nữ Pháp thích làn da hơi ngăm đen. Trong khi đó, phụ nữ nhà mình lại thích làn da trắng, đặc biệt người Sài Gòn, sinh sống ở miền đất chỉ có hai mùa: mùa nóng và mùa rất nóng. Vậy nên, lắm khi không khó để thấy những cô gái khoác thêm áo ngoài dài tay khi ra đường, giữa mùa hè nắng nóng!

Hai phương trời hai quan niệm khác nhau về cái đẹp!

Trong khu phố cổ còn có một con đường dài chưa tới 90 mét đã vô kỷ lục về quán nước đủ loại của Pháp: cứ bảy mét lại thấy một quán nước với bàn ghế để tràn ra vỉa hè. Đó là đường Saint Michel. Thỉnh thoảng, cùng người bạn, tôi lại ra đó, uống một tách cà phê, ngắm ông đi qua, bà đi lại.

Thật ra, đường Saint Michel chỉ đông vui về đêm. Những quán ban ngày hay bán những thức uống “hiền lành”, khi màn đêm buông xuống thường chuyển sang bán rượu. Bởi thế nên nó còn mang tên “Phố Khát”. Đối với người Pháp, cái tên như thế được dùng để gọi một con đường mà đặc điểm là hai bên có nhiều quán rượu chính thức hoặc không chính thức, với khá đông người tụ tập!

Cà phê Hòa bình lớn

 Cùng  người bạn, tôi hay ghé một cái quán gần nơi ở – quán Cà phê Hòa Bình lớn – Grand Café de la Paix, để uống vài ly bia. Về cái quán này, có chuyện đã đi vào lịch sử Pháp.

Bình thường tôi uống ba ly, người bạn cũng vậy; có khi đến bốn. Bồi bàn Pháp không rót bia đầy ly bao giờ, để khách từ tốn mà tận hưởng. Và nhâm nhi đậu phộng.

Ấn tượng mãi đến giờ vẫn đọng lại không phải những ly bia mà… những hạt đậu phộng giòn tan, dậy mùi thơm đến ngất ngây. Muốn ăn bao nhiêu, bồi bàn đều mang ra cả, không tính thêm tiền. Tại sao vậy? Miễn phí ở đây, thật ra, chỉ là một thủ thuật kinh doanh đơn thuần, nhằm móc thêm tiền của khách!

Ăn đậu phộng nhiều, khách sẽ bị khát, mà khát thì cứ tiếp tục “Santé” – cụng ly chúc sức khỏe với nhau.

Nhưng tại sao Grand Café de la Paix lại đi vào lịch sử Pháp? Bởi nó liên quan đến một vụ án đình đám: vụ Dreyfus cuối thế kỷ 19. Hồi ấy, theo những ghi chép tôi đọc được, cứ cuối một ngày vào tòa, hầu hết những người tham dự phiên xét xử lại đến Grand Café de la Paix. Người phản đối lẫn người ủng hộ Dreyfus đều hạ giáo mác, chen nhau ngồi tại đây, để… thưởng thức bia. Vậy nên sau đó nó mới chết tên: “Grand Café de la Paix”.

Vụ án Dreyfus bắt đầu như thế nào? Bị tòa án quân sự kết án năm 1894 vì nghi tuồn tài liệu cho Đức, Alfred Dreyfus gốc Do Thái phải đi đày đến Guyane, một hòn đảo Nam Mỹ gần Brazil thuộc Pháp. Sau khi tác phẩm “J’accuse” (Tôi tố cáo) – bênh vực Dreyfus, của nhà văn hiện thực Émile Zola ra đời vào tháng 6-1899, Tòa Giám đốc thẩm Pháp đã hủy bỏ bản án năm 1894. Thế là Dreyfus được đem ra xử lại.

Nhưng tại sao ở Rennes? Bởi thành phố thủ phủ của vùng Bretagne này nổi tiếng yên tĩnh, lại đông binh lính. Hầu như quanh năm tại đó không xảy ra chuyện gì ghê gớm cả. “Có lẽ nhà chức trách nghĩ rằng, nếu tổ chức xét xử ở đây vào giữa mùa hè, vụ án sẽ không bị chú ý,” Gilles Brohan, một người điều phối di sản hiện giờ của Rennes, nhận xét.

Trên thực tế, với vụ Dreyfus, Rennes đã trở thành nơi bị soi xét kỹ nhất ở Pháp thời ấy. Trong vòng cả một tháng trời, thành phố đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, thu hút giới báo chí, không chỉ của Pháp mà cả nước ngoài. Nhiều nhà chính trị, trí thức, sĩ quan cao cấp và những nhân vật trong giới nghệ sĩ cũng quan tâm đến vụ xét xử này.

Lại một lần nữa, Dreyfus bị kết tội phản quốc với án tù 10 năm, vào ngày 9-9-1899. Nhưng sau đó vài tuần thì được ân xá. Hành động của tòa án quân sự được xem như một sự thừa nhận lỗi lầm trong xét xử.

Hiện giờ Rennes vẫn lưu giữ kỷ niệm về viên sĩ quan nói trên với một con đường – Capitaine Alfred Dreyfus. Bảo tàng Bretagne ở Rennes cũng lưu giữ nhiều hồ sơ, hiện vật quan trọng của vụ án Dreyfus.

Món Việt không khó 

Uống bia xong, chúng tôi hay tạt qua Galeries Lafayette, một trung tâm thương mại có cả siêu thị, bên kia đường, đối diện xéo với nơi ở. Hồi đó, người ta đã bán đủ các loại rau đặc sản có thể thấy ở các khu chợ ở Việt Nam. Như rau muống, giá hẹ… Đương nhiên, không thể thiếu bắp cải, cà rốt – Tây mà. Nói chung, đủ rau để nấu vài món ăn Việt Nam như phở, bún bò, bún bò kho; siêu thị bán cả bánh phở và các cọng bún. Gia vị thì có thể mua ở các tiệm nho nhỏ gọi là “tiệm châu Á”, nhưng phải đi bộ hai cây số, tính từ nơi ở.

Nhà cổ trong phố cổ ở trung tâm Rennes.

Gần nơi chúng tôi ở còn có một cái chợ nhỏ bán những loại thực phẩm, gia vị, kiểu “nhà làm” để nấu các món Tây. Ngày nọ, bắt gặp một cô bán hàng người Việt Nam, bán một số món của Việt Nam, nhưng giờ chỉ nhớ đến món thịt cua đóng hộp. Thỉnh thoảng, tôi lại tìm đến sạp của cô ấy, mua một hộp về làm miến cua để đổi món với người bạn cùng nhà.

Đối với bít tết, chỉ cần mua thịt bò ngon, về bỏ vô chảo nóng, lắc qua lắc lại vài lần là xong. Ăn với khoai Tây chiên, bánh mì – đều được làm sẵn.

Về bánh mì, ở Pháp có một quy luật bất thành văn. Trong mỗi khu phố, luôn hiện diện hai ông làm bánh mì, loại thủ công, nóng giòn thơm nức mũi, không giống bánh mì siêu thị. Mỗi sáng, người trong khu phố lại ra đó mua về để ăn cả một ngày.

Quy luật bất thành văn như thế này: Không bao giờ hai ông ấy được nghỉ cùng lúc; họ phải thay phiên nhau mà nghỉ, giống y công sở luôn phải có người trực. Để người trong khu phố có cái mà ăn! Bánh mì baguette dài ngoằng, đối với người dân Pháp, giống như cơm của mình. Có điều họ không tự làm bánh mì ở nhà được.

Gần nơi tôi ở trong trung tâm của Rennes, còn có cửa tiệm giặt áo quần; chỉ cần bỏ tiền vô để máy nó giặt. Bên cạnh đó, là cả máy sấy. Người giặt có thể ngồi tại chỗ, đọc sách để chờ, không thì đi một lúc rồi quay lại; máy giặt xong, phải lấy quần áo ra, bỏ vô máy sấy thêm một lúc nữa. Bây giờ, đã thấy xuất hiện những nơi như thế tại TPHCM, nhưng phải cắt người trông coi. Ở Pháp thì khác: chủ tiệm quan sát bằng camera.

Khi viết những dòng này, tôi chỉ muốn điểm lại một vài kỷ niệm với Rennes, một thành phố cổ kính, thanh bình. Vẫn còn những kỷ niệm khác nhưng chỉ muốn lưu trong tâm tưởng, thỉnh thoảng nhớ lại.

Ngọc Trân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Amsterdam cấm xây khách sạn mới do lo ngại du khách...

0
Mới đây, thành phố Amsterdam của Hà Lan đã cấm xây dựng khách sạn mới do lo ngại lượng khách du lịch quá đông,...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Anh đào khoe sắc tại thị trấn ngàn năm tuổi ở...

0
(SGTT) – Colmar được xem là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp, nằm bên dòng sông Lauch. Vào tháng 4, hoa...

Ngắm cảnh sắc hùng vĩ của đèo Grossglockner ở Áo

0
(SGTT) - Đèo Grossglockner là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại Áo. Nơi đây thu hút du khách bởi cảnh quan...

Đường hoa anh đào trắng ở vùng quê nước Đức

0
(SGTT) - Đầu tháng 4, một con đường tại vùng quê Jauernick-Buschbach, thuộc bang Sachsen, miền Đông nước Đức được phủ bởi sắc hoa...

Anh đào, mộc lan khoe sắc ở miền Đông nước Đức

0
(SGTT) - Thời điểm này, hoa anh đào, hoa mộc lan đang khoe sắc ở thành phố Dresden, bang Sachsen, miền Đông nước Đức. ...

Kết nối