HUY NGUYỄN -
Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít những nhà văn có nhiều tác phẩm được chuyển thể sang sân khấu. Gần nhất, câu chuyện đầy cảm động của người cha dượng tìm con gái của vợ thất lạc trong truyện ngắn Ơi Cải về đâu được tái hiện trên sân khấu Hoàng Thái Thanh với một sắc thái mới qua vở diễn Rau răm ở lại (tác giả và đạo diễn Thái Kim Tùng).
Nghệ sĩ Hoàng Vân Anh thể hiện sự đa dạng trong diễn suất qua nhân vật Thương.
Ơi Cải về đâu cũng như nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư thường chỉ là những dòng cảm xúc tản mát và buồn mênh mang. Câu chuyện nói về hành trình của ông Năm Nhỏ đi tìm con gái riêng của vợ tên Cải sau khi cô bé lỡ làm mất trâu mà bỏ nhà đi biệt vì sợ cha dượng quở trách. Đó là những dòng miêu tả xoáy mạnh vào tâm trạng nhân vật, ít dữ kiện thông tin nên rất khó dàn dựng thành một câu chuyện kịch vốn đòi hỏi cần phải có nhiều sự kiện, hành động kịch nhằm miêu tả tính cách và tâm lý của nhân vật. Đó là một thách thức lớn cho những ai muốn chuyển thể sang kịch từ các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.
Diễn viên trẻ Thái Kim Tùng đã thêm da thịt cho một truyện ngắn mỏng về cốt truyện. Trên cái tứ có sẵn anh đã sáng tạo thêm nhiều tuyến nhân vật với mỗi số phận và tính cách rõ ràng. Đó là cái tên không xuất hiện trong truyện ngắn Ơi Cải về đâu, như bà chủ quán cà phê, người tình cũ của bà chủ quán cà phê, người bán trà đá, người bán cóc ổi, người khách quen của quán cà phê Chiều tím, hai cô tiếp viên của quán. Hoặc có tên nhưng không có đất diễn như bà Năm Nhỏ. Điều quan trọng nhất của Rau răm ở lại khiến người xem phải đau đớn thắt lòng là số phận bi thảm của ông Năm.
NSƯT Thành Hội vai ông Năm Nhỏ đã khiến người xem bồi hồi trong đoạn kết của vở diễn.
Trong truyện Ơi Cải về đâu, hành trình lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm tìm Cải – đứa con riêng của vợ ông Năm khiến bạn đọc cảm nhận được nỗi buồn nhè nhẹ, lan dần rồi thấm sâu vào trái tim; thì trong Rau răm ở lại, cuộc đời của ông Năm thực sự trở thành một bi kịch khốc liệt. Nếu như trong truyện ngắn sự mất tích của Cải là một nỗi đắng cay có thật, thì trong Rau răm ở lại đó chỉ là một cái bẫy. Để khi ông Năm nhận ra sự thật chỉ còn biết thảng thốt, câm lặng trước âm mưu từ trong tấm lòng gian trá của người mà ông yêu quý hơn cả sinh mệnh của mình. Cái kết đầy sáng tạo này đã khiến cho người xem thổn thức. Nỗi đau của nhân vật được cảm nhận rõ ràng với cường độ cao hơn.
[box type="download"] Vở diễn có sự tham gia diễn suất của NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Ái Như, Hoàng Vân Anh, Lương Duyên, Đoàn Thành Tài, Cao Tiến, Nguyễn Long, Kim Phước, Thái Kim Tùng.[/box]
Nếu có một sự so sánh với hai vở kịch cùng được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gồm Nửa đời ngơ ngác (chuyển thể từ truyện ngắn Chiều vắng) và Bao giờ sông cạn (chuyển thể từ truyện ngắn Dòng nhớ), thì Rau răm ở lại ít lấy nước mắt người xem hơn. Tuy nhiên, các nhà bình luận sân khấu cho rằng nếu so sánh trong mặt bằng chung của nghệ thuật sân khấu hiện nay thì đây vẫn là vở diễn được đầu tư nghiêm túc.