Có 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và 16 chủ rừng là tổ chức… tại Quảng Bình được chi trả giảm phát thải khí nhà kính với tổng số tiền hơn 80 tỉ đồng.
- Tân Hóa, từ ‘rốn lũ’ trở thành Làng du lịch tốt nhất thế giới tại Quảng Bình
- Cơn bùng nổ thị trường tín chỉ carbon giúp Brazil tái tạo rừng nhiệt đới
Dẫn tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, báo Điện tử Chính phủ cho biết ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ký quyết định về việc phê duyệt đối tượng hưởng lợi từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình (ERPA) của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
Theo đó, có 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã và 9 tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng được chi trả giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Tổng kinh phí chi trả trong năm 2023 là hơn 82,4 tỉ đồng, trong đó kinh phí tạm trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh là 3% (hơn 2,4 tỉ đồng) và kinh phí tạm chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là hơn 80 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Từ đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương sẽ nhận được 51,5 triệu đô la Mỹ từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế, sau đó điều phối gần 50 triệu đô la Mỹ đến các tỉnh.
Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình sẽ chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 và được phân bổ khoảng 235 tỉ đồng. Nội dung chi trả bao gồm hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế và công tác quản lý.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết đây là khoản kinh phí lớn, góp phần nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng và cải thiện đời sống người giữ rừng ở địa phương. Thời gian tới tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch để khai thác tiềm năng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng hiện đang được quan tâm.
Đăng Huy
Theo Báo Điện tử Chính phủ